Những lễ tốt nghiệp đại học gặp sự cố

18/11/2017 19:16 GMT+7

Nhiều trường (đại học) ĐH đã gặp sự cố ngay trước ngày diễn ra buổi lễ trao bằng tốt nghiệp.

Với số lượng sinh viên (SV) quá nhiều, cộng thêm sự có mặt của phụ huynh, đôi khi lễ trao bằng tốt nghiệp tại các trường ĐH lại xảy ra sự cố không mong muốn.

Phụ huynh của các tân cử nhân Trường ĐH Văn Hiến ngồi tại phòng chờ trước khi vào phòng khánh tiết Đăng Nguyên

Sự cố thư mời

Sáng nay (18.11), Trường ĐH Văn Hiến đã làm lễ tốt nghiệp cho 29 tân thạc sĩ và 500 cử nhân. Tuy nhiên, vì hội trường làm lễ chính tại phòng khánh tiết Dinh Thống Nhất không đủ chỗ ngồi cho tất cả phụ huynh và SV nhận bằng, trường đã phát đi thư mời không rõ ràng khiến cho SV phản ứng ngay trước buổi lễ.

Theo đó, trước lễ, mỗi SV được trường phát thư để phụ huynh tham dự. Trong đó, những SV tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc được gửi "thư mời" trong khi những SV tốt nghiệp loại khá trở xuống chỉ được phát "thẻ vào cổng". Theo các SV, sự phân biệt như vậy của trường có thể khiến cho phụ huynh chạnh lòng, cho rằng con mình không bằng bạn bè. Việc này đã gây ra phản ứng khá dữ dội từ các SV trước khi diễn ra lễ tốt nghiệp.

Nói về việc này, bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng Truyền thông - Sự kiện, Trường ĐH Văn Hiến cho biết từ trước tới nay trường không bao giờ có ý phân biệt đối với SV. Tuy nhiên, do việc tổ chức của bộ phận hậu cần không khéo léo khiến cho SV hiểu nhầm.

Cụ thể, theo bà Diệu Anh, nghi thức của buổi lễ đầu tiên là khen thưởng thủ khoa ngành, thủ khoa thạc sĩ, sau đó là khen thưởng SV giỏi, xuất sắc các ngành. Việc khen thưởng này là nghi thức riêng biệt, sau đó diễn ra lễ trao bằng tốt nghiệp không phân biệt SV học lực như thế nào. Phần khen thưởng có mời phụ huynh tham dự. Vì vậy, bộ phận hậu cần đã làm thư mời cho phụ huynh các SV được khen thưởng ở phần đầu, còn “vé vào cổng” là dành cho tất cả phụ huynh. Lý do phụ huynh không thể cùng tham dự chung tất cả nghi thức làm là chỗ ngồi tại phòng khánh tiết của Dinh Thống Nhất có hạn.

Sáng 18.11, buổi lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Văn Hiến vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, có hai phòng chờ bên cạnh có màn hình lớn được bố trí cho phụ huynh ngồi theo dõi buổi lễ. Đến phần trao bằng tốt nghiệp của khoa nào, bộ phận hậu cần bắt đầu hướng dẫn phụ huynh của SV khoa đó vào phòng khánh tiết để chứng kiến con mình nhận bằng.

Đóng tiền để nhận bằng

Trước đây, cũng có trường hợp SV phản ứng trước lễ tốt nghiệp vì trường thông báo thu tiền để làm lễ.

Tháng 9.2016, trước khi làm lễ tốt nghiệp cho SV, Trường ĐH Luật TP.HCM thông báo sẽ đổi mới việc trao bằng tốt nghiệp và có hai cách để nhận bằng. Một là SV trực tiếp đến ký và nhận bằng tại phòng đào tạo trước ngày 21.9 (với hình thức này, SV chỉ phải đóng 170.000 đồng). Cách thứ hai là trực tiếp tham dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng ngày 29.9 (với hình thức này, mỗi SV đóng 900.000 đồng. Nếu có người thân tham dự, trường sẽ thu thêm 100.000 đồng/người. Số tiền này bao gồm một bộ lễ phục, chi phí thuê mặt bằng, chi phí công tác thực hiện buổi lễ, tấm ảnh cá nhân).

Theo lãnh đạo nhà trường, lý do để trường đổi mới là từ trước đó, trường chỉ có hội trường chứa được 300 SV. Mỗi khi làm lễ tốt nghiệp hết sức qua loa. Mỗi SV phải mặc áo một lần, chưa kịp làm gì thì đã phải thay, chuyển sang cho bạn khác. Nhưng muốn làm chuyên nghiệp thì không được vì với học phí 6 triệu đồng/SV thì không thể tổ chức trang trọng tại một nơi khác.

Tuy nhiên, trước phản ứng của SV, lãnh đạo trường này cho biết đây chỉ là thăm dò và sau đó ra quyết định vẫn tổ chức lễ tốt nghiệp bình thường như mọi năm.

Tháng 10.2016, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) thông báo mỗi SV muốn dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng sẽ phải đóng 410.000 đồng, nếu dẫn thêm người thân thì phải “mua chỗ” với giá 100.000 đồng/người. Trước thông báo này, nhiều SV của trường đã phản ứng dữ dội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.