Nhật ký chuyên văn Ams - trắc ẩn của tự do

11/06/2015 18:05 GMT+7

(TNO) Nhật ký chuyên văn Ams khóa 1992 - 1995 mang trong mình cả nỗi buồn lẫn hoang mang của những cái tôi học trò mong tự do trên nền một xã hội mới chỉ đang chập chững học cởi mở.

(TNO) Nhật ký chuyên văn Ams khóa 1992 - 1995 mang trong mình cả nỗi buồn lẫn hoang mang của những cái tôi học trò mong tự do trên nền một xã hội mới chỉ đang chập chững học cởi mở.

nhat-ki-chuyen-vanHọc trò cũ trường Hà Nội - Amsterdam mua sách trong hội chợ của học sinh cũ tại TP.HCM
- Ảnh nhân vật cung cấp
nhat-ki-chuyen-vanThầy chủ nhiệm Phạm Lê Hùng cùng các nhân vật trong sách ký tặng sách - Ảnh nhân vật cung cấp
nhat-ki-chuyen-vanBìa cuốn sách Nhật ký chuyên văn - Ảnh nhân vật cung cấp
Được biên tập từ 3 tập nhật ký lớp suốt 3 năm học cấp ba của khóa chuyên văn Hà Nội - Amsterdam 1992 - 1995, cuốn sách là cuộc luân phiên trải lòng mình trên giấy về trải nghiệm trong ngày trên lớp của 27 thầy trò. Nhiều trò quỷ quái - tất nhiên. Nhưng nếu như niềm vui học trò thường rất giống nhau thì nỗi buồn và sự hoang mang luôn là điều đặc biệt. Đặc biệt bởi nó mang dấu ấn cá nhân rõ nét. Ở cuốn nhật ký này, cả nỗi buồn lẫn sự hoang mang của tuổi hoa ấy đều mồn một. Và phải đặt những trắc ẩn đó trong hoàn cảnh của chính các bạn trẻ khi ấy mới thấy sự dũng cảm của các em khi ấy.
Đấy là khóa học thứ hai của cải cách giáo dục, mà có nhà giáo dục gọi đùa là “những bông hoa trong thời đại mới”. Các thầy cô giáo của các em là những người đã đi qua không gian của những Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh bằng những dòng truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết chép dấm dúi, đọc âm thầm. Sách giáo khoa cải cách cũng vừa hé cửa hẹp để đưa những tác gia này vào. Để rồi khóa học này đón những tác phẩm lãng mạn bằng sự háo hức của kìm nén vừa được tháo gỡ, bằng cả ước vọng khẳng định “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”. Nhật ký, thật riêng, đã chứng kiến nhiều cái tôi ước vọng hình thành như vậy. Ước vọng của những người được thầy giáo chủ nhiệm mô tả “những em học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích văn học, nghĩa là của hiếm”.
Nhiều câu chuyện nhỏ thôi trong nhật ký, sau này, nếu nhìn từ nhãn quan chính trị, giá trị thanh lọc của văn học nghệ thuật, sự giáo điều của giáo dục, thật sự ý nghĩa. Khoảng những năm 2000, tranh luận nổ ra khi một học sinh giỏi bày tỏ mình không thích Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc trong bài thi. Ý kiến của học sinh này được nhiều người gắn với đạo đức. Nhưng với nhật ký, từ đầu những năm 90, một cách thật thà, những bài thơ hồi đó các em không thích cũng được chia sẻ với số đông không chút e ngại nề hà phiền toái. Nó chứng tỏ sự tồn tại của một cộng đồng học sinh - học sinh, học sinh - giáo viên thương mến, thấu hiểu đa dạng và minh triết về tự do.
Một câu chuyện khác cũng đáng nhớ như vậy. Trung, hotboy hát hay nhất trường, bị đánh trượt giải đơn ca của thành phố vì chọn hát nhạc Trịnh - thứ nhạc còn rất “có vấn đề”. Cũng phải nói thêm, thời kỳ đó, những đêm nhạc sinh viên hát Beatles thậm chí còn từng được cơ quan chức năng theo sát vì sợ bạo loạn. Phản ứng của ban giám khảo được các em ghi lại minh chứng cho cả tinh thần tự do của nhóm học sinh và kiểm duyệt văn hóa khi đó. Các em cũng không giấu tự hào khi việc hát “Nối vòng tay lớn” - ca khúc được cả lớp chọn cho Trung - sau đó dần dần trở thành một trào lưu lan nhanh, phổ rộng. Những điều này, về tính tư liệu rất đáng tin, vì nhật ký được ghi “tươi sống” chứ không phải bây giờ mới nhớ lại, chép ra.
Đọc Nhật ký chuyên văn, sẽ thấy những câu chuyện chỉ ở Ams mới có. Sự sôi động của bao đêm nhạc, tối vũ hội ngay tại nhà thi đấu thể thao trong trường. Cơ man nào trận bóng đá, bóng ném, bóng rổ vui hân hoan. Còn thầy cô không phân cực, không như ông thiện, cũng chẳng giống ông ác, rất gần gũi để chia với học trò đam mê trong từng bước nhảy... Nếu đấy không phải tinh thần dân chủ, không phải đa dạng văn hóa thì chẳng có gì có thể được gọi tên như vậy nữa.
Có lẽ, ít ai có thể dám mong chờ, khẳng định câu chuyện của một lớp học lại có thể lay động thế giới lớn hơn của xã hội. Nhưng Nhật ký chuyên văn, được xuất bản sau 20 năm, có những giá trị ẩn giấu để nếu bạn tò mò về giá trị đã làm nên một thương hiệu giáo dục thì rất nên đọc. Đọc để thấy nếu trong mình không có sự phóng khoáng đón nhận tự do tư tưởng, việc chạy đua lò luyện vào trường chỉ như tự làm khó mình. Giá trị của ngôi trường, thật sự, không chỉ nằm trong chiến thắng nhờ những bài thi và cuộc sát hạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.