Sai sót trong Atlat địa lý 12: Không ảnh hưởng đến việc ôn thi tốt nghiệp

08/04/2012 17:33 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), sau khi phát hiện sai sót ở biểu đồ (trang 10 và 15) trong Atlat địa lý Việt Nam.

Ảnh hưởng đến học sinh yếu kém 

Thầy Trần Văn Quang cho biết: “Qua đối chiếu với các biểu đồ trong sách địa lý chuẩn, nhận thấy biểu đồ tròn và biểu đồ miền ở trang 10 và 15 có phần sai lệch so với chương trình SGK. Cụ thể, 2 biểu đồ minh họa này vẽ ngược chiều hoàn toàn so với chương trình dạy và học theo SGK”.


Trang 10 trong Atlat địa lý Việt Nam, biểu đồ hình tròn (tỷ lệ diện tích lưu vực các hệ thống sông) bị vẽ lệch trục phân chia phần trăm - Ảnh chụp từ Atlat

Cũng theo thầy Quang, cùng một biểu đồ miền nhưng trang 15 và 17 trong Atlat địa lý cũng có sự khác nhau.

Tuy sai sót này không ảnh hưởng đến chương trình ôn thi tốt nghiệp của học sinh, nhưng nó sẽ tác động nhất định đến những em có học lực yếu kém trong việc phân biệt giữa các dạng biểu đồ.

Thầy Quang cũng khuyến cáo là học sinh 12 cần nắm vững kiến thức địa lý trong SGK, các dạng biều đồ minh họa trong Atlat chỉ để tham khảo và thực hành thêm.

Cô Diễm Trang, giáo viên địa lý, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay: “Kiến thức trong Atlat địa lý Việt Nam có nhiều điểm không đồng nhất với chương trình SGK. Trong quá trình học, chúng tôi cũng khuyến cáo học sinh không nên phụ thuộc nhiều vào Atlat…”.

Atlat chi tiết hơn SGK

Theo thầy Quang, nếu so sánh giữa SGK địa lý và Atlat thì một số câu hỏi trong Atlat chi tiết hơn SGK, khiến nhiều học sinh phân vân khi làm bài.

Chẳng hạn, trong Atlat thường dùng từ “mô tả các dãy núi” còn SGK chỉ viết ngắn gọn là “các dãy núi”, hoặc nếu Atlat chỉ ra chi tiết độ cao của các dãy núi thì SGK chỉ gộp lại nói chung là các ngọn núi có độ cao trung bình…

Vì vậy, theo thầy Quang, học sinh ôn thi tốt nghiệp cần hết sức lưu ý đến các dạng bài tập khác nhau để không hoang mang, nhầm lẫn.

Cô Hồng Thái, giáo viên địa lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) khẳng định: Nếu như trong quá trình dạy mà giáo viên không biết cách kết hợp giữa SGK và Atlat địa lý, thì các em rất dễ vẽ sai. Vì nhiều em không nắm được kiến thức cơ bản, trong khi có khá nhiều dạng biểu đồ nên rất dễ nhầm lẫn và không biết cái nào đúng, cái nào sai.  

Phương Nga

>> Sai sót trong Atlat địa lý lớp 12
>> Đề Địa lý: Dễ làm nhưng khó đạt điểm cao
>> Ôn thi ĐH khối C
>> Môn Địa lý dễ đạt điểm trung bình
>> Lưu ý quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Để làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao
>> Atlat địa lý giả bán tràn lan
>> Cẩn trọng với Atlat Địa lý giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.