Những mô hình dạy học mới

05/09/2014 09:00 GMT+7

Hôm nay (5.9), hơn 21 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước chính thức bước vào năm học mới. Ngành GD-ĐT khẳng định những đổi mới được áp dụng trong năm học này chính là tiền đề cho việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT sau 2015.

Những mô hình dạy học mới 1
Cô giáo và học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) chào đón năm học mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thay đổi hình thức và phương pháp dạy học

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đã được triển khai thành công bước đầu trong vài năm học gần đây, nhất là năm học 2013 - 2014, là những thử nghiệm tốt cho quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể như việc dạy học tiếng Việt lớp 1 theo mô hình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được triển khai ở 34 tỉnh với 183.412 học sinh (HS) của 2.392 trường tiểu học tham gia. Năm học 2014 - 2015 đã có thêm 5 tỉnh đăng ký tham gia chương trình này.

Ngành giáo dục cũng đã áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” - phương pháp hướng dẫn HS học tập, tiếp thu kiến thức dựa trên các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm, tìm tòi khoa học, không học tập thụ động, máy móc theo lối truyền thống - ở 350 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố và 120 trường THCS của 12 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, mô hình trường học mới VN (VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm đã triển khai ở 63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường tiểu học. Năm học vừa qua có thêm 257 trường, năm học 2014 - 2015 có trên 1.000 trường tự nguyện áp dụng. Bắt đầu từ năm nay, mô hình VNEN cũng được thực nghiệm với trường THCS ở 6 tỉnh thành.

 

Sẽ có trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia

Bộ đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia để tổ chức thi nhiều đợt trong năm. Khi đó, các thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt trong năm, vào thời gian phù hợp; kết quả các lần thi này được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Không còn điểm 0 với học sinh tiểu học

Sau một năm thí điểm việc không đánh giá thường xuyên bằng điểm số với HS lớp 1 thay bằng tăng cường nhận xét, đánh giá bằng lời của giáo viên, năm học này, Bộ GD-ĐT áp dụng cách thức đánh giá này đối với toàn bộ cấp tiểu học.

Theo đó, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Việc đánh giá bằng điểm số chỉ áp dụng với bài kiểm tra định kỳ giữa mỗi học kỳ, cuối học kỳ và cuối năm học đối với các môn học tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: “Giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân”.

Quyền tự chủ cho các nhà trường

Sau một năm Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm “Chương trình giáo dục nhà trường”, năm nay cũng được xem là một trong những định hướng đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thực hiện chương trình này, trường phổ thông được giao quyền tự chủ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của nhà trường, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá. Với chương trình này, nhà trường và giáo viên được chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc rà soát chương trình, sách giáo khoa hiện hành để loại bỏ thông tin lạc hậu, bổ sung, cập nhật thông tin mới; cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học theo hướng phát triển năng lực HS thành những bài học mới.

Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các chủ đề dạy học liên môn trong chương trình các môn học hiện hành.

“Chương trình giáo dục nhà trường” cũng cho phép các trường có thể căn cứ vào khả năng của từng HS với từng bộ môn cụ thể có thể cho phép HS có khả năng xuất sắc học vượt cấp.

Phải có chương trình học tập thiết thực

Sáng qua 4.9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự Khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở thầy trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung phải chăm lo nâng cao chất lượng dạy và học bao gồm đức, trí, thể, mỹ. Làm tốt dạy chữ, dạy nghề, dạy người; đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của HS, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện, gắn học với hành, gắn học kiến thức với công tác giáo dục chính trị tư tưởng; trau dồi đạo đức lối sống nhằm tạo ra những con người thật sự có đức có tài phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Tổng bí thư đề nghị phải có nội dung chương trình học tập thiết thực và phải xây dựng được đội ngũ giáo viên vững chính trị, giỏi chuyên môn, trong sáng phẩm chất đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp trồng người. Mỗi cô giáo thầy giáo phải là một tấm gương sáng để HS noi theo.

Với HS, Tổng bí thư nhắn nhủ: “Các em thi đua học tập giỏi, quý trọng ông bà, cha mẹ, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt phòng chống ma túy xâm nhập học đường. Phải thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục”.

Tuệ Nguyễn

Vẫn chưa công bố phương án chính thức một kỳ thi quốc gia

Đến thời điểm khai giảng năm học mới, Bộ vẫn chưa công bố phương án chính thức cho việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia dự kiến là sẽ áp dụng ngay trong năm học này.

Những mô hình dạy học mới 2
Vượt ra khỏi không khí lễ hội truyền thống, sáng ngày 4.9, giáo viên và học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã có một buổi lễ khai giảng ấn tượng, đầy hứng khởi. Ông Trần Quốc Bình, Hiệu trưởng cùng  giáo viên, học sinh đã có tiết mục nhảy hiphop và beatbox khiến không khí ngày khai giảng rất sinh động - Ảnh: Minh Sơn/vietnam+

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng thi cử lâu nay còn nghiêng về đo lường kết quả học được cái gì chứ chưa phải đánh giá HS vận dụng kiến thức như thế nào. Vì vậy, việc đổi mới thi dù tổ chức theo hình thức nào cũng sẽ dần chuyển mạnh sang hướng coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức.

