Nước ngọt có ga vẫn bán đầy trường học

29/12/2017 08:09 GMT+7

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị trong trường học không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga, thế nhưng hiện căn tin nhiều trường học tại TP.HCM vẫn bày bán những loại nước này và lãnh đạo các đơn vị giáo dục cho rằng chưa nhận được chỉ đạo gì!

Trường nào cũng bán
Bộ đang soạn thảo văn bản chỉ đạo
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 28.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết về việc cấm bán nước ngọt trong trường học, Bộ đã nắm được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện các phòng ban liên quan của Bộ đang soạn văn bản để chỉ đạo các trường thực hiện chỉ đạo này.  
 Đăng Nguyên
Có mặt tại căn tin một số trường học vào giờ ăn sáng ngày 27.12, chúng tôi nhận thấy các loại nước ngọt có ga không thiếu trong quầy hàng.
Tại căn tin Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), ngoài sữa, nước cam, nước suối, trong tủ lạnh có từ 3 - 4 loại nước ngọt có ga. Hay trong căn tin một trường THCS ở Q.Gò Vấp, đủ loại nước ngọt có ga được bày bán với giá từ 7.000 - 12.000 đồng/chai.
Khi tìm hiểu thực tế về việc sử dụng nước ngọt có ga trong trường học, thống kê gần 20 hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS tại Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú… thì tất cả nói rằng căn tin đang bày bán những loại nước này.
Bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú), thừa nhận nước ngọt có ga là mặt hàng luôn có trong căn tin trường học vì nhiều học sinh (HS) thích uống. Ban giám hiệu thường chú ý đến xuất xứ, nguồn gốc, thời hạn sử dụng của các loại hàng hóa bày bán trong căn tin chứ không ngăn cấm việc bán nước ngọt có ga vì nhà nước không quy định.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết từ trước đến nay phòng giáo dục các quận huyện chỉ quy định căn tin trường học không được bán những mặt hàng thuộc danh mục cấm lưu hành do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thống kê, những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ… chứ không cấm bán nước ngọt có ga. Tuy nhiên, vì sức khỏe của học trò, trong các giờ học về khoa học, sức khỏe, giáo viên có “bỏ nhỏ” để các em hiểu cần phải hạn chế loại thức uống này.
Và học sinh nào cũng uống !
Trong một buổi sáng, hỏi nhanh 10 HS sau khi mua đồ ăn ở căn tin một trường tiểu học thì có 6 em quay lại mua nước ngọt uống trước khi lên lớp. Một nhân viên căn tin cho biết: “Giờ ăn sáng còn ít, chứ vào giờ ra chơi, số lượng các bé mua nước ngọt nhiều hơn vì lúc đó các bé chơi đùa nên nóng, khát, uống mới đã”.
Tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình), mỗi ly nước ngọt giá trung bình 5.000 đồng. Một HS nam lớp 4 cho biết: “Hằng ngày ba mẹ cho 20.000 đồng, con ăn sáng hết 15.000 đồng, còn lại để mua nước. Con thích uống nước có ga chứ nước cam hay nước suối thì chỉ có con gái mới thích”.
Còn giáo viên thể dục của một trường THCS ở Q.Gò Vấp từng thống kê và cho biết cứ 5 HS thì có 2 - 3 em mua nước ngọt uống.
Phụ huynh HS một trường tiểu học tại Q.1 cho hay: “Ở nhà còn kiểm soát được chứ đến trường các bé có uống hay không tôi cũng đành chịu. Không những thế, trong các buổi sinh nhật HS, nhiều phụ huynh còn chuẩn bị nước ngọt có ga để con mang đến mời bạn bè”.
Đã có cơ sở để cấm
Tác hại của  nước ngọt có ga
Thành phần của loại nước uống này bao gồm đường, hương liệu, màu… trong đó lượng đường chiếm ưu thế. Ở góc độ dinh dưỡng, đường là chất tạo ra năng lượng rỗng, HS càng uống nhiều càng tăng dư lượng dẫn đến béo phì, dư cân là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường và tim mạch. Đồng thời đường vào cơ thể làm môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây viêm dạ dày. Còn khí của ga trong nước ngọt làm giảm lượng can xi trong cơ thể, gây loãng, giòn xương.
    Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên Trưởng khoa Dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM
Ngày 21.12, theo công bố của Văn phòng Chính phủ, VN vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%, tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị… Từ đó, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, HS. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong trường học không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay: “Nhà trường chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc này. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết nên khi có quy định cụ thể, nhà trường sẽ triển khai đến căn tin và thường xuyên giám sát, kiểm tra”.
Tương tự, bà Đỗ Thị Sửu nói rằng đây là chủ trương đúng và sẽ yêu cầu căn tin nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc nhắc nhở con em và thực hiện quy định ở trường cũng như ở nhà.
Còn ông Trần Trọng Khiêm cho biết mới chỉ biết thông tin qua báo chí chứ chưa nhận văn bản hướng dẫn từ Bộ, từ Sở như chỉ thị đề cập. Tuy nhiên, nội dung chỉ thị gần gũi, dễ thực hiện nên sẽ lưu ý nhắc nhở trong buổi họp giao ban sắp tới để các trường từng bước rà soát căn tin. Khi đã có chỉ đạo chính thức từ các cấp quản lý, tổ công tác phụ trách sẽ kiểm tra và xử lý những đơn vị vi phạm.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay hiện nay Sở cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ về việc thực hiện chỉ thị. Trước đây, trong các quy định thực hiện bữa ăn học đường và tổ chức căn tin trong trường học, Sở mới dừng lại ở việc khuyến cáo các trường hạn chế cho HS sử dụng các loại nước có ga vì tác hại của nó, nhưng không có cơ sở để cấm. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ, TP sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện và có chế tài xử lý nếu cố tình vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.