'Phải bắt nguồn từ nguyên nhân gốc rễ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/12/2018 09:24 GMT+7

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, những vụ bạo lực, xâm hại của các giáo viên gần đây chỉ là cá biệt song các vụ việc này phản ánh thực trạng về sự xuống cấp đạo đức của nhà giáo, cần có biện pháp giải quyết triệt để.

Cho rằng những vụ việc mà thầy cô giáo bạo hành, thậm chí là xâm hại chính những học sinh của mình chỉ là cá biệt, song các chuyên gia cũng khẳng định, những vụ việc cá biệt đó vẫn phản ánh nguy cơ và thực trạng về đạo đức nhà giáo.
Cuối tháng 11, dư luận chấn động với vụ việc một cô giáo tại Trường THCS Duy Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) ra lệnh cho các bạn cùng lớp tát một học sinh phạm lỗi nói tục 231 cái, khiến em này phải nhập viện vì đau và sang chấn tâm lý. Cô giáo sau đó đã bị công an khởi tố vì tội hành hạ người khác. Tới ngày 15.12 vừa qua, Công an H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn do hành vi dâm ô đối với hàng loạt học sinh nam tại trường này.
Vài hôm nay lại có chuyện một thầy giáo ở Trường THCS Cẩm Nhương (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã “vẽ” chuyện nhặt được hơn 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng trả lại cho người mất. Rất nhiều người đã ngưỡng mộ thầy giáo này trước khi biết được sự thật rằng đây chỉ là câu chuyện bịa. Theo thầy giáo này, ông bịa chuyện với lý do “mong muốn có thêm một câu chuyện tốt về ngành giáo dục, vì trong thời gian qua có nhiều chuyện buồn liên quan đến ngành giáo dục nên mong muốn xã hội sẽ có một góc nhìn khác tốt đẹp hơn”.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho rằng một số vụ việc bạo lực hay xâm hại của các thầy cô giáo trong thời gian gần đây thực tế chỉ là cá biệt chứ không phải phổ biến. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định, những vụ việc này phản ánh nguy cơ, thực trạng về sự xuống cấp đạo đức của nhà giáo và đòi hỏi nhà nước, ngành giáo dục sớm có biện pháp giải quyết triệt để.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN, cũng khẳng định những vụ việc như tại Quảng Bình hay Phú Thọ là những hành vi đáng căm phẫn, song cho rằng, đó là hệ quả của sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung.
“Giáo dục chỉ là nơi bộc lộ cuối cùng của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Thời chúng tôi đi dạy học là đầy nhiệt huyết, đầy niềm tin, lý tưởng và chúng tôi hết lòng vì học sinh, không có chuyện kiếm tiền từ học trò hay có hành vi bạo lực với học trò”, ông Rỹ nói.
PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng để giải quyết được thực trạng này cần phải bắt nguồn từ nguyên nhân gốc rễ của nó. “Trong một giai đoạn trước đây, chúng ta đã không chú trọng đào tạo về giá trị cho các thế hệ trẻ. Ngành sư phạm không chọn được những người có phẩm chất và năng lực tốt nhất. Trong bối cảnh đó, môi trường giáo dục đang ngày càng trở nên áp lực khi vai trò, vị thế của người thầy ngày càng được xã hội kỳ vọng trong khi sự hỗ trợ của xã hội về vật chất không được nhiều. Những nguyên nhân này dẫn đến nhiều thầy cô rơi vào tình trạng kiệt sức, quá tải, thậm chí tổn thương tinh thần”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong bối cảnh hiện nay việc tuyển dụng vào một ngành áp lực như giáo viên cũng cần bổ sung cả những tiêu chí mềm bên cạnh tiêu chí chuyên môn. “Về lâu dài, những ngành nghề áp lực cao như bác sĩ, giáo viên phải đáp ứng cả tiêu chí về sức khỏe tinh thần. Nếu có những dấu hiệu như căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc hay những bệnh liên quan tới định hướng tình dục như trường hợp tại Phú Thọ thì phải phát hiện”, ông Nam khuyến cáo.
Chiều 18.12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý vụ xâm hại học sinh ở H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đưa Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, H.Thanh Sơn ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ về hành vi xâm hại tình dục học sinh.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.