Về khâu tổ chức cho một kỳ thi, ông Hiển cho hay Bộ sẽ tổ chức thành phần cán bộ coi thi, chấm thi gồm cả giảng viên trường đại học và sẽ thực hiện theo các cụm thi; giáo viên phổ thông không được coi thi, chấm thi học sinh trường mình. Ông Hiển khẳng định: “Bộ hướng đến kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học; bảo đảm tính ổn định và phát triển, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh”.

Tuệ Nguyễn

Khai giảng trên sân thượng

Sáng nay 5.9, thấy trò Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM), trường nằm trong loạt bài Trường học không có sân chơi đăng trên Báo Thanh Niên năm 2011 sẽ tổ chức khai giảng năm học mới trên sân thượng.

Những mô hình dạy học mới 3
Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt không có khuôn viên để tổ chức một lễ khai giảng như các trường học khác - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo ban giám hiệu nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất của trường không thể tập trung hết 605 học sinh do vậy lễ khai giảng ưu tiên học sinh khối lớp 1 và lớp 5. Các khối còn lại, giáo viên chọn mỗi lớp 10 học sinh luân phiên hằng năm.

Còn ở các trường mầm non, ngày 5.9 được gọi là Ngày hội đến trường. Nếu như ở các trường khác, các trẻ cùng nhau vui đùa, tham gia các trò chơi thì trẻ của Trường mầm non Hoa Lan (Q.1, TP.HCM) phải tổ chức các hoạt động này ở tầng trệt 5 điểm lẻ (5 căn nhà phố). Bà Mai Hằng, Hiệu trưởng, chia sẻ: “Điều kiện cơ sở không cho phép nên nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi như vậy cho học sinh có không khí”.

B.Thanh

Năm học mới khắp nơi

Hà Nội: Công nhận 4 trường chất lượng cao

Bắt đầu từ năm học này, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận 4 trường học trên địa bàn đạt tiêu chí trường chất lượng cao. Trong đó có 1 trường THPT, 1 trường tiểu học và 2 trường mầm non. Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra mục tiêu: đến hết năm 2015 sẽ triển khai thí điểm 27 trường chất lượng cao ở các cấp học. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học kiên cố và hiện đại hóa.

TP.HCM: Cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục

Năm nay TP.HCM có 1.527 phòng học mới. Để thu hút giáo viên mầm non, UBND TP vừa thông qua các chế độ đặc thù cho ngành giáo dục bắt đầu từ năm học 2014 - 2015. Cụ thể, hỗ trợ thêm 25% tiền lương đối với cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở mầm non công lập. Đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi, hỗ trợ thêm 35% tiền lương. Nhân viên các trường mầm non sẽ được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới sẽ nhận hỗ trợ thêm từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2016 - 2017.

Hưng Yên: Không tổ chức may đồng phục  và mua giấy vở

Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, yêu cầu từ năm học này, các nhà trường không tổ chức may đồng phục, không đứng ra mua giấy vở cho HS, hạn chế việc sử dụng sách tham khảo. Các trường tuyệt đối không được để em nào vì không có đồng phục mà không dám đi học.

Đà Nẵng: Lần đầu đưa Hoàng Sa vào chương trình

Năm học 2014 - 2015, Đà Nẵng có hơn 200.000 HS ở các bậc học. Chuẩn bị cho năm học mới, Đà Nẵng đầu tư gần 240 tỉ đồng để xây dựng mới hơn 200 phòng học, cải tạo gần 120 phòng, và một số trang thiết bị mới. Trong năm học này, quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy. Nội dung học sẽ không chỉ về quần đảo Hoàng Sa mà còn bao gồm cả lịch sử Đà Nẵng.

Bình Định: Tăng nguồn lực đầu tư trường trọng điểm

Theo ông Mai Thanh Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục tỉnh Bình Định xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Trong đó, chú trọng tăng cường đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất để xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quốc học Quy Nhơn, THPT Trưng Vương thành những trường trọng điểm của tỉnh.

Kon Tum: Hơn 15.800 HS thiếu sách giáo khoa

Chiều 4.9, theo Sở GD-ĐT Kon Tum, năm học 2014-2015 có 38.397 HS từ lớp 1 đến 12 người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh này có nhu cầu hỗ trợ sách giáo khoa. Ngành giáo dục tỉnh đã linh động hỗ trợ cho 22.565 HS dùng sách từ tủ sách giáo khoa dùng chung; kêu gọi HS lớp lớn tặng lớp bé và sách từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Còn lại có 15.832 HS đang thiếu sách giáo khoa. Ngành giáo dục tỉnh này đang huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành ủng hộ 1 ngày lương để hỗ trợ mua sách giáo khoa cho HS. Đến thời điểm này, số tiền ủng hộ chỉ hơn 1 tỉ đồng.

T.Mai - D.Hiền - H.Trọng - B.Thanh - P.Anh

Tuệ Nguyễn

>> Chấm dứt 'thí điểm' - Kỳ 2: Tìm phương thức dạy học mới
>> Thí điểm phương pháp dạy học mới
>> Thí điểm phương pháp dạy học mới
>> Hỗ trợ nhà trường thực hiện "Đổi mới phương pháp dạy học
>> Đổi mới phương pháp dạy học: Chấm dứt hoàn toàn đọc – chép  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.