“Mở” kênh truyền hình từ năm nhất

13/07/2013 03:05 GMT+7

Làm sao để một du học sinh năm nhất mới bỡ ngỡ bước vào khoa báo chí có thể làm được những công việc giống như một nhà báo? Ấy vậy mà những điều đó lại đến thật tự nhiên và thú vị.

Sốc... với cách học mới !

Ở Việt Nam vốn đã quen với cách học lý thuyết, thầy cô giảng sẵn chỉ việc học thuộc nên khi vào học ở khoa Báo chí Trường ĐH Tổng hợp Kharkov (Ucraina), lúc giảng viên giao bài tập thực hành ngay từ năm nhất, tôi cảm thấy rất sốc và hoang mang.

Không có bài giảng hằng ngày trên lớp như thường thấy, giảng viên giao cho sinh viên (SV) các đề tài theo từng tuần. SV cần tìm hiểu những đề tài ấy ít nhất từ 3 nguồn thông tin (sách vở, trên internet và trong cuộc sống). Nếu hoàn thành tốt thì có thể được miễn thi bài kiểm tra cuối kỳ. Công việc này thực sự vô cùng mới lạ đối với một SV mới học xong năm nhất ĐH ở Việt Nam như tôi.

“Mở” kênh truyền hình từ năm nhất
Nhóm sinh viên năm nhất thực tập thành lập kênh truyền hình Chúng tôi TV - Ảnh: T.T.H

Nhóm chúng tôi chọn đề tài “Dòng thời gian theo làn khói súng. Các nhà báo thời chiến tranh”. Chúng tôi cần tìm hiểu tiểu sử của 12 nhà báo nổi tiếng thời kỳ Xô Viết mà giảng viên đã cho tên. Sáu thành viên nhóm chúng tôi cùng họp lại sau giờ học. Mỗi người sẽ tìm hiểu về 2 nhà báo (tiểu sử và các tác phẩm nổi tiếng của nhà báo ấy, cách làm việc thời chiến và những chiến công). Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hình ảnh minh họa cho bài viết của mình.

Công việc cần hoàn thành chậm nhất trước 2 ngày thuyết trình. Để thuận tiện cho công việc của nhóm, chúng tôi thường trao đổi, bàn bạc qua mạng với nhau. Tất cả các bài sẽ được trưởng nhóm tổng hợp lại và đóng thành một tập tài liệu để truyền tay cho các bạn trong lớp cùng xem. Nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi thành viên trong nhóm không chỉ là hiểu kỹ về các nhà báo mà còn trả lời được các câu hỏi từ SV và giảng viên.

Chưa hết bỡ ngỡ với công việc đầu tiên, sau buổi thuyết trình, giảng viên yêu cầu SV thêm nhiệm vụ mới: Mỗi người phỏng vấn 3 SV (xuất sắc, học yếu và vừa tốt nghiệp ĐH) và làm bài phóng sự về hội chợ sắp mở. Lần này nhiệm vụ dường như khó khăn hơn, SV phải tiếp cận với thông tin và “diễn” như một phóng viên thực thụ .

Ở môn lý thuyết và tác phẩm báo là như vậy. Ở môn báo truyền hình, chúng tôi được tổ chức lớp học như một cuộc họp báo vậy.

Cả lớp được chia làm 4 nhóm. Mỗi nhóm thành lập một kênh truyền hình với các chương trình thời sự, ca nhạc, phim, trò chơi,…đặt tên riêng cho kênh ấy. Ở mỗi kênh phải có biên tập viên, thư ký, người dẫn chương trình, người thực hiện chương trình,… Trong cuộc “họp báo” giới thiệu các kênh truyền hình, mỗi nhóm phải lên giới thiệu, chạy chương trình giới thiệu trên máy và đặt ra các câu hỏi cho nhóm bạn. 

Cọ xát với nghề

Tôi nhớ lần đi tìm thông tin về SV xuất sắc ở khoa toán. Lúc đầu ông trưởng khoa nhất quyết không cho tôi tìm hiểu về SV này vì không biết tôi là ai. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu bản thân, nói về nhiệm vụ và bài tập của mình, ông mới bắt đầu đồng ý và yêu cầu tôi nói giáo viên chủ nhiệm môn gọi điện cho ông. Tôi trao đổi với giáo viên hướng dẫn nhưng vẫn không có kết quả nên đành tìm nguồn thông tin từ nơi khác. Mặc dù thất bại lần đầu nhưng tôi cảm thấy quen dần với áp lực trong những lần tiếp theo. Đặc biệt hơn, tôi đã dần bỏ đi được sự ngại ngùng, biết mạnh dạn đặt câu hỏi.

Thực tế và khó khăn hơn khi chúng tôi đi làm phóng sự ở Hội chợ Kharkov. Trên tay mỗi SV là một quyển sổ để ghi chép. Đến mỗi cửa hàng chúng tôi đều hỏi rất kỹ về các sản phẩm, phỏng vấn. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì thái độ không hợp tác của những người bán hàng.

Gặp gỡ với các cựu SV người Ukraina, họ nói: “Đừng lo lắng, bạn sẽ vượt qua. Chỉ cần thật tự tin, bạn sẽ làm được. Bạn sẽ trưởng thành sau 4 năm. Việc thực tập sẽ giúp bạn hiểu như thế nào gọi là làm báo”. Tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần trước những lời khuyên như thế này. Có dịp trò chuyện cùng SV Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội, Hằng - một SV năm cuối của trường - nói: “Như vậy là em có cơ hội lớn lắm đó. Ở đây, những SV năm cuối mới bắt đầu đi thực tập nên khi ra trường gặp rất nhiều lúng túng”.

Kết thúc năm nhất để có điểm cho kỳ tới, chúng tôi nhận thêm nhiệm vụ thực tập tại một tòa soạn báo trong 2 tháng hè. Lần này tôi cảm thấy tự tin hơn cho kỳ thực tập dài ngày.

Từ Thanh Hiền 

>> Nhật Bản tìm cách thu hút du học sinh Việt Nam
>> “Ngôi nhà” chung của du học sinh tại Mỹ
>> Ngày hội kết nối cựu du học sinh
>> Cổng thông tin của du học sinh tại Mỹ
>> Du học sinh quảng bá du lịch Việt Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.