Một số tiêu chí chấm điểm phòng dịch Covid-19 cho trường nghề là chưa thực tế?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/04/2020 16:02 GMT+7

Trước dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 dành cho khối giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đại diện các trường cho rằng có những tiêu chí rất khó đạt được.

Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro do lây nhiễm dịch Covid-19 được Sở LĐ-TB-XH xây dựng đang đợi Sở Y tế và UBND TP.HCM phê duyệt. Các trường sẽ căn cứ vào bộ tiêu chí trên để tiến hành tự chấm điểm công tác phòng dịch của đơn vị mình, gửi báo cáo về Sở LĐ-TB-XH kết quả tự đánh giá kèm theo phương án khắc phục trước 17 giờ ngày 5.5.
Sau hạn trên, nếu trường nào không phản hồi xem như đơn vị chưa đủ an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị theo quy định hiện hành.

Điểm càng cao, càng có nguy cơ dừng hoạt động

Dự thảo này có tổng cộng 10 tiêu chí, gồm: Mật độ người trong một buổi tại một địa điểm đào tạo, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo/chỗ học, sĩ số lớp học lý thuyết (bao gồm cả nhà giáo), sĩ số lớp học thực hành, mật độ người tập trung tại nhà ăn, căn tin trong cùng thời điểm, diện tích sử dụng ký túc xá/người, tổ chức đào tạo trực tuyến, tổ chức kiểm tra thân nhiệt, việc đeo khẩu trang khi đến trường, việc bố trí các dung dịch rửa tay sát khuẩn.
Mỗi tiêu chí sẽ có nhiều mức điểm khác nhau. Ví dụ, ở tiêu chí 1 về mật độ người trong buổi học, có mức điểm từ 0 đến 10. Nếu một trường có 30 cán bộ, giảng viên và 500 sinh viên hoạt động trong cùng thời điểm ở một diện tích 1.000 mét vuông, vậy chỉ số là 530/1.000 = 0,53, đạt 5 điểm.
Ở tiêu chí 2 về diện tích sàn, có 4 mức điểm. Trong đó, nhỏ hơn 2 mét vuông/chỗ học thì đạt 10 điểm, từ 2 mét vuông đến dưới 3 mét/chỗ học đạt 5 điểm, từ 4 mét vuông/chỗ học trở lên đạt 2 điểm. Ở tiêu chí 4, sĩ số lớp học dưới 20 người đạt 1 điểm, từ 20 người trở lên đạt 10 điểm. Ở tiêu chí 7, trường nào tổ chức dưới 20% buổi học trực tuyến đạt 10 điểm, 80% trở lên đạt 2 điểm…
Sau khi cộng số điểm ở tất cả các tiêu chí trên, nếu được 71-100 điểm nghĩa là rủi ro lây nhiễm rất cao, trường sẽ không được tổ chức hoạt động học tập. Từ 51 đến 70 điểm là mức độ rủi ro lây nhiễm cao, trường phải có giải pháp giảm rủi ro mới được tổ chức hoạt động. 31 đến 50 điểm là rủi ro lây nhiễm trung bình, có thể tổ chức hoạt động nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục các hạn chế ở chỉ số có tiêu chí cao. Từ 7-20 điểm là rủi ro lây nhiễm thấp, trường được tổ chức hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở tiêu chí có chỉ số cao. Trường nào đạt 6 điểm nghĩa là ít rủi ro lây nhiễm, hoàn toàn có thể mở cửa đón học sinh trở lại.

Tiêu chí về sĩ số, diện tích sàn, học trực tuyến là “chưa thực tế”

Đa số lãnh đạo các trường CĐ, trung cấp cho rằng cắn cứ vào các tiêu chí trên thì không có trường nào đạt 6 điểm để được hoạt động trở lại.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, nhìn nhận: “Tiêu chí về lớp học lý thuyết thì khó trường nào đạt. Đa số các trường đều gặp khó khăn về việc sắp xếp sĩ số lớp theo quy định. Trường CĐ Công thương TP.HCM đang tìm phương án nhưng sợ là không được. Các lớp học thực hành tổ chức dưới 18 sinh viên/lớp thì hoàn toàn có thể”.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Thắng, chương trình đào tạo khối giáo dục nghề nghiệp có quy định khối lượng thực hành từ 50% trở lên, trong khi không thể học thực hành trực tuyến được. Thời gian qua, các trường đa số chỉ triển khai cho các môn lý thuyết nên đòi hỏi tỷ lệ đào tạo trực tuyến trên 80% để đạt chỉ số rủi ro thấp là không thể.
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cũng cho hay có 4 tiêu chí mà các trường khó thực hiện, đồng nghĩa với điểm rất cao, gồm tiêu chí về mật độ người trong lớp học lý thuyết và thực hành, tiêu chí về diện tích sử dụng ký túc xá và việc học trực tuyến. Về việc học trực tuyến, vì sinh viên các trường CĐ, trung cấp hầu hết ở tỉnh, nhiều nơi khó khăn về internet, nên không đủ điều kiện để kết nối. Hơn nữa, nhiều trường đánh giá việc học online không hiệu quả bằng học trực tiếp, dù tổ chức thì sau này cũng phải dạy lại, nên không phải trường nào cũng sử dụng hình thức dạy trực tuyến. Các tiêu chí còn lại như đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay, nhà ăn, đo thân nhiệt… thì có thể các trường thực hiện được”, tiến sĩ Vân nhận định.
Vì thế, tiến sĩ Vân cho rằng đa số các trường sẽ có mức rủi ro lây nhiễm trung bình hoặc có thể sẽ ở mức cao.
Ở tiêu chí về sĩ số lớp học, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, đề xuất nếu phòng học lớn, sĩ số có thể tăng lên chứ không nhất thiết là phải 20 em/phòng. "Quan trọng là khoảng cách giữa các sinh viên được bố trí đúng quy định về giãn cách và giờ ra chơi không được tụ tập. Cùng với việc trường thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, theo dõi tình trạng sức khỏe từng người... như vậy mức độ rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 sẽ rất thấp", thạc sĩ Quỳnh Xuân nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.