Ôn thi THPT quốc gia thế nào trong dịch Covid-19 ?

Bích Thanh
Bích Thanh
13/04/2020 07:02 GMT+7

Dù đang chờ đợi phương án chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2020 nhưng sau khi Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn giảm tải và đề minh họa của kỳ thi này, giáo viên và học sinh đã có những kế hoạch học tập cụ thể.


Xây dựng nội dung ôn tập theo định hướng

Đến thời điểm này, theo khung kế hoạch của Bộ thì lịch thi sẽ diễn ra vào tháng 8. Trên cơ sở nội dung tinh giản và đề minh họa 2020, các giáo viên đều phải lập kế hoạch cụ thể, phù hợp đối với việc ôn tập để thi.
Giáo viên Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM, cho hay với nội dung học kỳ 2, dù có tinh giản phần nào nhưng giáo viên vẫn phải hoàn thành đầy đủ các nội dung còn lại thông qua học trực tuyến, từ xa. Trong đó sẽ tập trung vào những nội dung bám sát đề thi minh họa.
Cũng theo thầy Thịnh, hiện nay chỉ còn hơn 3 tháng là đến kỳ thi và vẫn chưa biết khi nào học sinh trở lại trường. Vì vậy, với các kênh online (lập nhóm giao ôn tập, livestream sửa đề...), thầy cô phải chủ động ôn tập các chủ đề kiến thức theo kế hoạch thời gian.
Cụ thể, theo thầy Thịnh, tùy mỗi chủ đề, kiến thức sẽ được sơ đồ hóa như bản đồ tư duy (mind map), infographic, bảng biểu để giúp các em dễ tổng hợp và ghi nhớ. Đồng thời, việc ôn tập và giao bài trắc nghiệm nên chia theo năng lực, cấp độ giỏi, khá, trung bình… để có thể tạo hiệu quả như mong muốn cho đối tượng học sinh. Đặc biệt, giáo viên luôn đồng hành và thường xuyên theo dõi quá trình ôn tập, nhận xét và đánh giá, đưa ra lời khuyên để giúp các em cố gắng đạt được mục tiêu của bản thân.
Còn giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho biết trong điều kiện nghỉ học kéo dài như hiện nay, việc dạy và học trực tuyến phải được áp dụng sao cho hiệu quả nhất. Vì vậy, giáo viên cần xây dựng nội dung chương trình, đặc biệt là phần kiến thức ở học kỳ 2 để hướng dẫn cho học sinh biết phần nào là trọng tâm, những nội dung nào đã được tinh giản cũng như phần học sinh “tự học”, “tự học có hướng dẫn”… nhằm khuyến khích khả năng tự học của các em.
Qua đề minh họa Bộ công bố, cô Ngọc Dung cho hay, câu hỏi khó phân loại học sinh hầu như chỉ tập trung ở học kỳ 1 của chương trình lớp 12. Các câu hỏi kiến thức học kỳ 2 của lớp 12 chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu hoặc vận dụng thấp, yêu cầu của đề cũng “nhẹ nhàng”, nên học sinh có thể tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên…

Tăng cường tự học

Vì vậy, cô Dung gửi gắm học sinh: “Hãy cố gắng tăng cường khả năng tự học. Mỗi bạn cần có sổ tay để ghi chép những nội dung chính yếu, các công thức cũng như sơ đồ hệ thống kiến thức… Phải thực hiện thật nghiêm túc lịch học cho dù ở nhà, nhớ bám sát nội dung ôn tập của giáo viên, tránh học dàn trải, mất thời gian mà không hiệu quả, đừng nản lòng mà bỏ cuộc nhé”.
Cùng quan điểm trên, bà Võ Thị Bình Minh, Hiệu phó Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói ngay sau khi Bộ công bố nội dung giảm tải và đề minh họa, nhà trường khuyến khích học sinh tăng cường tính chủ động, tự giác trong việc học cũng như giáo viên tích cực trong giảng dạy.
Với tinh thần đó, bà Bình Minh cho biết, giáo viên nghiên cứu kỹ hướng dẫn giảm tải của từng môn sau khi triển khai để học sinh nắm rõ chi tiết. Đặc biệt, phải giúp học sinh phân biệt rõ những nội dung tự học và tự học có hướng dẫn của giáo viên để các em chú ý nắm bắt kiến thức có hiệu quả, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Thêm vào đó, trong các tiết dạy trực tuyến, ngoài việc bổ sung kiến thức theo thời khóa biểu thì giáo viên còn hướng dẫn học sinh làm đề thi minh họa cùng các dạng bài có hình thức tiếp cận như các câu hỏi trong đề thi.

Học sinh tự điều chỉnh kế hoạch học tập

Học sinh Nguyễn Đăng Đình, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết kế hoạch học tập đối với một số môn đang được điều chỉnh để phù hợp với nội dung giảm tải. Với các môn như lịch sử, địa lý thì việc học tập trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, môn ngữ văn cũng tương đối dễ thở. “Riêng đối với môn toán thì em vẫn giữ nguyên cách học như cũ và ôn luyện lại các dạng bài nâng cao do nội dung không giảm nhiều. Đề minh họa tuy giúp học sinh hình dung tốt hơn về cấu trúc đề thi nhưng có lẽ vẫn dễ hơn nhiều so với đề thi thực tế nên em vẫn tập trung cao cho việc học và ôn tập”.
Theo ý kiến riêng của Đăng Đình, các môn xã hội tương đối dễ ôn luyện hơn các môn tự nhiên. Chẳng hạn với môn lịch sử, học sinh này cho hay nên hệ thống lại kiến thức bằng các sơ đồ tư duy, bảng so sánh và xem thêm các chương trình ôn luyện trực tuyến. Còn môn giáo dục công dân có rất nhiều tình huống thực tế nhưng hơi dễ gây nhầm lẫn nên em tự tìm các bài tập tình huống để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đánh giá bài tập.
Còn Nguyễn Mỹ Hương, học sinh đang học lớp 12 tại Q.3, cho biết: “Theo em, đề minh họa tuy đã được giảm tải một vài phần để phù hợp hơn với học sinh nhưng bên cạnh đó thì lượng kiến thức của các môn vẫn còn khá lớn. Sau khi đọc qua đề, em cảm thấy khá lo lắng, vì thế em đã chuẩn bị kế hoạch để ôn lại những kiến thức cần thiết cho bản thân. Phương pháp học tập của em là nắm chắc những kiến thức đã học, cố gắng trau dồi kiến thức còn thiếu”.
Chính vì vậy, Mỹ Hương cho biết sẽ ôn lại những phần kiến thức đã học, tự rà soát khả năng của bản thân đã nắm chắc được phần nào và còn khuyết điểm ở đâu. Về những phần còn khuyết thì sẽ tập trung ôn tập các phần ấy, trau dồi kiến thức bằng cách hỏi thầy cô, tra cứu trên các trang học online, ghi chú những công thức và các bài ví dụ vào một cuốn vở riêng để khi cần sẽ tham khảo lại.
Về phần các môn xã hội, học sinh này chia sẻ sẽ vẽ sơ đồ tư duy để tóm tắt lại các nội dung chính của bài trọng tâm. Khi tự tay mình vẽ, ghi chú thì nội dung bài sẽ được ghi nhớ lâu hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.