Sốt ruột với đổi mới chương trình - sách giáo khoa

09/03/2014 09:00 GMT+7

“Nước đến chân rồi”, “không thể chờ và đợi”, “sốt ruột”... là những cụm từ được lặp lại nhiều lần trong hội nghị tham vấn các chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa sau 2015 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng qua (8.3).

“Nước đến chân rồi”, “không thể chờ và đợi”, “sốt ruột”... là những cụm từ được lặp lại nhiều lần trong hội nghị tham vấn các chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa sau 2015 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng qua (8.3).

 Sách giáo khoa
Nhiều ý kiến đồng tình với việc có một chương trình, nhiều bộ SGK sau khi thực hiện đề án đổi mới giáo dục - Ảnh: Ngọc Thắng

Đụng vào đâu cũng... thiếu

PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng (UB VHGDTTN-NĐ) của Quốc hội cho rằng giáo viên và cơ sở vật chất là 2 yếu tố cấu thành chất lượng. Vì vậy, để thực hiện được đề án chương trình - sách giáo khoa (SGK), bà Tâm Đan đề nghị cần có 2 đề án song song khác là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai SGK mới.

Bà Tâm Đan cũng tỏ ra lo lắng khi đề án mà Bộ GD-ĐT soạn thảo chỉ thấy vạch ra các vấn đề chuyên môn mà không đả động gì đến vấn đề tài chính, ngân sách. Mức chi tài chính cho giáo dục vẫn ở mức 20% ngân sách mà giờ “vù vù” lên hiện đại là khó. “Nên xây dựng một đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng những đề án cụ thể” - bà Tâm Đan đề nghị.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB VHGDTTN-NĐ của Quốc hội chỉ ra rằng việc chuẩn bị cho đổi mới căn bản toàn diện đang quá cập rập. “Chúng ta đang thiếu những nghiên cứu về lý luận phát triển chương trình và biên soạn SGK cùng đội ngũ chuyên nghiệp làm chương trình - SGK”. GS Nguyễn Minh Thuyết còn chỉ ra những điều kiện cơ bản khác để đổi mới cũng đang trong tình trạng “nước đến chân” mà chưa biết “nhảy” ra sao như công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Phải xây dựng chương trình theo hướng nhiều bộ SGK

Vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm tại hội nghị là một hay nhiều bộ SGK.

“Đề án không thể xây dựng trên cơ sở giả thiết chỉ có một bộ SGK như từ trước đến nay” - GS Thuyết nói. GS Thuyết cho rằng nếu có nhiều bộ SGK thì việc xây dựng chương trình phải thật chi tiết, thậm chí giáo viên khi có trong tay chương trình đó là đã có thể chuyển hóa ngay thành bài dạy của mình. Có như vậy, xã hội mới căn cứ vào đó viết nhiều bộ SGK được.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VHGDTTN-NĐ của Quốc hội cũng tán thành nên có một chương trình chuẩn, chi tiết và nhiều bộ SGK. “Quyết định này phải được đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, sẽ sửa luật” - ông Thi nói. Tuy nhiên, ông Thi cho biết nhiều ý kiến hiện ủng hộ theo hướng dù có nhiều bộ SGK nhưng phải có một bộ SGK chuẩn do nhà nước biên soạn và ban hành. Tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn cả bộ hoặc một số cuốn SGK khác mà họ thấy cần thiết. Tuy nhiên, tất cả những cuốn SGK trước khi được lưu hành đều phải được Bộ GD-ĐT thẩm định.

Sẽ có địa phương nằm ngoài công cuộc đổi mới?

Bộ GD-ĐT dự kiến chương trình, SGK mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục. Những trường chưa đủ điều kiện phải nhanh chóng bổ sung để có đủ điều kiện... Điều này khiến GS Nguyễn Minh Thuyết không khỏi ngỡ ngàng và thốt lên: “Nếu được quyết định thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện. Định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8?”.

Cũng tỏ ra sốt ruột với cách thức thực hiện đề án, PGS Văn Như Cương nhận định: “Dù Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông, nhưng kinh nghiệm cho thấy thời gian đó sẽ phải kéo dài đến 2024. Khoảng 10 năm để chúng ta làm thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được. Trong khoảng thời gian đó nếu xảy ra một cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới thì chúng ta xử lý như thế nào khi cuộc cách mạng về giáo dục của ta chưa kịp hoàn thành?”.

Đặc biệt, PGS Cương tỏ ra quyết liệt phản đối cách thức đổi mới chương trình - SGK theo kiểu “cuốn chiếu” mà Bộ GD-ĐT dự kiến. Ông cho rằng nên cương quyết thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển băn khoăn với đề xuất này của PGS Cương khi cho rằng: chưa thể hình dung việc thay sách đồng loạt sẽ phải thực hiện như thế nào.

Hai giai đoạn

Dự thảo "Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015" mà Bộ GD-ĐT xây dựng chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, năm 2014 - 2015 sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình và SGK. Biên soạn SGK thử nghiệm các lớp 1, 6 và 10. Giai đoạn 2016 - 2022, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình - SGK mới và tiếp tục biên soạn thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại; hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá.

Tuệ Nguyễn

 >> Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
>> Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
>> Sách giáo khoa phải giàu tính ứng dụng
>> Nhật đưa quần đảo tranh chấp vào sách giáo khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.