Phương pháp giáo dục mới: Từ E-learning đến "đại học số hóa"

17/12/2006 22:22 GMT+7

Ứng dụng lợi thế công nghệ thông tin (CNTT), E-learning là một phương pháp giáo dục mới với những ưu điểm nổi trội hiện đang được nhiều trường đại học (ĐH) quan tâm nghiên cứu.

Theo đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020, quy mô giáo dục ĐH nước ta cần được tiếp tục mở rộng để đạt 200 SV trở lên/vạn dân năm 2010, 450 SV trở lên/vạn dân năm 2020 (hiện nay đạt 166,5 SV/vạn dân). Chưa kể các khó khăn về cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị, ký túc xá...), TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng: "Với cách phát triển ĐH theo kiểu truyền thống lâu nay (làm trường, mở lớp, tuyển sinh...), ngay việc tìm nguồn cán bộ giảng dạy đã hết sức khó khăn. Hai đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và TP.HCM đã có chương trình trao đổi hàng nghìn giáo trình in ấn phục vụ việc giảng dạy ở ĐH, nhưng vẫn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của SV.

Trong điều kiện như thế, hai ĐHQG sẽ tiếp tục cộng tác thực hiện các giáo trình điện tử và đẩy mạnh việc học bằng E-learning". PGS-TS Nguyễn Văn Nhã (Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội) nhận định: "Chiến lược phát triển của giáo dục ĐH ở các quốc gia trong thế kỷ 21 là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, công nghệ thông tin (CNTT) phải được đưa vào xây dựng chương trình đào tạo và quản lý ĐH".

GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) nhấn mạnh xu thế "số hóa" trong giáo dục ĐH, muốn hội nhập với quốc tế thì chúng ta không thể chậm chân. Nhiều nước đã đi đầu hình thành những "ĐH số hóa" như Mỹ, Úc, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... GS-TSKH Đinh Dũng (Viện trưởng Viện CNTT, ĐHQG Hà Nội), nói: "Trong phương pháp dạy học truyền thống, thầy tiếp xúc trực tiếp với trò. Thầy đóng vai trò chủ động, trò thường bị động. E-learning có thể làm biến đổi cách học cũng như vai trò của học viên. Họ có thể học mọi lúc, mọi nơi (miễn rằng nơi đó có phương tiện trợ giúp việc học), người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân, chọn các nội dung học phù hợp nên đối tượng đào tạo được mở rộng rất nhiều".

Tuy không thể hoàn toàn thay thế được phương thức đào tạo truyền thống, E-learning cho phép giải quyết một vấn đề nan giải trong lĩnh vực giáo dục thế giới: đó là nhu cầu đào tạo của người lao động và sinh viên tăng lên quá tải so với khả năng của các cơ sở đào tạo. Phương thức đào tạo này có sức lôi cuốn rất nhiều người học, rất phù hợp với hoàn cảnh của những người đang đi làm nhưng vẫn muốn nâng cao trình độ. Đặc biệt, E-learning cho phép học viên tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, trao đổi mới những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể có được, hoặc  nếu có thì phải cần chi phí quá cao.

Bên cạnh các hoạt động E-learning tiến hành khá hiệu quả tại Viện CNTT (ĐHQG Hà Nội) và Trường ĐH CNTT (ĐHQG-TP.HCM), dù thấy nhiều thuận lợi ở E-learning nhưng nhiều trường ĐH vẫn cảm thấy còn lúng túng trong các bước đi. Chính vì vậy, tại một hội thảo về E-learning mới đây, thạc sĩ Nguyễn Thị Vinh đề nghị cần phải có ngay  một "cộng đồng E-learning" trong các trường ĐH cả nước để có dịp trao đổi kinh nghiệm hợp tác.

Thạc sĩ Thái Khắc Việt (Trường ĐH Ngọai ngữ, ĐHQG Hà Nội) kiến nghị Nhà nước có một hành lang pháp lý (văn bằng, quy chế đào tạo...) về phương thức giảng dạy mới này để các trường ĐH triển khai. Trong khi chờ đợi các chính sách mới được ban hành, Trường ĐH CNTT (ĐHQG-TP.HCM) - với kinh nghiệm giảng dạy bằng E-learning cho 13.000 SV đang theo học - và Viện CNTT (ĐHQG Hà Nội) - với các kinh nghiệm xây dựng bài giảng điện tử và xây dựng hệ thống trắc nghiệm trực tuyến CmTest - tự nguyện làm đầu mối để cùng chia sẻ "chuẩn nội bộ" với các trường.  

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.