Sự phẫn nộ của những người tố cáo tiêu cực

17/09/2006 22:09 GMT+7

Ngay trong buổi sáng 17/9, hàng loạt cú điện thoại của bạn đọc đã gọi đến Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ xung quanh câu phát biểu thiếu cẩn trọng của ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - trong cuộc họp Hội đồng sư phạm tại Trường THPT Lê Quý Đôn chiều 16/9.

Chiều cùng ngày, nhiều giáo viên đã "cụ thể hóa" sự bức xúc của họ thành văn bản gửi đến các cơ quan chức năng. Chúng tôi xin trích đăng một số nội dung đáng chú ý...

Thư của những người thầy

Kính gửi: ...

Câu nói của ông Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương làm tôi nhớ lại, sau khi sự kiện chạy trường tại Trường LQĐ bị phát hiện, tôi đã nghe câu nói này, từ một người đồng nghiệp cao niên mà tôi rất mực quý trọng và tôi đã bật khóc. Và bây giờ tôi càng hiểu rõ hơn vì sao mà ngành GD thành phố ra nông nỗi như thế này! Vì sao mà biết bao vụ tiêu cực tai tiếng đang diễn ra hàng ngày, nhất là đầu năm học, trong ngành GD vẫn rơi vào im lặng đáng sợ? Nào là vấn nạn chạy trường. Nào là ép học sinh (HS) đi học hè, ép HS học tăng tiết (thực chất là học thêm trá hình), ép HS mua đồng phục của trường (mà mỗi năm một kiểu) với giá cao mà chất lượng lại kém, ép HS phải mua những cuốn sách thực hành không nằm trong bộ sách GK của Bộ GD-ĐT (thực hành Lịch sử 9, thực hành GDCD 9… do ông Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh tổ chức biên soạn, thực chất chỉ là những câu hỏi lấy từ sách giáo khoa). Những việc như thế lẽ nào Sở GD-ĐT không hề hay biết? Và khi ông Chương thốt lên những lời, mà ông cho là "bột phát", có phải vì theo ông việc bán chỗ ngồi trong trường học và những vụ tiêu cực đã xảy ra từ lâu rồi và trường nào mà chẳng có, ông xem chuyện chạy trường là bình thường đâu có gì mà ầm ĩ. Bà Vân bị phát hiện, bị tố cáo là vì có người muốn hại bà Vân thôi, nên bà Vân thật đáng thương? Còn số phận của hàng trăm giáo viên, hàng ngàn HS LQĐ đang chịu nỗi đau buồn nặng nề và danh dự của ngành GD bị xúc phạm do bà Trần Thanh Vân cùng các đồng sự thân tín (bà Hòa, bà Hương) gây ra thì có đáng thương không hỡi ngài Phó giám đốc Sở?

Tôi thấy cảm thông và rất lo lắng cho ông tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Liệu rồi ông có đủ sức chống chèo đưa con thuyền GD vượt qua được những thác ghềnh đen tối để vươn ra biển lớn khi mà vẫn còn có một số cán bộ chủ chốt trong ngành GD xem những người tố cáo tiêu cực là "giậu đổ bìm leo"? Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Đà Nẵng 1997 trang 383 giải thích giậu đổ bìm leo: "Ví trường hợp thừa lúc người ta gặp rủi ro, thất thế mà vùi dập lấn lướt". Vậy thì ai là giậu, ai là bìm ở đây?! Chẳng lẽ ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, công luận, báo chí, các giáo viên và phụ huynh HS đã dũng cảm tuyên chiến với tiêu cực lại là bìm (theo từ điển: Bìm là cỏ dại)?! Ai đã thương cảm, tình nguyện đứng đằng sau hậu thuẫn và chống đỡ hàng giậu Trần Thanh Vân - Nguyễn Thị Quế Hương? Họ bị rủi ro à? Phải chăng người ta lo sợ hàng giậu Trần Thanh Vân đổ sẽ làm lộ ra nhiều bí ẩn đã và đang được che giấu phía sau hàng giậu ấy?! Nếu không đánh đổ tận gốc hàng giậu này thì liệu kết quả chống tiêu cực tại Trường LQĐ sẽ đi đến đâu? Hay hậu quả là những người chống tiêu cực lại trở thành thân phận của dây bìm bìm bị chà đạp?!

