Phụ huynh, giáo viên có vai trò gì trong những cái tát học sinh ?

06/12/2018 15:33 GMT+7

Tại sao mấy mươi năm trước thầy cô giáo lấy thước khẽ vào tay học trò là chuyện bình thường hoặc có những hình thức phạt nặng học sinh mà không ai phản đối.

Nhưng bây giờ tại sao  thầy cô giáo thực hiện các hình phạt theo nội quy trong lớp vẫn bị phụ huynh, xã hội phản ứng một cách gay gắt?

 

Mấy hôm nay người ta nói nhiều về cái tát. Sự việc một cô giáo  ở Quảng Bình phạt học trò bằng cách cho các học sinh trong lớp tát bạn này  tổng cộng 230 cái, cô thêm một cái nữa, vẫn chưa nguôi thì mới đây lại xuất hiện thêm trường hợp cô giáo ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội cũng sử dụng hình phạt này với học sinh.  

 

Tại sao mấy mươi năm trước thầy cô giáo lấy cây thước khẽ vào tay học trò là chuyện bình thường hoặc có những hình thức phạt nặng học sinh mà không ai phản đối. Nhưng bây giờ tại sao cô giáo thực hiện các hình phạt theo nội quy trong lớp vẫn bị phụ huynh, xã hội phản ứng một cách gay gắt?

 

Cuộc sống thay đổi, quan niệm "Thương cho roi cho vọt" không hoàn toàn đúng trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta đều hiểu rằng dạy học sinh là để yêu thương. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần có những hình thức xử phạt với học sinh vi phạm để răn đe, dạy dỗ.

 

Để khỏi bị hiểu lầm là tôi ủng hộ hình phạt để cả lớp tát học trò, tôi xin nói ngay: tôi không ủng hộ loại hình phạt có tính chất bạo lực này!

Tôi không có lời khuyên chung chung, mà muốn một cách làm cụ thể trong việc “trừng phạt” các học sinh vi phạm những quy định đối với lớp học

 

Hãy giả định trong lớp học có những học sinh không tập trung học tập, không phải do các em không muốn học mà do một số vấn đề thuộc về tâm lý trẻ. Chẳng hạn trẻ em hiếu động thường hay phá phách, chọc ghẹo bạn bè, không chú ý nghe bài giảng của thầy cô... Tình huống có tính chất nghiêm trọng hơn là  học sinh chửi thề, nói tục trong lớp học. Nếu là phụ huynh học sinh, tôi và các vị có muốn con mình học trong một lớp học như vậy không? Câu trả lời mà chúng ta thu được chắc chắn là không, chúng tôi không muốn con cái mình học trong lớp học có những học sinh như vậy. Nhưng nhà trường thì không thể trừng phạt những học trò mắc lỗi bằng cách đuổi ra khỏi trường học - vấn đề là ở chỗ đó. Nhà trường, được mở ra cho mọi công dân trong lứa tuổi được đến trường!

 

Muốn vậy, cần phải có những quy định trong lớp học. Ở các nước phát triển, quy định này được giao cho học sinh trong lớp thảo luận! Trong đó, có quy định cụ thể nghiêm cấm những hành vi học sinh không được làm trong lớp.  Những quy định này phù hợp với luật pháp, với thuần phong mỹ tục. Khi đã là quy định, thì những hành vi sai trái phải được trừng phạt và hình thức trừng phạt cũng được thống nhất trong lớp học.

 

Vấn đề là, phụ huynh, thầy cô giáo có vai trò gì trong việc hình thành các quy định trong lớp học? Họ là người hướng dẫn, trao đổi lại với học sinh về những quy định trong lớp học sao cho phù hợp với luật pháp, với kinh nghiệm của mình. Nếu phụ huynh và giáo viên tham gia vào quá trình xây dựng nội quy lớp học, dứt khoát sẽ không thể xảy ra những quy định quái gở, những trừng phạt không thể chấp  nhận sẽ không thể xảy ra!




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.