Sinh ra để làm điều kỳ diệu

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/05/2019 07:26 GMT+7

Nữ sinh viên Lê Hương Giang (24 tuổi, sống tại Hà Nội) bị mù từ nhỏ, nhưng không khuất phục bóng tối. Cô đã đến với giảng đường đại học, cùng lúc học 2 ngành và làm nhiều việc cho cộng đồng.

PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện về hành trình kỳ diệu của Lê Hương Giang.

Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Học cùng lúc 2 ngành là tâm lý học và báo chí truyền thông của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là điều không dễ dàng với một người khiếm thị, Giang có thể chia sẻ những nỗ lực của mình?
Tôi biết mình may mắn khi được sinh ra ở Hà Nội, được học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu - trường hòa nhập cho trẻ khiếm thị, nhưng nếu ai đó hỏi “mơ ước sau này làm nghề gì?” thì tôi không trả lời được. Vì với tôi, ngày còn nhỏ, thế giới của tôi chỉ là gia đình và trường học, việc không có trải nghiệm về cuộc sống xung quanh khiến những người khuyết tật chúng tôi không đặt mục tiêu gì rõ ràng cho tương lai.
Kết thúc cấp 2, nhìn những bạn học khá trong lớp phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho những người khuyết tật theo con đường học vấn; những người bạn từng cùng ngồi trên dãy hành lang kể cho nhau nghe về giấc mơ làm giáo viên, luật sư, họa sĩ… giờ bỏ cuộc, do thiếu niềm tin từ gia đình và thiếu niềm tin vào chính mình, tôi đã phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực người khuyết tật để mong gạt bỏ những rào cản đó.

Tôi cũng mong muốn xã hội không cần “ưu tiên” với người khuyết tật mà chỉ cần trao cho họ cơ hội như những người bình thường khác như: được đi học, đi làm… thì tự họ sẽ tìm được con đường để đến với thành công

Tôi đã dự thi vào ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ban đầu suýt phải từ bỏ ước mơ vì không có hội đồng thi cho người khiếm thị. May mắn trước đó, tôi giành được giải ba quốc gia trong Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT Intel ISEF (hội thi khoa học dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới - NV), nên đã được tuyển thẳng vào đại học. Tôi nhận thấy, nếu chỉ là chuyên gia tâm lý, tôi chỉ có thể giúp được 1 - 2 người trong cùng một thời gian; nhưng nếu làm về truyền thông, những thông điệp của tôi sẽ được truyền đi xa hơn, đến được với nhiều người hơn. Vì vậy, tôi đã học thêm ngành báo chí và truyền thông. Hiện tôi vừa học vừa đi làm cho các dự án hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên, và làm MC của Đài truyền hình VN, dẫn chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” phát sóng trên VTV4. Tôi cũng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của sinh viên như chăm sóc trẻ tự kỷ, dạy học cho học sinh khiếm thị và tham gia các công tác thiện nguyện tại địa phương…
Thông điệp của Giang muốn mang đến cho mọi người?
Phương châm sống của tôi là “Tôi sinh ra trên đời là để làm nên điều kỳ diệu” cho chính cuộc sống của mình. Từ đó tôi muốn truyền đi những năng lượng tích cực cho mọi người. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tôi làm được cái gì đó mang lại niềm vui đến cho những người xung quanh.
Khi làm MC, nhiều khi tôi nhận được phản hồi từ khán giả là những người khuyết tật, họ nói rằng cuộc sống của họ đã từng rất bế tắc, họ cảm thấy mình không làm được gì ngoài ngồi một chỗ ở nhà thôi. Nhưng khi họ nhìn thấy tôi trên truyền hình, họ lại muốn thay đổi cuộc sống của mình. Có nhiều người gọi điện, hoặc đến gặp tôi để được chia sẻ những suy nghĩ của mình, trong đó có nhiều bà mẹ trẻ đã ôm tôi khóc và nói rằng họ chưa bao giờ nghĩ rằng con cái họ cũng có thể đi học như bạn bè và được tham gia các hoạt động như tôi từng làm được… Khi học cấp 2 và cấp 3, tôi cũng đã đi nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung để kể cho các bậc phụ huynh nghe những việc tôi làm, để họ thấy những việc tôi làm được thì con cái họ cũng có thể làm được. Cuộc sống của người khuyết tật không tồi tệ như họ nghĩ…
Sinh ra để làm điều kỳ diệu1
Anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, trao phần thưởng ngôi á khôi cho Hương Giang tại cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết Ảnh: Ngọc Thắng

