Thầy giáo của đồng bào Giẻ Triêng

19/11/2016 20:30 GMT+7

Bằng nỗ lực và lòng yêu nghề, thầy giáo trẻ Lê Đình Thường (Trường Tiểu học và THCS Phước Thành, H.Phước Sơn, Quảng Nam) mang con chữ đến với các em nhỏ đồng bào Giẻ Triêng.

Năm 1997, vừa ra trường, thầy Thường xin lên xã Phước Thành công tác. “Mỗi lần muốn đi vận động học sinh cũng mất nửa ngày đường. Nhiều lúc nản chí, muốn trở về dưới xuôi. Nhưng chứng kiến cảnh từng em nhỏ oằn lưng cõng gạo vào bãi vàng thì quyết tâm làm cho bằng được”, thầy Thường kể. Nghĩ là làm, thầy vận động người dân chặt tre, chặt nứa để dựng phên, rồi đi xin những tấm bạt cũ, vài tấm ván che chắn xung quanh để làm lớp học cho các em. Lớp thì đã có, nhưng để vận động được các em đi học mới chính là vấn đề. “Ở đây, các em theo chân cha mẹ đi làm rẫy, cái ăn còn quan trọng hơn cái chữ. Vì vậy vận động để họ cho con đi học vô cùng khó khăn”, thầy Thường tâm sự.

tin liên quan

Ngày Nhà giáo nhưng cô không có niềm vui
Đó là hoàn cảnh đáng thương của cô giáo Phạm Thị Tú Trinh, giáo viên dạy môn văn tại Trường THPT Phú Quốc (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). 


Bằng tâm huyết, thầy Thường đã dần khích lệ gia đình các em quan tâm đến việc học hành của con trẻ, đã truyền được tình yêu con chữ đến với học sinh đồng bào Giẻ Triêng. Vì vậy các em đi học chuyên cần hơn, số học sinh tham gia lớp học cũng khá đầy đủ. Để hiểu được học trò, thầy chịu khó học tiếng của đồng bào. Cứ thế, con chữ cũng dần len lỏi giữa những nhọc nhằn mưu sinh của dân bản.
Theo thầy Thường, khó khăn nhất vẫn là những ngày đầu tập cho các em với ngôn ngữ tiếng phổ thông. “Để dạy chữ cho các em học sinh ở đây, trước hết mình dạy bằng tiếng đồng bào, sau đó lại dịch ra tiếng Kinh để giúp các em có thể hiểu được cả hai thứ tiếng”, thầy Trường nói thêm. Có những lần học sinh đang học giữa chừng, khi về nghỉ hè lại theo chân những người làm vàng ở bãi không chịu đi học nữa. Những lần như thế, thầy Thường lại phải nhờ già làng dẫn lối tìm đến bãi để đưa học sinh mình về. “Vừa đi vừa run, bởi ở đấy toàn là đầu gấu, xem mạng người như cỏ rác. Nhưng để như thế thì tội các em quá nên đánh liều, thử thuyết phục”, thầy Thường cười nói.

tin liên quan

'Thầy giáo chuyên làm học trò khóc'
Bằng những câu chuyện đầy cảm động và thấu hiểu chính các học trò, người thầy giáo này đã 'đánh thức' những tình cảm, nỗi ân hận vì những lỗi lầm của các học trò thân thương...

Ông Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành cho biết: Thầy Thường là người tiên phong, cũng là người đầu tiên cắm bản khi trường bản mới được xây dựng. Hết lòng vì học sinh nên thầy rất được học sinh và đồng nghiệp yêu quý và kính trọng. Mới đây, thầy Thường là 1 trong 2 giáo viên tỉnh Quảng Nam được nhận giấy khen của T.Ư Đoàn khen tặng giáo viên có thành tích xuất sắc trong phong trào giáo dục và giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa lâu năm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.