Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi

18/07/2014 03:25 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên về chủ trương sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định về tính khả thi nhưng cho rằng phải nhuần nhuyễn trong sự kết hợp yêu cầu của 2 kỳ thi này.

Trao đổi với Thanh Niên về chủ trương sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định về tính khả thi nhưng cho rằng phải nhuần nhuyễn trong sự kết hợp yêu cầu của 2 kỳ thi này.

Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Đề thi liên môn

Thưa ông, chủ trương sẽ thực hiện một kỳ thi quốc gia ngay từ năm tới có tính khả thi không và điều quan trọng phải làm với kỳ thi “hai trong một” này là gì?

Tôi cho rằng kỳ thi “hai trong một” ngay từ năm tới có thể thực hiện được. Vì thực ra đề thi lâu nay, nhất là năm nay, đã có sự đổi mới. Bây giờ vấn đề là để chuẩn bị cho năm tới thì Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu về cấu trúc đề, tập huấn người ra đề để đề thi ấy không phải là dấu cộng “lạnh lùng” của hai kỳ thi mà phải là đề thi tương đối nhuần nhuyễn. Đề thi đó còn phải có yêu cầu: một bài thi gồm nhiều môn chứ không thi rời rạc, toán riêng, văn riêng… như hiện nay. Ví dụ, thí sinh sẽ làm 4 bài thi: toán và tin; các môn khoa học tự nhiên: lý, hóa, sinh; các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa, giáo dục công dân; và bài thi môn ngoại ngữ.

Đề thi theo hướng liên môn nếu áp dụng ngay trong năm tới thì theo ông liệu có khả thi và gây khó cho học sinh hay không khi mà các trường vẫn chưa hề được dạy theo hướng tích hợp?

Tất nhiên là phải có lộ trình. Ví dụ, năm tới thì nội dung tích hợp của đề thi chủ yếu để phân loại thí sinh, phục vụ cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Đến khi học sinh đã quen với hình thức tích hợp thì sẽ có nhiều câu hỏi tích hợp hơn.

Vấn đề coi thi, chấm thi thế nào cũng là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm. Ông có đề xuất gì liên quan đến những vấn đề này?

Nhập hai kỳ thi làm một thì đương nhiên phải có giám thị là thầy, cô ở các trường phổ thông cũng như ở các trường ĐH, CĐ. Thường thì cho đến nay, kỳ thi ĐH vẫn được đánh giá là nghiêm túc vì tính chất mục đích của kỳ thi này. Nếu gộp hai kỳ thi thành một với hai mục đích thì tôi tin là kỳ thi này sẽ nghiêm túc hơn.

Khâu chấm thi cũng có thể tổ chức hội đồng chấm hỗn hợp như vậy và bài thi thì không nhất thiết tỉnh nào chấm tỉnh ấy như kỳ thi tốt nghiệp hiện nay mà đưa về một số trường ĐH chịu trách nhiệm chủ trì việc chấm thi và mời giáo viên phổ thông cùng chấm.

Thành lập ngay cơ quan khảo thí quốc gia

Theo ông, nên tổ chức thi theo cụm hay vẫn tổ chức tại các địa phương như kỳ thi tốt nghiệp hiện nay?

Tôi nghĩ về lâu dài thì có thể phải khác, nhưng trong những năm đầu Bộ vẫn phải chủ trì và vẫn tổ chức thi tại các địa phương trong một đợt thi chung để rút kinh nghiệm. Trong tương lai có thể sẽ tổ chức thi 2 - 3 đợt trong một năm. Tuy nhiên, nếu tổ chức nhiều đợt thì Bộ không thể tiếp tục đứng ra tổ chức. Lúc ấy phải giao cho những tổ chức kiểm định chất lượng nhất định họ làm.

Nhưng hiện nước ta vẫn chưa có những tổ chức kiểm định độc lập như vậy?

Nhà nước phải cho thành lập ngay cơ quan khảo thí quốc gia, cơ quan này độc lập với tất cả các bộ, địa phương thì mới đảm bảo tính khách quan. Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập những tổ chức khảo thí khác hoặc giao cho những trường ĐH lớn có trách nhiệm tổ chức các đơn vị khảo thí… Thí sinh có thể dự thi ở bất cứ đâu hoặc thi nhiều lần trong năm.

Nếu tích cực thì vẫn có thể thành lập kịp cơ quan khảo thí này trong vòng một năm tới.

Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi
Từ năm 2015, nhiều khả năng chỉ còn một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ - Ảnh: Đ.N.Thạch

Công bố sớm và đầy đủ cho người dân biết

Việc tổ chức một kỳ thi theo ông có giải quyết được những khúc mắc mà dư luận vẫn đặt ra hiện nay là cồng kềnh, tốn kém lại không tránh điều tiêu cực như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Kỳ thi chung này theo tôi vẫn chưa giải quyết được triệt đề sự “cồng kềnh”, tốn kém của hai kỳ thi. Hiện nay các trường ĐH họ có quyền tự chủ cao, mỗi trường ĐH có đòi hỏi riêng về đào tạo cho nên dù có một kỳ thi chung thì chắc chắn một số trường ĐH vẫn sẽ tổ chức thi riêng, nhất là các trường ĐH tốp đầu. Nếu các trường tổ chức thi riêng vào các thời điểm khác nhau thì sẽ vẫn cồng kềnh và tình trạng thí sinh ảo sẽ vẫn diễn ra do một học sinh có thể đăng ký dự thi ở nhiều trường, trừ phi các trường liên thông theo cụm để sử dụng chung kết quả để tuyển sinh.

Giá trị của kết quả kỳ thi chung đến đâu cũng cần đặt ra. Có thể đối với nhiều trường, kết quả của kỳ thi chung sẽ được dùng làm căn cứ sơ tuyển để có thể dự tuyển kỳ thi riêng của trường đó. Chuyện này phải nói rõ ngay từ bây giờ, nếu không, phụ huynh có thể thắc mắc: Con tôi đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia mà tại sao kết quả ấy lại không được coi trọng bằng kết quả thi tuyển riêng của mỗi trường?

Cũng không nên quá kỳ vọng là gộp hai kỳ thi chung sẽ chống được tiêu cực. Chống được hay không phụ thuộc vào mỗi học sinh, phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo địa phương.

Với chủ trương đổi mới lớn như vậy thì theo ông phải có sự công bố như thế nào để các nhà trường và người dân có thời gian chuẩn bị?

Rõ ràng là nếu vẫn quyết tâm thực hiện trong năm 2015 thì Bộ phải công bố sớm và đầy đủ cho các nhà trường và người dân biết, ít ra là ngay từ khi bắt đầu năm học mới vì đổi mới thi cử tác động rất lớn đến việc dạy và học trong nhà trường. Việc đổi mới ấy ra sao được công bố càng sớm, càng chi tiết thì càng có hiệu quả tích cực.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.