Sinh viên có tiếng nói trong Hội đồng trường!

13/11/2018 09:00 GMT+7

Hội đồng trường (HĐT) là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý khi trao đổi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng này thì về thành phần tham gia cũng đang là một vấn đề được dư luận quan tâm.

Về thành phần hội đồng trường, tại điểmb, khoản 3, điều 16 và điểm d, khoản 3, điều 17, có quy định về những thành viên đương nhiên của hội đồng trường đại học bao gồm bí thư cấp uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Dự thảo lần này có điều chỉnh khá lớn so với dự thảo lần trước khi điều chỉnh sự tham gia của các đoàn thể, đoàn thanh niên trong HĐT.

Nhưng cũng cần quan tâm hơn đến việc giao quyền tham gia Hội đồng này đối với sinh viên (SV). Cụ thể, cần xem xét đại diện SV hoặc cụ thể, đại diện Ban chấp hành Hội SV trường là SV đang học tại trường có thể tham gia hội đồng trường. Điều này là cần thiết với định hướng đổi mới giáo dục lấy người học làm trung tâm mà hiện nay nhiều trường có tổ chức hội SV.

Việc có SV tham gia Hội đồng trường sẽ có tiếng nói của các SV được lãnh đạo nhà trường lắng nghe. SV phải được có đại diện trong HĐT là hết sức cần thiết. Ở các nước, thành viên HĐT đều có mặt SV. Khi các trường đại học được tự chủ, HĐT là nơi có trách nhiệm giải trình với xã hội để minh bạch các quyết sách, chiến lược, kế hoạch.Vậy thì người đại diện cho bên liên quan nhất là người học phải có mặt.

Việc có SV tham gia Hội đồng trường sẽ có tiếng nói của các SV được lãnh đạo nhà trường lắng nghe
Nguyễn Lê Đình Quý

Ở các nước phát triển, Hội SV giữ một vai trò rất quan trọng trong việc thu thập ý kiến SV, phản ánh kịp thời với nhà trường. Mục đích là để SV thể hiện tiếng nói trong hội đồng trường. Trong tất cả các chiến lược phát triển của nhà trường, SV là đối tượng hướng tới của hoạt động đào tạo. Do đó, SV có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường. Chẳng hạn, hội đồng trường cũng có thể sẽ là nơi thông qua quy định học phí, SV là người nộp học phí, nên chắc chắn SV sẽ rất quan tâm đến vấn đề này và mong được trình bày ý kiến, nguyện vọng.

Đương nhiên khả năng mỗi SV khác nhau. Do đó quá trình tuyển chọn hay bầu cử phải bảo đảm để tìm ra người phù hợp nhất. Điểm mấu chốt là phải tạo ra các hạt nhân là các SV tiêu biểu, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng SV. Những hạt nhân này sẽ giúp nhà trường hiểu được tâm tư SV, đồng thời giúp SV cùng trang lứa hiểu được những định hướng của nhà trường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.