Sôi động lớp bóng đá kết hợp luyện tiếng Anh ở Sài Gòn

01/07/2016 09:22 GMT+7

'Good job! Come on, you can do it again!', 'Pass to me' là những câu vang lên đều trong lớp học tiếng Anh kết hợp chơi thể thao dành cho trẻ em ngay tại Sài Gòn.

Điều đặc biệt là lớp học không chỉ có trẻ em Việt Nam mà còn có những đứa trẻ mang quốc tịch Đức, Pháp, Úc, Anh.
Với tấm bằng A đạt được ở nước ngoài, cựu cầu thủ Phan Thị Anh Đào cùng người bạn mình - cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia Đoàn Thị Kim Chi - mở Trung tâm bóng đá cộng đồng iSoccer. Đây là sân chơi mới được nhiều phụ huynh trong nước và nước ngoài bảo nhau để cho con có được môi trường đào tạo chuyên kết hợp rèn luyện vốn tiếng Anh từ nhỏ.
Các bạn nhỏ được đóng vai làm huấn luyện viên hướng dẫn bạn khác tập bằng tiếng Anh
Từ chính sự tự ti và mặc cảm của bản thân khi giao lưu với những cầu thủ, huấn luyện viên nước ngoài, cựu cầu thủ Anh Đào quyết tâm đào tạo một thế hệ phải năng nổ, nhiệt thành và xông xáo hơn. Anh Đào cho biết: “Khi ra nước ngoài, tôi không biết check-in sân bay là gì và tôi không dám mở miệng trao đổi với những đồng nghiệp nước ngoài khác. Sau đó tôi đã quyết đầu tư cho chính mình và mong muốn những bạn trẻ Việt Nam sẽ khẳng định vị thế, tự tin hơn khi ở chung trong cộng đồng quốc tế”.
Nung nấu ý định đó, Anh Đào tự bỏ tiền để ra nước ngoài học tập, trau dồi. Sau 8 năm dạy ở Arsenal, cô bắt đầu thực hiện ước muốn của mình là mở một trường đào tạo chuyên nghiệp bằng tiếng Anh. Cô chi sẻ: “Tiếng Anh và thể thao nghe không liên quan nhưng thực chất ngôn ngữ là thứ phải sử dụng chứ không nằm trên giấy. Các bé ở đây được dạy giao tiếp và thuật ngữ đơn giản về bóng đá trong quá trình tập luyện và thi đấu, buộc chúng phải sử dụng để giao tiếp với nhau”.
Sau buổi luyện tập sẽ là màn thi đấu giữa các đội, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong thi đấu
“Trẻ em, mình phải làm cho nó mê, có hứng thú thì mới học được. Đầu tiên phải có niềm vui nên tôi thường tạo những trò chơi để tăng tính tò mò, khám phá. Vì đá banh là hoạt động đồng đội, 22 người chơi cùng 1 trái bóng thì buộc lũ trẻ phải nói chuyện với nhau, phải giao tiếp và học cách hoạt động nhóm”.
Mặc dù có nhiều trẻ ở nhiều nước khác nhau nhưng không có sự phân biệt đối xử lần kì thị. Ngược lại, chính vì được chơi cùng nhiều bạn bè ở các quốc gia khác ngay từ nhỏ mà những đứa trẻ trở nên tự tin và hòa đồng hơn. “Tôi dạy cho tất cả biết động viên, thay vì chỉ trích “You are the loser, you are so bad” thì chúng sẽ nói “Let’s try again. Good job” và đó là điều cốt lõi để đẩy bản thân và cả đội đi lên khi đang tiêu cực", Anh Đào cho biết.
Luôn có huấn luyện viên nước ngoài kèm theo trận đấu giữa các đội
Tổng giám đốc General Director Pacific Partners (VN), Ltd, Eckart Dutz, đã sống ở Việt Nam 10 năm và cho con theo học tại đây chia sẻ: “Tôi nghĩ tiếng Anh học càng sớm thì càng đỡ mất thời gian và thể thao là một trong những cách học ngoại ngữ tốt. Bản thân tôi là người Đức học tiếng Việt nhờ huấn luyện viên dạy tennis của mình”.
Là người từng giảng dạy ở các trường đại học, ông Eckart cho rằng sinh viên Việt Nam khá thiếu tự tin, thiếu đam mê và sự tò mò đặt câu hỏi. Bố mẹ Việt thường tập trung cho con vào danh tiếng trường, vào bằng cấp nhiều hơn cốt lõi năng lực. Ông nói: “Con tôi học trường quốc tế từ nhỏ nên tiếng Anh khá tốt. Việc học bóng đá giúp nó tư duy, làm việc nhóm và có khi nó như một thầy giáo nhỏ giúp những đứa trẻ khác nói tiếng Anh”.
Sau đó, các em sẽ được ôn lại bài tập và xem video các kĩ năng đá bóng bằng tiếng Anh
Theo ông Eckart, đây cũng là cách thức ông đẩy con trai xa dần khỏi thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng: “Ở Đức học phí miễn phí và những chương trình hoạt động như bóng đá cũng phổ biến và có môi trường để tổ chức hơn Việt Nam. Ở đây thì tôi phải lo chi phí rất nhiều cho con về các khoản hoạt động đó nhưng tôi thấy xứng đáng vì trẻ con cần hoạt động, học tập, tư duy thông qua việc vui chơi nhiều hơn là thuộc lòng. Cô Đào là huấn luyện viên tốt nhất của con tôi trong suốt 6 năm qua vì cô ấy biết cách phối hợp giữa kỉ luật và sự hài hước. Đó là một huấn luyện viên có tâm và tầm giúp lũ trẻ yêu bóng đá và nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của mình”.
Phần thảo luận nhóm về các kĩ thuật chính được học và được xem từ trong video
Từng nhóm thuyết trình bằng tiếng Anh lại những gì đúc kết sau xem video
Huấn luyện viên Anh Đào chỉ cho lớp kĩ năng mới
Huấn luyện viên - cầu thủ nước ngoài dặn dò và động viên kết thúc buổi học
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.