Tại sao không thực hiện xong trong năm 2005?

17/05/2005 22:07 GMT+7

Ngày 15/11/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt đề án thực hiện Chương trình kiên cố hóa (CTKCH) trường, lớp học, nhằm mục đích phủ kín các trường, lớp kiên cố từ ngành học mầm non đến giáo dục phổ thông trong cả nước. Theo đó đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học 3 ca, và đến năm 2005 không còn lớp học tạm tranh-tre-nứa-lá. Sau 3 năm thực hiện, kết quả là khả quan nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra.

Cách đây gần 10 năm, trong một chuyến đi công tác đến Cao Bằng với nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Minh Hạc, chúng tôi đến một trường tiểu học được giới thiệu: đây là một trong số ít trường đã được kiên cố hóa. Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trường thì phát hiện ra... ngay sau lưng những lớp học mới xây có mấy bước chân đã lộ ra một dãy lớp học tranh-tre-nứa-lá rất cũ kỹ. Thì ra vì "căn bệnh" thành tích mà nhà trường đã "ém" số lớp học ấy đi !

Cũng chính do căn bệnh thành tích đó mà sau khi nhận được thông báo của Ban Chỉ đạo CTKCH yêu cầu các địa phương đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất trên phạm vi toàn ngành, thì nhiều địa phương đã không thống kê hết số phòng học tạm tranh-tre-nứa-lá. Chỉ đến khi ban chỉ đạo công bố số tiền đầu tư cho các địa phương dựa trên số phòng học tạm mà các địa phương đã đưa lên để xây dựng phòng học kiên cố, thì nhiều địa phương mới "ngã ngửa người".

Theo con số của Ban Chỉ đạo CTKCH, sau hơn 2 năm thực hiện, tổng số phòng học các địa phương đã triển khai xây dựng là 40.460 phòng, đạt tỷ lệ 68% so với phòng học cần xây dựng theo báo cáo của các địa phương tháng 8.2002. Trong đó, số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng mới đạt tỷ lệ 48,6%, dự kiến đến tháng 4.2005 đạt tỷ lệ 53,4%. Vẫn còn 11 địa phương triển khai tiến độ xây dựng mới đạt 40%, phần lớn là các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa như Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Kon Tum, Đắk Lắk... Tại hội nghị "Đẩy mạnh tiến độ thực hiện CTKCH trường, lớp học các tỉnh phía Bắc" do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, nhiều địa phương thừa nhận: không thể hoàn thành tiến độ xây dựng kiên cố hóa trong năm 2005 theo yêu cầu của Chính phủ. Nguyên nhân thì có nhiều, và một trong những nguyên nhân chính là số liệu điều tra số trường, lớp tranh-tre-nứa-lá của cả 4 cấp tại thời điểm tháng 8.2002 mà các địa phương báo cáo khác xa so với những con số thực tế của năm 2003, 2004. Lý do khác là theo định mức đầu tư đại trà 60 triệu đồng/phòng học thì với một số tỉnh miền núi, vùng cao không thể xây dựng đủ phòng học kiên cố. Nhiều trường ở các xã vùng cao của Lào Cai đặt ở nơi có độ dốc lớn. Số tiền 60 triệu đồng chỉ đủ kinh phí san tạo mặt bằng, cũng do địa hình hiểm trở nên đơn giá xây dựng rất cao, ví dụ theo tính toán của Lào Cai, bình quân 1 phòng học lên tới 160 triệu đồng.

Xung quanh mức hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng/phòng học, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ đơn giá bình quân cho các khu vực, cụ thể: 70 đến 90 triệu đồng/phòng học cho các điểm trường giao thông thuận tiện; 90 đến 110 triệu đồng cho các điểm trường xa đô thị; 110 đến 150 triệu đồng cho các điểm trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ GD-ĐT lại có vẻ "dè dặt" hơn với 2 phương án: 70-80 triệu đồng/phòng học cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Nam Bộ; 110-120 triệu cho các tỉnh đặc biệt khó khăn. Mức 90-100 triệu đồng cho các tỉnh còn lại.

Theo Ban Chỉ đạo CTKCH, từ nay cho đến hết năm 2005 các địa phương phải hoàn thành tiến độ xây dựng phòng học kiên cố theo số liệu đã thống kê tháng 8/2002. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều địa phương, Chính phủ cho phép những tỉnh nghèo sang đến năm 2006, và tiếp tục thực hiện chương trình này trong những năm tiếp theo để hỗ trợ cho các địa phương phủ kín kiên cố hóa trường lớp, và đầu tư các trang thiết bị phòng học.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.