Nhìn cuộc sống bằng cảm nhận

Trong cuộc sống, Giang đã gặp những khó khăn như thế nào?
Lê Hương Giang, sinh năm 1995, sống tại Hà Nội, bị khiếm thị bẩm sinh. Là học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu (cấp 1 - 2) và Trường THPT Thăng Long, Hà Nội. Giang tham gia và đoạt nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế như: giải ba Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2012 với đề tài “Chế tạo máy phân biệt tiền thật, tiền giả và mệnh giá bằng cách phát ra lời nói giúp người khiếm thị thuận tiện hơn trong đời sống xã hội và tinh thần”; giải nhất cuộc thi “Người dẫn chương trình The Next 2016”; tham gia cuộc thi “Thử thách công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tại Hàn Quốc… Ngoài ra, Hương Giang còn là đạo diễn phim ngắn Khi bạn tin bạn có thể - bạn có thể; người sáng lập Đom Đóm Studio, chuyên sản xuất nhiều talkshow về người khuyết tật phát trên YouTube. Hương Giang cũng từng là chủ nhiệm CLB Phóng viên của Trường THPT Thăng Long, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Lê Hương Giang được vinh danh là á hậu 1 cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019 vào tối 18.4 tại Hà Nội.
Khó khăn với những người khuyết tật vẫn là sự kỳ thị của mọi người. Còn với tôi, khó khăn lớn nhất là khi tôi di chuyển trên đường, đi lấy tin hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng. Khó khăn nữa trong cuộc sống của tôi là việc không được đọc nhiều sách. Và cho tới bây giờ tôi vẫn đi học theo cách là ghi âm lại, rồi tìm kiếm những thông tin ở trên mạng. Nhưng trong lĩnh vực mà tôi học thì những thông tin tìm kiếm trên mạng không đáng tin cậy và nó trở thành một trở ngại rất lớn cho tôi.
Hiện Giang có thể tự đi lại mà không cần trợ giúp và còn chơi Facebook, nhắn tin, gửi mail rất thành thạo. Làm thế nào để bạn vượt qua những trở ngại?
Tuy là người khiếm thị nhưng tôi không sử dụng gậy dò đường, không phải vì sợ gây sự chú ý hay sợ mất thẩm mỹ mà do nó không thể hỗ trợ mình như chức năng vốn có. Một bạn khiếm thị kể với tôi, mỗi lần đi bộ, chẳng may gậy chọc vào cái thúng, cái mẹt của người ta là nhận về ngay câu gắt “Mù thì ra đường để làm gì?”...
Tôi đi lại bằng cảm nhận, càng đi nhiều thì sẽ càng có cảm nhận về thế giới xung quanh. Điều này rất khó để miêu tả, đôi khi nó là xúc giác, đôi khi nó là thính giác, đôi khi nó chỉ là cảm nhận nào đó thôi, và sự cảm nhận đó sẽ đến khi mà tôi rèn luyện nhiều. Tôi đến một không gian chật hẹp hay đến một không gian rộng lớn thì tôi sẽ có cảm giác về nó. Nếu như tôi chỉ ở nhà lo lắng và không bao giờ bước chân ra đường thì tôi sẽ không bao giờ làm được trong lĩnh vực truyền thông hoặc tham gia được các công tác tình nguyện. Bây giờ đã có các phần mềm công nghệ hỗ trợ như Grab, nên tôi đi lại khá dễ dàng. Chỉ đến với một môi trường mới thì tôi vẫn cần một khoảng thời gian thích nghi thôi. Tôi sử dụng các phần mềm công nghệ hỗ trợ nên việc nhắn tin, gửi mail hay sử dụng mạng xã hội không còn là trở ngại nữa.
Sinh ra để làm điều kỳ diệu2
Hương Giang và bố mẹ Ảnh: Ngọc Thắng

