Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình - Kỳ 2: Trông chờ vào đổi mới đánh giá, thi cử

18/12/2013 02:30 GMT+7

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên , tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, đã có những phân tích dưới góc độ tâm lý và giáo dục khi nhiều học sinh vì học tối ngày mà không có bữa cơm gia đình.

 Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình
Học sinh cứ mải miết ăn vội, chạy vội để còn kịp lớp chính khóa, lớp học thêm...- Ảnh: Độc Lập

Cần những điều bình thường để con lớn lên

* Điều gì sẽ xảy ra nếu như ngày này qua tháng khác, cả tuổi ấu thơ rồi tuổi vị thành niên các em không được hưởng không khí ấm áp của gia đình qua những bữa cơm, những sinh hoạt chung, không có ngày nghỉ cuối tuần vì chỉ học và học?

- Bữa cơm gia đình là hình ảnh biểu trưng của hơi ấm gia đình, là nơi để chia sẻ chứ không phải đơn thuần là chúng ta ngồi ăn với nhau một bữa cơm. Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa. Ở khía cạnh khác, rõ ràng là nếu chỉ học kiến thức để phục vụ các kỳ thi thì không giúp cho học sinh phát triển nhân cách một cách đầy đủ. Điều này vừa mất tiền, hại sức khỏe, lại vừa mất sự đầm ấm hạnh phúc gia đình.

 


Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

Nếu chỉ học kiến thức để phục vụ các kỳ thi thì không giúp cho học sinh phát triển nhân cách một cách đầy đủ. Điều này vừa mất tiền, hại sức khỏe, lại vừa mất cái sự đầm ấm hạnh phúc gia đình

Rồi những đứa trẻ sẽ trở thành người chủ gia đình. Nếu không cảm nhận được hơi ấm từ những bữa ăn, từ sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau trong gia đình thì khi lớn lên và có gia đình riêng, các em cũng khó có thể truyền hơi ấm đó vào gia đình của mình. Nói như vậy để thấy, người lớn cứ hướng con mình đạt được nhiều điều cao xa trong khi mỗi đứa trẻ đang rất cần những điều... bình thường để lớn lên.

* Thế nhưng việc học sinh phải đối mặt với áp lực học hành, với những kỳ thi như hiện nay là có thật?

- Ở đây vẫn phải nhắc lại điều mà nói mãi không bao giờ cũ, đó là phải dành thời gian để học sinh tự học và sáng tạo, biến kiến thức thành cái của mình. Điều này thì cả xã hội đang mong chờ vào sự đổi mới mạnh mẽ của ngành giáo dục trong cách dạy học và thi cử. Chỉ khi nào đánh giá được theo hướng mà người học và phụ huynh thấy rằng không phải cứ học thêm là giỏi, đỗ đạt, điểm cao thì nhiều vấn đề khác về học nhồi nhét sẽ thay đổi theo. Học sinh phải tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức chứ không chạy theo kiểu nhồi gà nhồi vịt và như vậy mới có thời gian giãn ra.

Phụ huynh cần tỉnh táo

* Là chủ gia đình, một nhà giáo, ông thường thiết kế bữa cơm gia đình mình như thế nào?

- Bữa ăn ở nhà tôi có sự tham gia của các thành viên, có người nấu, người dọn, vừa ăn vừa trò chuyện... sẽ thể hiện sự thương yêu, quan tâm đến nhau. Từ đó mới lan tỏa ra những việc khác, hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng thành viên, kịp thời giúp đỡ, kịp thời sẻ chia và cũng kịp thời uốn nắn cả những biểu hiện lệch lạc nữa.

* Với phụ huynh, ông có nhắn nhủ gì để bữa cơm gia đình và những ngày nghỉ cuối tuần không phải là mơ ước “xa xỉ” của học sinh như hiện nay?

- Học sinh không chỉ cần có kiến thức để phát triển mà còn cần có một đời sống tinh thần lành mạnh, bình thường. Nhu cầu này rất quan trọng và phụ huynh cũng cần tỉnh táo để lựa chọn giữa việc sắp xếp cho con một lịch học kín mít, hay việc để chúng nghỉ ngơi và có thời gian dành cho gia đình. Nếu không cân bằng được điều đó thì khi va vấp với đời sống xã hội, học sinh sẽ dễ bị lôi kéo và sa đà vào những hiện tượng tiêu cực.

Bây giờ chúng ta hướng tới đào tạo con người tự chủ và sáng tạo, biết trân trọng những giá trị truyền thống; mỗi đứa trẻ có những năng lực riêng và nhiệm vụ của người lớn là phải tìm hiểu và tạo điều kiện phát huy đúng năng lực sở trường của trẻ. Đừng sốt ruột khi thấy con nhà hàng xóm, bạn bè học hành tối ngày, con mình tối nào cũng ở nhà, không học 3 - 4 ca như con họ. Ai cũng mang tâm lý ấy thì sẽ “đánh cắp” hết thời gian quý báu của con trẻ, khiến đứa trẻ không cảm thấy hơi ấm của gia đình nữa.

Ý kiến

Biết bữa cơm gia đình và biết làm việc nhà

Đúng là trẻ hiện nay đang khổ về việc học. Cho trẻ được hưởng bữa ăn gia đình không phải chỉ để đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh... mà đó còn là quãng thời gian hữu ích trong ngày để trẻ tham gia công việc gia đình. Xin các vị phụ huynh đừng thương con theo kiểu dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử” đến mức không để đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì. Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ...

PGS Văn Như Cương
(Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội)

Trẻ cần thời gian để trải nghiệm

Với tư cách là một người mẹ, có con ở tuổi đến trường, nếu bắt tôi phải lựa chọn giữa việc cho con đi học thêm cả ngày lẫn tối rồi cả ngày nghỉ... để trở thành học sinh lớp chọn, trường chuyên hay dành thời gian đó để con được trải nghiệm cuộc sống, tôi sẽ chọn cái thứ hai. Giới trẻ cần được dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống, để chúng hiểu cuộc sống này, sống được với cuộc đời này bằng những gì tốt nhất trong khả năng của chúng.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội)

Tuệ Nguyễn

 >> Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình
>> Bữa cơm gia đình dành cho bạn trẻ
>> Không chỉ là một bữa cơm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.