Mổ xẻ giáo dục đại học

08/06/2010 02:40 GMT+7

* Tắc đường liên thông từ nghề lên đại học Cấp phép mở trường dễ dãi, chất lượng đào tạo thấp, đặc biệt ở hệ không chính quy, chậm trễ xử lý các trường sai phạm... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường sáng qua.

Giảng viên "chạy sô" 1.000 tiết/năm

Theo báo cáo giám sát của UBTV QH, 11 năm gần đây, việc dễ dãi thành lập mới, nâng cấp hơn 300 CĐ, ĐH trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không bảo đảm, đã dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập, trường địa phương.

"Phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ GD-ĐT?" - ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Trong 61.000 giảng viên mới có hơn 6.200 tiến sĩ, gần 23.000 thạc sĩ và gần 2.300 PGS, GS, còn lại là trình độ cử nhân. Chính việc thiếu hụt này đã khiến không ít thầy cô "chạy sô" dạy tới 1.000 tiết một năm, trong khi chuẩn quy định là 260 tiết một năm. Hầu hết các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đều đặc biệt bày tỏ lo ngại về việc thành lập trường dễ dãi, ồ ạt trong khi chất lượng đào tạo thì yếu kém và manh mún.

Cần làm rõ biểu hiện chạy chọt, xin cho

Tôi đề nghị QH cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và vai trò của Bộ trưởng nói riêng. Tại sao không tập trung đầu tư vào nhiệm vụ chính là nghiên cứu thực tiễn để xây dựng, ban hành kịp thời, có chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý nhà nước mà lại can thiệp quá sâu vào công việc của các trường, cho thành lập tràn lan các trường ĐH, CĐ. Đề nghị làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường ĐH, CĐ những năm gần đây, có yếu tố do năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa)

Chương trình và giáo trình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục ĐH, nhưng theo ý kiến của nhiều ĐB, các trường ĐH ở nước ta hiện nay thì chương trình giảng dạy lạc hậu, nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật các kiến thức mới còn phổ biến. ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng QH: tuy thời gian dành cho giáo dục ĐH dài hơn nhưng chương trình đào tạo không hướng trọng tâm đến việc dạy nghề và cũng không đào tạo theo hướng một người có kiến thức sâu và sáng tạo. Hay 1.451 giờ học kinh tế ở trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ bằng 1/3 chương trình đào tạo cử nhân kinh tế ở Mỹ, nhưng sinh viên phải học từ các môn cơ bản như kinh tế vĩ mô và vi mô... Với chương trình đào tạo quá rộng như vậy người học không có khả năng và thời gian đi sâu vào bất cứ vấn đề gì.

Không ít ý kiến ĐB tỏ ra lo ngại về thực tế VN không có trường nào lọt vào top 200 trường ĐH của châu Á. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt vấn đề: "Hơn 35 năm rồi nhưng đất nước của những con người hiếu học không có một trường ĐH đứng vào hàng 200 các trường ĐH của châu Á. Phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ GD-ĐT?".

Tuyển sinh đầu vào hệ tại chức chỉ là hình thức!

15 trường ĐH chưa xây dựng cơ sở đào tạo theo cam kết

Có đất và đã khởi công nhưng chưa hoàn thành: ĐH FPT (Hà Nội), ĐH Thành Tây (Hà Nội), ĐH Đại Nam (Hà Nội); Có đất nhưng chưa xây dựng: ĐH Tư thục Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH CNTT Gia Định (TP.HCM), ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), ĐH Quốc tế Sài Gòn (TP.HCM), ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Quốc tế Bắc Hà (HN), ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (Hà Nội), ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội), ĐH Hòa Bình (Hà Nội); Có đất nhưng chưa có kế hoạch xây dựng: ĐH DL Hùng Vương (TP HCM), ĐH DL Văn Hiến (TP HCM); Chưa có đất: ĐH DL Đông Đô (Hà Nội).

(Nguồn: Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Theo báo cáo giám sát: số sinh viên không chính quy của cả nước trong năm học 2008 - 2009 khoảng 900.000, chiếm hơn 50% tổng số SV các trường ĐH, CĐ. Thậm chí, ở ĐH Huế, số SV chính quy năm học 2008-2009 chỉ chiếm 26,6% tổng số SV; còn ở ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ này là 39,2%.

