Rộng cơ hội vào đại học

26/05/2016 08:00 GMT+7

Chiều qua 25.5, chương trình truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức đã cung cấp rất nhiều thông tin về cách xét tuyển, chương trình học, học bổng tại một số trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng.

Thay đổi trong xét học bạ
Năm 2016, có khoảng 250 trường có phương án tuyển sinh riêng, mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh (TS). Để chọn được đúng ngành học, trường học phù hợp với mức điểm, TS cần theo dõi sát sao những thông tin tuyển sinh mới của các trường này.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Đây là năm thứ 2 trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh nhằm tạo cơ hội cho nhiều đối tượng khác nhau. Cụ thể, trường dành 80% (2.070 chỉ tiêu) để xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia. 20% còn lại dành cho 4 phương thức sau: TS có kết quả học tập 3 năm đều giỏi sẽ được ưu tiên xét tuyển; TS có chứng chỉ môn Anh văn quốc tế sẽ được ưu tiên xét tuyển; TS xét tuyển vào khối mỹ thuật ứng dụng sử dụng môn văn kỳ thi THPT quốc gia và điểm năng khiếu để xét tuyển (có thể thay thế điểm năng khiếu bằng cách nộp tuyển tập nghệ thuật hoặc bằng chứng nhận đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế); TS dùng học bạ để xét tuyển vào các ngành CĐ”.

Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, thông tin: “Năm nay, trường vẫn có 2 phương án xét tuyển là sử dụng kết quả thi THPT quốc gia (1.140 chỉ tiêu) và kết quả học bạ (1.140 chỉ tiêu). Tuy nhiên, cách tính điểm học bạ có thay đổi, nhằm tạo cơ hội hơn cho TS. Năm nay dùng điểm trung bình của cả năm học lớp 12 tính theo cách lấy điểm học kỳ 1 cộng với 2 lần điểm học kỳ 2 chia cho 3. Sở dĩ cách xét năm nay có lợi hơn cho TS vì thông thường điểm học kỳ 2 của TS luôn cao hơn học kỳ 1”. Các trường như ĐH Duy Tân, Hồng Bàng... năm nay cũng xét tuyển học bạ lớp 12.
Giải đáp vấn đề nhiều người lo ngại xét tuyển bằng học bạ chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chia sẻ: “Năm ngoái trường nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT, trong đó nhiều TS học rất giỏi, có những TS đạt từ 27 - 29 điểm. Thậm chí tỷ lệ chọi với TS xét tuyển học bạ còn cao hơn xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, không có nghĩa chỉ học sinh trung bình mới xét tuyển bằng hình thức này. Năm nay trường dành tới 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho việc xét tuyển học bạ”.
Trong khi đó tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết dù đầu vào bằng 2 phương thức xét tuyển nhưng quá trình đào tạo cũng như đầu ra là như nhau nên không có sự phân biệt về chất lượng giữa 2 đối tượng.
Rộng cơ hội vào đại học 2
Ảnh: Độc Lập
Hỗ trợ về học phí, việc làm
Một vấn đề TS luôn băn khoăn khi vào học các trường ngoài công lập là mức học phí cao. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều có chính sách về học bổng, học phí hỗ trợ sinh viên.
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương cho biết: “Nhà nước có hỗ trợ vay vốn, sinh viên có thể làm thủ tục tại các ngân hàng chính sách địa phương. Mỗi tháng các em được vay tối đa 1.250.000 đồng. Sau khi tốt nghiệp đi làm, sinh viên sẽ trả dần”.

Ngoài ra, các trường còn có chính sách học bổng như ĐH Lạc Hồng có quỹ học bổng hơn 3 tỉ đồng. Các trường ĐH: Hoa Sen, Duy Tân, Quốc tế Sài Gòn, Quốc tế Hồng Bàng đều có các chính sách học bổng giúp sinh viên hoàn cảnh khó khăn.
Về cơ hội việc làm sau khi ra trường, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay: “Tại trường, 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Đặc biệt những sinh viên học chương trình bằng tiếng Anh, cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài tại VN là rất lớn và mức thu nhập cũng rất cao”. Các trường ĐH: Lạc Hồng, Duy Tân, Hoa Sen và Quốc tế Hồng Bàng cũng đều có các phòng quan hệ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bạn đọc xem toàn bộ nội dung chương trình tư vấn tại đây và www.facebook.com/thanhnien.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.