Mong xóa bỏ bất công cho người khuyết tật

Giang đã từng tham dự nhiều cuộc thi, đi tình nguyện ở nhiều nơi để tìm hiểu và truyền cảm hứng cho người khuyết tật. Giang có trăn trở gì về cuộc sống của họ?
Trước kia, khi tôi chỉ ở VN thì tôi nghĩ cách mà người khuyết tật VN thích nghi với môi trường sống rất tốt. Nhưng có một dịp năm tôi 9 tuổi, khi đi sang Thụy Điển tham gia giao lưu, được tiếp cận với những công nghệ cao hơn, với sự hỗ trợ của xã hội tốt hơn, thì tôi nhận ra môi trường sống của người khuyết tật ở VN còn rất nhiều điều hạn chế.
Thực ra, có những thứ rất nhỏ, mọi người đều có thể làm được, nhưng không được để ý nên đã gây ra cản trở rất lớn đối với người khuyết tật ở VN. Ví dụ như viết chữ nổi vào một tờ giấy trong suốt, sau đó dán lên các phím bấm thang máy để người khiếm thị có thể đi lại được, nhưng điều đó đã bị bỏ qua. Nhưng tôi cho rằng đến thời điểm này thì những người khuyết tật ở VN đã bắt đầu tìm kiếm được thông tin nhiều hơn, bắt đầu biết cách vận động những chính sách để thay đổi dần dần cuộc sống của mình. Giờ đây, chúng tôi không còn trông chờ vào sự may mắn, mà người khuyết tật cần chủ động vì cuộc sống của chính mình. Và tôi nghĩ rằng, trong tương lai, cuộc sống của người khuyết tật VN sẽ dần tốt hơn.
Đoạt á khôi 1 cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019, Giang có chia sẻ gì?
Tôi muốn gửi tới mọi người câu nói mà gần đây tôi đã được nghe và cảm thấy rất ấn tượng “When you believe you can, you can” (Khi bạn tin bạn có thể thì bạn có thể làm được). Khi người khuyết tật nghĩ là tôi có thể vươn lên, tôi có thể hòa nhập với cộng đồng và biến nó trở thành những hành động cụ thể thì họ có thể làm được.
Mơ ước lớn nhất của tôi là giúp tất cả bạn trẻ khuyết tật trên đất nước, gạt bỏ rào cản về tâm lý để được đến trường.
Tôi chỉ mong khi xây dựng chính sách thì cần lấy tiếng nói của người khuyết tật để đáp ứng nhu cầu của họ. Tôi cũng mong muốn xã hội không cần “ưu tiên” với người khuyết tật mà chỉ cần trao cho họ cơ hội như những người bình thường khác như: được đi học, đi làm… thì tự họ sẽ tìm được con đường để đến với thành công.
Luôn muốn khẳng định và cống hiến
Bà Nguyễn Thị Thu Phương  (giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội)
Ảnh: V.T
Khi là giáo viên chủ nhiệm của Giang, tôi thấy Giang nghe và đọc nhiều, sau đó tổng hợp, tư duy, suy ngẫm và nhìn nhận vấn đề theo cách riêng của mình. Chính vì vậy, tôi không cố gắng truyền đạt cho em theo cách dạy thông thường mà khuyến khích, ủng hộ em tham gia các cuộc thi, các hoạt động, sự kiện thể hiện năng lực, bản thân, tạo thêm sự tự tin, trải nghiệm và niềm tin vào cuộc sống. Tôi ấn tượng nhất là sự trưởng thành, phát triển nhanh rõ rệt về kiến thức, tư duy, kinh nghiệm sống... của Giang từ khi bước chân vào trường đến khi tốt nghiệp THPT và cả lúc học ĐH. Khi là sinh viên, vẫn nội lực, tính cách đó, như sợ lãng phí thời gian nên từng giây, từng phút, Giang luôn muốn khẳng định và cống hiến cho cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương 
(giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội)
Chị Vương Ngọc Bích  (Ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình VN)
Ảnh: NVCC
Tỏa sáng ở sự lạc quan
Giang luôn chủ động trong công việc, thông minh và nắm bắt vấn đề rất nhanh. Khi dẫn dắt một chương trình về người khuyết tật, Giang có nhiều kiến thức và sự hiểu biết về họ, nên tạo được sự đồng cảm với khán giả. Đặc biệt là lợi thế về tâm lý khiến Giang có thể luôn tạo được cảm giác gần gũi, hòa nhập với mọi người. Giang tỏa sáng ở sự lạc quan. Cô luôn thường trực nụ cười và truyền cảm hứng tích cực cho người khác. Trước mỗi khó khăn, Giang luôn tìm ra giải pháp chứ không chịu khuất phục.
Chị Vương Ngọc Bích 
(Ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình VN)
Tự tin và nghị lực
Anh Lê Thế Hanh  (học viên cao học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội)
Ảnh: Ngọc Thắng
Tôi đã học cùng Giang 4 năm ĐH và nhận thấy Giang là người luôn tự tin và giàu nghị lực. Để học được khi không nhìn thấy hình ảnh, đòi hỏi phải có trí nhớ rất tốt. Giang chỉ học bằng cách ghi âm; đọc sách, tài liệu bằng nghe phát âm từ bảng chữ cái dành cho người khiếm thị nên rất khó khăn. Để nghe và ghép thành chữ là một việc rất mất công sức và phải tập luyện nhiều, nhưng Giang rất nỗ lực học tập và làm việc. Thời gian gần đây, Giang được dùng các phần mềm dịch văn bản thành âm thanh nên đỡ vất vả hơn. Dù khó khăn nhưng Giang vẫn học giỏi, thuộc nhóm dẫn đầu của lớp với kết quả 3,4/4 điểm và còn luôn là trưởng nhóm học tập với khả năng lãnh đạo và phân công công việc rất tốt… Giang luôn truyền cảm hứng cho mọi người ở sự tự tin và nghị lực.
Anh Lê Thế Hanh 
(học viên cao học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.