Sóng nào là Sóng của Xuân Quỳnh?

10/06/2008 16:50 GMT+7

Theo phản ảnh của nhiều học sinh, có đến... 2 bài thơ Sóng của cố nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trong sách giáo khoa 12. Một ở quyển Ngữ văn 12, tập 1, SGK thí điểm ban Khoa học tự nhiên bộ 2 và một trong các sách Ngữ văn 12 khác!

Trong đề thi tốt nghiệp THPT 2008 phân ban, phần II (phần dành cho thí sinh từng ban), có 2 câu 3a và 3b cho thí sinh ban Khoa học tự nhiên (KHTN) lựa chọn. Câu 3a (5 điểm): Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh, và trích đoạn:

Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam,
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh - một phương.

Toàn bộ nội dung của đoạn thơ này được trích từ Ngữ văn 12, tập một, SGK thí điểm ban KHTN, bộ 2 trang 113-114, NXB Giáo dục - 2005. Nhưng, điều đáng nói là nó lại có nhiều khác biệt so với đoạn thơ được đăng ở quyển Ngữ văn 12, tập một, SGK thí điểm ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH và NV).

Trong sách Ngữ văn 12 ban KHTN, bài Sóng của Xuân Quỳnh được in với quá nhiều dấu chấm và dấu phẩy. Cứ một câu thơ xuống dòng là có dấu phẩy, ngắt một đoạn lại có dấu chấm. Tổng cộng, trong toàn bài thơ của Xuân Quỳnh có đến 24 dấu phẩy và 9 dấu chấm.

Trong khi đó, sách của ban KHXH và NV thì chỉ có duy nhất hai dấu chấm hỏi (?) (ở 2 câu "Từ nơi nào sóng lên?", "Gió bắt đầu từ đâu?"), và một dấu chấm hết cuối bài thơ.

Đối chiếu bài thơ này, được in ở nhiều quyển Ngữ văn khác, bao gồm các quyển Ngữ văn 12 do chính NXB Giáo dục xuất bản như: SGK thí điểm ban KHTN bộ 1 (2005), Ngữ văn 12 nâng cao tập 1 (2008), Văn học 12 tập một (in năm 2000, dành cho học sinh đại trà)... tất cả đều in bài Sóng của Xuân Quỳnh hoàn toàn giống bản in của sách Ngữ văn 12 ban KHXH và NV.

Chưa hết, ở câu thơ "Dẫu xuôi về phương Bắc/Dẫu ngược về phương Nam", trong sách ban KHTN thì 2 chữ "bắc" và "nam" không được viết hoa, các sách còn lại của các ban thì lại viết hoa.

Vậy, Sóng in ở sách ban KHTN bộ 2 và các sách Ngữ văn 12 khác, bài thơ nào mới thực sự là Sóng của Xuân Quỳnh?

Thêm một điều đáng nói nữa về đội ngũ biên soạn lẫn NXB Giáo dục, đó là cả 2 quyển của ban KHTN, KHXH và NV (thí điểm bộ 2) đều có chung một hội đồng biên soạn gồm: Phan Trọng Luận, Trần Đăng Suyền, Bùi Minh Toán, Lê A, Đặng Hiển, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Kim Hồi, Nguyễn Xuân Lạc, Đoàn Đức Phương, Vũ Dương Quỹ, Hà Bình Trị. Và người biên soạn cho bài Sóng của cả 2 quyển SGK này đều là Đặng Hiển.

Theo nhiều chuyên gia trong công tác biên soạn, xuất bản các tác phẩm văn học là lĩnh vực hết sức đặc thù, nên việc biên soạn một tác phẩm phải tuân thủ theo nguyên tắc giữ đúng nguyên bản của tác giả; nếu có sửa, chỉ có quyền can thiệp khi có sai sót về lỗi chính tả. Việc đặt dấu chấm, phẩy ở đâu là có ý đồ nghệ thuật riêng của tác giả. Chỉ cần đặt sai một dấu chấm câu, ý nghĩa của câu đã bị hiểu lệch ý đi rất nhiều. Việc đem dấu câu đặt vô tội vạ trong một tác phẩm thơ thể hiện sự cẩu thả không thể chấp nhận được.

Đây lại là một tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy của học sinh 12, vì vậy, nếu SGK nào sai sót, NXB Giáo dục phải đính chính hoặc thu hồi. Đằng này, những quyển sách với quá nhiều lỗi như vậy vẫn được bán ra cho học sinh.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.