Lễ khai trường diễn ra chỉ 60 - 90 phút

18/08/2015 08:00 GMT+7

Hôm qua (17.8), hầu hết các trường mầm non, phổ thông trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016.

Hôm qua (17.8), hầu hết các trường mầm non, phổ thông trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016.
Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) trong ngày tựu trường sáng 17.8 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) trong ngày tựu trường sáng 17.8 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bên cạnh việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, các sở GD-ĐT đã chủ trương bắt đầu đổi mới ngay từ cách thức tổ chức lễ khai trường theo tinh thần tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 12.8, do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Không khảo sát học sinh đầu năm học
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ, lễ khai giảng năm học mới ở Hà Nội sẽ đồng loạt tổ chức vào sáng 5.9. “Chúng tôi sẽ yêu cầu các trường chỉ tổ chức khai giảng gói gọn trong khoảng 1 - 1,5 tiếng đồng hồ. Sẽ có hướng dẫn cụ thể về phần lễ, phần hội, phần phát biểu... ra sao để học sinh (HS) cảm thấy vui tươi, phấn khởi mà không quá nặng nề về lễ nghi, hình thức”, ông Thống nói.
Hà Nội cũng đã có hướng dẫn cụ thể với từng cấp, bậc học. Tất cả các quận, huyện của Hà Nội sẽ tổ chức một hội thảo bàn và góp ý cho khung chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đã công bố.
Với cấp trung học, Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không tổ chức khảo sát HS đầu năm học. Sẽ triển khai thực nghiệm mô hình trường học mới cấp THCS đối với 9 lớp 6 của trường THCS thuộc các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên. Sở không chỉ bồi dưỡng cho giáo viên của các trường này mà tổ chức cho tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố để chuẩn bị tinh thần mở rộng trong những năm tiếp theo.
Hà Nội đã có 147 trường THCS có 100% HS học 2 buổi/ngày, 97 trường có một số lớp học 2 buổi/ngày. Nội dung dạy học 2 buổi/ngày tập trung vào phụ đạo HS yếu, kém, bồi dưỡng HS giỏi, giãn thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên...
Quản lý thu chi, chương trình dạy kỹ năng sống
Tại Bắc Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Đức Bưởi cho biết một trong những vấn đề phải siết chặt ngay từ đầu năm học là quản lý thu chi trong trường học. “Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn rõ về nội dung này. Nghiêm cấm các đơn vị lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS đề ra các khoản thu ngoài quy định hoặc ép buộc HS may (mua) quần áo đồng phục, đồng thời có hình thức xử nghiêm, kịp thời đối với thủ trưởng những cơ sở giáo dục để nảy sinh các khoản thu ép buộc trái quy định”, ông Bưởi khẳng định.
Sở GD-ĐT Hải Dương thì nhấn mạnh tới việc quản lý chặt việc đưa các chương trình dạy kỹ năng sống của các trung tâm vào trường học. Theo đó, Sở yêu cầu khi chưa có quyết định cấp phép hoạt động và xác nhận đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong trường tiểu học của các cấp quản lý có thẩm quyền, các trường không được ký hợp đồng liên kết với các đơn vị để tổ chức thực hiện trong nhà trường.
Trong khi đó, ngành GD-ĐT Quảng Ninh thì đang dồn sức khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử vừa qua. Khối các trường thiệt hại nhiều nhất là mầm non, tiểu học. 9 tỉ đồng từ tiền ủng hộ đã được dành để chi phí cho việc sửa chữa các trường học bị thiệt hại do mưa lụt, trao học bổng cho các HS bị ảnh hưởng do mưa lũ, khó khăn trong việc đến trường trong năm học mới.
Nhanh chóng biên soạn sách giáo khoa riêng
Ngày 17.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2015-2016. Năm nay ngành giáo dục sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục...
Các trường sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Để khắc phục tình trạng quá tải, nặng kiến thức, nhẹ thực hành, thành phố sẽ nhanh chóng tổ chức nghiên cứu biên soạn bộ sách giáo khoa mới phù hợp với thực tiễn đồng thời xây dựng đề án thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của HS...
B.Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.