Nhiều suất học bổng chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học

23/11/2015 10:36 GMT+7

AUN - ACTS, hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, luôn có những suất học bổng trao đổi thường xuyên dành cho sinh viên các trường đại học đối tác.

AUN - ACTS, hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, luôn có những suất học bổng trao đổi thường xuyên dành cho sinh viên các trường đại học đối tác.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Được thành lập từ năm 2011, các trường đại học tham gia hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN - ACTS) thường xuyên có các gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên những trường thành viên, đến học tập một đến hai học kỳ.
Tại Việt Nam, có 3 đơn vị tham gia chương trình này là: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Cần Thơ. 
Hỗ trợ tài chính linh hoạt
Những trường đại học tiếp nhận sinh viên sẽ có những mức hỗ trợ tài chính cụ thể, như miễn học phí, miễn sinh hoạt phí hoặc thậm chí là cung cấp tiền sinh hoạt hằng tháng. Ví dụ: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sẽ miễn học phí cho sinh viên,…
Ngoài ra, những trường đại học gửi sinh viên trao đổi cũng được yêu cầu cấp 5 suất học bổng hỗ trợ. Ví dụ, theo website Đại học Quốc gia Hà Nội, hằng năm, trường sẽ cấp 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 40 triệu đồng/học kỳ cho sinh viên trường tham gia chương trình ACTS.
Sinh viên toàn thời gian đang theo học 3 trường đại học Việt Nam trong mạng lưới đại học Đông Nam Á, đã hoàn thành hai học kỳ tại trường, có thành tích học tập tốt, khả năng tiếng Anh khá và mong muốn tìm hiểu về các quốc gia trong khối ASEAN, đều có thể đăng ký xét duyệt.
Ngoài ra, các trường cũng có thể có thêm một số yêu cầu riêng như chứng chỉ IELTS 5.5-6.0, điểm trung bình từ 3.0/4.0 trở lên,…
Nộp đơn thông qua hệ thống trực tuyến
Hồ sơ đăng ký tham gia, quy trình đề cử, xét duyệt giữa các trường đa phần được thực hiện trực tiếp trên website chương trình. Theo đó, có hai giai đoạn chính: Quá trình chọn lựa - tại đại học của sinh viên (home university); Quá trình chọn lựa - tại đại học mong muốn trao đổi (host university).
Học bổng chuyển đổi tín chỉ giữa 32 trường Đại họcQuy trình làm hồ sơ và xét duyệt - Ảnh chụp từ website chương trình
Tuy nhiên, website chương trình có một số thông tin (về thời gian, khóa học) của nhiều trường đại học không được cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho sinh viên trong việc đăng ký.
Bà Nisa Khairunnisa - Thư ký hỗ trợ hành chính chương trình AUN-ACTS - cho biết: Mỗi đại học tham gia ACTS đều có quyền truy cập, chủ động cập nhật dữ liệu của trường trên hệ thống; tuy nhiên, nhân viên phụ trách ở các trường thay đổi liên tục và công tác bàn giao chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến hiện trạng trì trệ. Chúng tôi (Ban thư ký AUN-ACTS - PV) vẫn thường xuyên gửi nhắc nhở cập nhật thông tin đến các trường.
Theo bà Nisa, sinh viên có thể liên hệ trực tiếp với người phụ trách chương trình theo địa chỉ được đăng trên website ACTS, nhằm yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ việc đăng ký.
Có thể nói, những thông tin trên website AUN-ACTS mang tính tham khảo với những yêu cầu cơ bản. Còn để nắm bắt cụ thể về mức học phí (và hỗ trợ tài chính), thời gian học, hạn chót nộp đơn, khóa học,… ở từng trường, sinh viên cần xem ở tại: http://acts.ui.ac.id/application/fact-sheets.html hoặc liên hệ trực tiếp với trường đối tác nếu chưa thỏa mãn.
Cũng theo bà Nisa, kể từ khi chương trình vận hành, chỉ có khoảng 30 hồ sơ Việt Nam đăng ký trao đổi thông qua hệ thống, tuy nhiên không được nhà trường hồi đáp và đề cử. May mắn là kể từ năm 2014, nhiều trường đại học Việt Nam đã chủ động hơn trong việc gửi và nhận sinh viên trao đổi.
Bên cạnh việc tạo được hệ thống chuyển đổi tín chỉ toàn khu vực Đông Nam Á, chương trình còn là cơ hội trải nghiệm môi trường học tập và nền văn hóa đa dạng trong khối ASEAN, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập cuối năm nay.
Một số trường thành viên chương trình AUN-ACTS: Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học công nghệ Nanyang, Singapore; Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; Đại học Philippines; Đại học Kyoto, Nhật Bản;…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.