Với cương vị PGĐ Sở GD-ĐT, là người đã cùng bà Trần Thanh Vân đến làm việc với Báo Thanh Niên, trực tiếp tiếp xúc với những giáo viên, phụ huynh tố cáo tiêu cực, và là người theo dõi giải quyết tiêu cực tại Trường LQĐ ngay từ đầu, chúng tôi không thể tin lời phát biểu của ông Nguyễn Hoài Chương trước tập thể giáo viên Trường LQĐ là "bột phát với mong muốn lập lại sự bình ổn trong trường" (Báo Pháp luật TP.HCM, ngày 17.9.2006). Liệu có bình ổn được không hay càng gây nên sự bất bình trong dư luận?!        

(Đoàn Thị Việt Thủy -
Cựu giáo viên Lê Quý Đôn và các đồng nghiệp đang dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn)

Thư của một phụ huynh

Tôi vừa đọc bài báo: Đoạn kết không yên tĩnh! của Báo Thanh Niên đăng ngày 17.9 phản ánh về sự lộn xộn trong cuối phiên họp Hội đồng sư phạm Trường Lê Quý Đôn do ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD - ĐT kiêm Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn chủ trì. Theo đó thì sự lộn xộn này phát sinh là do có một số giáo viên muốn được phát biểu (nhóm đã từng đứng đơn tố cáo bà Trần Thanh Vân) nhưng không được ông Chương chấp nhận và khi họ vẫn cố lên diễn đàn để phát biểu thì bị một số giáo viên khác cản trở. Đặc biệt lời nhắc nhở bao hàm ý răn đe của ông Chương "đừng để chuyện "giậu đổ, bìm leo" trong cuộc họp đã khiến bùng phát sự tức giận của những vị giáo viên đang tham gia chống tiêu cực tại trường. Rất dễ dàng hiểu được cảm xúc của những vị giáo viên này… Câu thành ngữ quen thuộc: "Giậu đổ bìm leo" thường được nhiều người hiểu như là sự cảnh báo một thói xấu của kẻ cơ hội. Bởi vậy rõ ràng câu nói của người đang tạm giữ chức cao nhất trong Trường Lê Quý Đôn vào thời điểm đầy tính nhạy cảm này có gì đó không hợp lẽ. Bởi vì chuyện tiêu cực ở Trường Lê Quý Đôn xảy ra từ nhiều năm nay mà đặc biệt chuyện "chạy điểm", "chạy trường" tồn tại làm nhức nhối cả xã hội thế nhưng rõ ràng là không ai làm gì được vì "không có bằng chứng" (có phải dễ dàng gì mà chụp ảnh và ghi âm được) và quan trọng nhất là thế lực của những kẻ tiêu cực mạnh quá, đằng sau đó có những thế lực che chắn mạnh quá. Gương tày liếp như cô giáo Nguyễn Thanh Hằng vì dám tố cáo tiêu cực lên Sở mà bị kỷ luật buộc thôi việc. Tôi không thể nào quên được giọng nói đau đớn, chua xót của cô giáo Hằng khi kể chuyện: ngay trong khi cô đang mặc áo dài tham dự buổi lễ khai giảng mà người ta dùng áp lực đuổi cô ra khỏi Trường Lê Quý Đôn trong khi cô cho mình không hề có tội. Bởi vậy nếu không có đoạn băng ghi âm quý giá đó thì những vụ việc tiêu cực ở Trường Lê Quý Đôn sẽ mãi mãi chìm vào màn đêm. Như vậy hỏi làm sao những phụ huynh, những giáo viên dù  tức giận với tiêu cực đến đâu cũng khó lòng mà lên tiếng. Nhưng bây giờ khi công luận đã lên tiếng, pháp luật đã vào cuộc, bước đầu những người có dấu hiệu dính đến tiêu cực đã tạm thời bị đình chỉ công tác thì việc ngày càng có những phụ huynh hoặc giáo viên lên tiếng tố cáo  là điều đáng mừng vì chứng tỏ sự dân chủ đã được thực thi, người dân đã có nơi để đấu tranh cho điều minh bạch phải trái trong xã hội. Vậy làm sao lại cho rằng đó là hiện tượng "Giậu đổ bìm leo" được? Không có lẽ những người đi đấu tranh chống tiêu cực là vì muốn chiếm đoạt cái ghế đầy quyền lực của bà Vân, bà Hương? Ông Chương nghĩ thế nào lại thốt ra câu nói "kỳ lạ" như vậy?

Trần Diệu Hiền
(220/150/31 Lê Văn Sỹ P.14, Q.3) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.