Nỗ lực thu hút sinh viên nước ngoài

07/04/2012 03:49 GMT+7

Một số nước đang thực hiện các biện pháp ưu đãi nhằm thu hút sinh viên quốc tế.

Một số nước đang thực hiện các biện pháp ưu đãi nhằm thu hút sinh viên quốc tế.

Giảm học phí, ở lại làm việc

Theo báo The New York Times, nhằm giúp các trường ĐH của New Zealand tăng sức cạnh tranh và thu hút ngày càng nhiều sinh viên (SV) quốc tế, chính phủ nước này trong những năm gần đây đã vận dụng nhiều chiến lược mũi nhọn, từ việc giảm phí cho SV học lấy bằng tiến sĩ đến việc mở các văn phòng thị thực ở châu Á. Chính phủ New Zealand đã đặt mục tiêu thu hút 50.000 SV quốc tế vào năm 2025.

Năm ngoái, New Zealand đã thành lập Cơ quan Giáo dục và dành thêm một khoản ngân sách trị giá 10 triệu USD để quảng bá giáo dục quốc tế ở nước này. Chính phủ New Zealand khuyến khích SV nước ngoài ở lại sau khi tốt nghiệp bằng chính sách cấp thị thực tìm việc với thời hạn một năm. Nếu tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn, họ có thể xin gia hạn thị thực làm việc đến 3 năm.

 
Sinh viên nước ngoài tại New Zealand - Ảnh: internationaleducationmedia.com 

New Zealand đã áp dụng mức học phí tiến sĩ như nhau giữa SV trong và ngoài nước kể từ năm 2005. Cơ quan Di trú New Zealand cũng đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho SV Ấn Độ và Trung Quốc xin thị thực qua việc mở các văn phòng đăng ký thị thực ở Mumbai, Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông. Ông Grant McPherson - Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand, cho biết hiện cơ quan này đang hướng đến chiến lược ASEAN, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Indonesia và Việt Nam. 

Thay đổi chế độ thị thực

Tại Úc, chính phủ nước này vừa công bố một số thay đổi trong chế độ thị thực dành cho SV, bao gồm việc áp dụng mức giới hạn thời gian làm việc linh động hơn. Mục đích của biện pháp này nhằm thu hút SV quốc tế. Xứ sở chuột túi được dự đoán sẽ thu hút khoảng 50.000 SV nước ngoài vào năm 2020, theo tổ chức đánh giá Times Higher Education.

Theo Bộ Di trú và định cư Úc, kể từ ngày 24.3, tất cả hồ sơ du học Úc - chương trình cử nhân, thạc sĩ và nghiên cứu sinh đăng ký vào danh sách các trường ĐH ưu tiên - sẽ được xét duyệt theo cấp độ ưu tiên (tương tự cấp độ 1 của cách xét hiện nay). Theo đó, đương đơn không cần phải nộp các tài liệu chứng minh tài chính và điểm IELTS/TOEFL cho việc du học Úc như hiện nay. Có 41/42 ĐH tại Úc hiện đang nằm trong danh sách được ưu tiên này. Tổ chức chuyên về du học Úc, StudyLink International, cho biết hiện trên toàn Úc có 39 trường ĐH công và 2 trường tư thục thì chỉ có Australian Graduate School Of Management chưa được hưởng quy chế này. Ngoài ra, các chương trình tiếng Anh, dự bị ĐH, CĐ nghề liên kết lên các ĐH được ưu tiên cũng được xét thị thực nhanh và dễ dàng hơn theo diện này.

Bắt đầu từ ngày 26.3, tất cả SV được phép làm việc tối đa 40 giờ/2 tuần, thay vì chỉ được 20 giờ/tuần như trước. Ngoài ra, nghiên cứu sinh không bị hạn chế thời gian làm việc trong suốt thời gian nghiên cứu tại Úc.

Chính sách mới cũng cho du học sinh quốc tế và người giám hộ đi kèm được đăng ký học chương trình tiếng Anh không giới hạn thời gian trong khi ở Úc và thị thực có thể được cấp nhiều hơn 4 tháng trước thời gian nhập học chính khóa. Từ cuối năm 2011, Úc cũng cho phép SV tốt nghiệp tại Úc được ở lại làm việc từ 2-4 năm.

Về phần mình, các trường ĐH Úc cũng đang nỗ lực thu hút SV nước ngoài bằng cách giảm học phí. Nhiều trường tăng học bổng và giảm các khoản phí cho SV nước ngoài.

Trùng Quang - Bích Chiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.