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nhận định: những con số trên thực sự đáng báo động về chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay, chất lượng học tại chức, học liên kết liên thông chưa được kiểm soát. Về hình thức đào tạo không chính quy như: hệ tại chức, từ xa tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) nói: Tuyển sinh đầu vào chỉ là hình thức, tỷ lệ tốt nghiệp là 100%. Các cơ sở đào tạo ĐH này không theo một quy định nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp, chủ thể quản lý không rõ ràng vẫn mặc nhiên tồn tại và phát triển ào ạt là sự thách thức lớn đối với chủ trương lập lại trật tự kỷ cương đối với các cơ sở đào tạo ĐH hiện nay. "Đã đến lúc hạn chế đến mức thấp nhất loại hình đào tạo này" - ĐB Minh đề nghị.

ĐB Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) cho rằng: cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức liên kết, đào tạo hệ phi chính quy và hệ sau ĐH, tránh tình trạng liên kết tràn lan trong khi chất lượng đào tạo ngay tại chỗ chưa đáp ứng, đảm bảo.

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh bày tỏ mong muốn Chính phủ cần sớm nghiên cứu và điều chỉnh chính sách liên quan tới giáo dục ĐH, không nên phổ cập giáo dục ĐH bằng mọi cách. "Nếu trường nào không đáp ứng yêu cầu, cần tính tới việc giải thể. Những trường chất lượng thấp, cần giảm số lượng đào tạo không chính quy" - bà Thanh nói.

Bộ GD-ĐT: không bi quan!

 
 
Phát biểu tại hội trường và trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (ảnh) cho rằng:

Chất lượng giáo dục ĐH thấp như hiện nay là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống, các bộ trưởng từ năm 1975 đến nay đều có trách nhiệm. Nhiệm kỳ của chúng tôi, năm 2008 đã tổng kết 10 năm thành lập các trường ĐH mới và đã nhận thấy: không thể tiếp tục cho ra đời các trường ĐH mà không quản lý được chất lượng như thời gian vừa qua. Đến năm 2009, chúng tôi đã xác định được nguyên nhân và cách làm. Chúng tôi nhận thấy, nhiều phương pháp chưa đúng quy luật. Sửa yếu kém của GD-ĐT thì việc quan trọng hàng đầu là phải sửa quy luật quản lý. Bởi lẽ, giảng viên thiếu, cơ sở vật chất thiếu…  suy cho cùng do các nhà quản lý các cấp gây ra.

Bởi vậy, nếu giáo dục phổ thông 4 năm trước "hai không" là đột phá thì từ năm nay, giải pháp đột phá của giáo dục ĐH là đổi mới quản lý giáo dục.

* Ý kiến của các ĐB QH cho rằng việc thành lập trường dễ dãi là nguyên nhân chính khiến chất lượng yếu kém. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

- Tôi cho rằng đó chỉ là một nguyên nhân. Năm 1987, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường mới chỉ có 111 trường ĐH, CĐ. Mỗi một năm ra trường khoảng 20.000 cử nhân. Hiện nay, mỗi năm ra trường 220 nghìn cử nhân, gấp 11 lần, 90% ra trường có việc làm. Như vậy, sau 22 năm, quy mô kinh tế của ta tăng khoảng 4 lần. Nếu không có những lực lượng này thì không thể đảm bảo phát triển nền kinh tế. Nói như vậy để thấy là bên cạnh hạn chế về chất lượng thì các trường ĐH-CĐ mới thành lập đã đóng góp vai trò rất quan trọng để có thể có người thu hút  đầu tư nước ngoài và làm việc với họ; có người phát triển công nghiệp dịch vụ.

Tôi cho rằng kết quả giám sát của UBTV QH góp phần cho toàn ngành giáo dục và xã hội hiểu đúng thực trạng của ngành mình và thống nhất giải pháp. Ngoài ra, còn ý nghĩa quan trọng nữa cho phép chúng ta hoàn toàn không bi quan về giáo dục ĐH.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.