Những lời nhắn gửi ý nghĩa từ cựu học sinh Trường THPT Marie Curie

Bích Thanh
Bích Thanh
17/11/2018 18:26 GMT+7

Ngày 17.11, tại TP.HCM, Trường THPT Marie Curie (Q.3) tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường (1918 - 2018).

Tham dự buổi kễ có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ - cựu học sinh của trường niên khóa 1975 - 1977, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM cùng hàng ngàn học sinh, cựu học sinh của trường.

Ngôi trường mang tên nhà khoa học nổi tiếng


Trường THPT Marie Curie là một trong những công trình trường học được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp vào những năm đầu của thế kỷ 20. Có thể nói đây là một trong những trường trung học lâu đời nhất với những nét kiến trúc cổ kính, độc đáo mang đường nét của kiến trúc Tây Âu thời phục hưng. Trường mang tên nhà khoa học Marie Curie, người từng hai lần đoạt giải Nobel vật lý và hóa học.

Trường được xây dựng năm 1915 nhưng đến năm 1918 mới bắt đầu mở cửa đón nhận học sinh. Trường lúc bấy giờ chỉ dành riêng cho nữ sinh theo học nên có tên gọi là EPS des J.F Francaises (Trường cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp). Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến ngày 1.1.1948 thì mang tên mới là Trường trung học Marie Curie, dành riêng cho các nữ sinh với gần 2.500 học sinh và 85 giáo viên tham gia giảng dạy.

Sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, Trường Marie Curie được giao cho Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý và chính thức trở thành trường công lập cho đến ngày nay.

Với bề dày 100 năm, trường có nhiều cựu HS hiện là những người thành công, nổi tiếng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại Quốc hội, cựu học sinh khóa 1960 - 1964, tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Huân, Giám đốc Viện Tim…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm trường, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có những xúc động: “Trở lại mái trường xưa thân yêu hơn 40 năm rời xa, những kỷ niệm tình cảm với thầy cô, bạn bè thắm thiết, sôi nổi của tuổi học trò lại ùa về trong tôi. Dưới mái trường này, tôi được học tập rèn luyện cả về nhân cách, tâm hồn, lý tưởng, kiến thức. Đó là hành trang quý báu để tôi tiếp tục phấn đấu học tập, trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống và đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Chia sẻ với học sinh của trường, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Các em thân mến, các em may mắn được học tập thời kỳ đất nước đổi mới, có điều kiện rèn luyện, học tập được ngôi trường đẹp, năng động, được sự quan tâm chăm lo của gia đình, thầy cô, xã hội. Các em cần ý thức rằng, để có ngôi trường học tập như hôm nay đã phải trả bằng sự đấu tranh anh dũng và những hy sinh to lớn của biết bao thế hệ đi trước. Vì vậy, các em hãy xây dựng lý tưởng sống cao đẹp, biết cống hiến; các em cần chăm chỉ tích cực rèn luyện học tập, luôn hướng đến lý tưởng cách mạng trong sáng và giữ cho mình căng tràn nhiệt huyết và ngọn lửa mạnh mẽ của trái tim thế hệ thanh niên, phấn đấu đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Người trẻ cần có bản lĩnh

Cựu học sinh giao lưu với học sinh Bảo Châu

Trở về trường với vai trò là cựu học sinh, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ trong phần giao lưu với học sinh: “Các em hãy đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng tư duy, đầu óc mình, sống tồn tại bằng chính kiến thức của mình. Ngày nay trong cuộc cách mạng CNTT, quan trọng không phải là biết, vì tất cả đã có trên mạng rồi mà cái khó là hiểu. Hãy hiểu chứ không chỉ biết. Đồng thời, học là chia sẻ, chia sẻ không mất đi mà sẽ lớn mạnh lên. Các bạn trẻ hãy bước vào tương lai một cách tự tin vì sau lưng mình là cả dân tộc, cả đất nước. Đừng nghĩ rằng phải uốn cong mình để phù hợp với thế giới mà hãy tự tin giới thiệu truyền thống văn hóa đất nước để thế giới hiểu, thế giới biết. Nếu có bản lĩnh biết giữ những điều tốt đẹp nhất thì cả thế giới sẽ biết và nể trọng mình”.

Còn cựu học sinh niên khó 1971 - 1974, kỹ sư hạt nhân Huỳnh Xuân Hòa từng là Giám đốc kỹ thuật cấp cao Công ty năng lượng hạt nhân General Electric - Hitachi (Mỹ), nhắn gửi với thế hệ học sinh hiện nay của trường rằng: “Để vượt qua các rào cản, quan trọng nhất là phải có đam mê”.

Ở lĩnh vực khởi nghiệp, doanh nhân Đường Thu Hương, Tổng giám đốc Forbes Việt Nam, nói rằng: “Khởi nghiệp là khái niệm không còn mới với các bạn trẻ và có cả thất bại lẫn thành công. Và có nhiều người cho rằng tài chính là quan trọng trong quá trình khởi nghiệp nhưng thật ra yếu tố con người là quan trọng nhất, là tiền đề của sự thành công. Vì vậy, mỗi chúng ta, không có gì hơn là nỗ lực học tập, luôn tạo cho bản thân ý thức cầu tiến”.

Riêng doanh nhân Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, cựu học sinh khóa 1993 - 1996, hiện là Chủ tịch tập đoàn Yeah1, thể hiện sự tự hào khi là học sinh của Trường THPT Marie Curie . Vị cựu học sinh này mạnh dạn thổ lộ, ngày còn là học sinh sợ hãi nhất là môn hóa và lớp 11 phải thi lại môn học này. Đồng thời tự nhìn nhận bản thân học kém các môn tự nhiên, thích học các môn xã hội và ông cho rằng: “Các bạn đừng nên nghĩ học giỏi các môn toán, lý, hóa thì mới tính toán, làm kinh doanh giỏi. Thực tế công việc của tôi chứng minh rằng, tôi có khả năng phân tích, lập luận từ chính môn lịch sử mà tôi yêu thích”...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.