Thầy trò thời mạng xã hội: Tìm được thầy giáo 'hách dịch nhất quả đất' nhờ mạng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/11/2019 21:18 GMT+7

'Sau hai chục năm mất liên lạc với thầy, bỗng một ngày thông qua mạng xã hội , mình đã tìm thấy ông thầy hách dịch nhất quả đất của lớp mình năm xưa. Mình thấy thầy vẫn còn xì tin lắm'.

Thầy cho cả lớp “ăn ngỗng”

Nguyễn Thu Thủy (giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết, cách đây chưa lâu mình đã tìm được nhiều thầy cô giáo cũ từ thời tiểu học, trung học nhờ mạng xã hội. “Mình học xong ĐH là vào Nam làm việc. Đến nay cũng được gần 20 năm rồi. Hồi tháng 8 trường THCS của mình tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Do đúng vào thời điểm mình bận công việc không về được, nên mình chỉ đành xem “truyền hình trực tuyến” qua Zalo và Facebook. Tình cờ mình thấy có comment của một người tên Thắng, avatar là tóc bạc trắng kèm nụ cười mà mình nhìn là nhận ra ngay thầy giáo dạy toán của mình năm lớp 8. Thế là mình lập tức vào kết bạn, nhắn tin với thầy. Thật vui vì sau khi nghe mình giới thiệu, thầy nhớ ra ngay, vì ngày xưa mình học toán giỏi nhất nhì lớp, và có đặc điểm là bé nhất lớp”.
Thủy cho biết hai thầy trò vừa “chat", vừa vào group của lớp để comment, kể lại biết bao nhiêu chuyện cũ. “Hồi đó thầy nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường, bị mang danh hiệu 'hách dịch nhất quả đất'. Cứ đến giờ của thầy là cả lớp sợ xanh mặt, ai cũng lo bị lên bảng làm bài. Thế nhưng càng cúi gằm mặt để tránh, thầy càng gọi. Có vài bạn lần sau không cúi gằm mặt nữa mà… ngẩng mặt lên tỏ vẻ tự tin để thầy nghĩ 'chắc nó học bài rồi, không gọi nó', ai dè thầy như 'đi guốc vào bụng', bèn gọi lên hết. Có hôm đến nửa lớp bị 'ăn ngỗng' (điểm 2). Nhưng điểm đó thầy không lưu vào sổ. Nghĩ lại thấy thầy đúng là rất thương tụi mình”, Thủy chia sẻ.
Sau khi những bức ảnh cắm trại từ năm lớp 8 chụp cả lớp được post lên, thầy vào nhận mặt từng học sinh. “Đây là Tuấn Nguyễn nghịch nhất lớp, bên cạnh là Tuấn Trần hiền như con gái. Còn đây là Thủy bé nhất mà học giỏi nhất. Cái cậu chống tay vào sườn, dáng đứng hết sức sân si này là Toàn lé đúng không các em?…”. Thủy cho biết comment đó của thầy có đến 23 thành viên vào thả mặt cười ha ha. "Thầy em vẫn còn xì tin lắm" là lời nhận xét của lớp dành cho thầy của Thủy.
Không chỉ tìm thấy thầy dạy toán, qua các lượt like, comment, Thủy còn nhận ra thầy dạy sinh học và cô giáo dạỵ văn. "Nếu không có mạng xã hội kết nối, chắc tụi mình khó có thể được cùng nhau sống lại những kỷ niệm đáng yêu một thời. Nhìn thấy thầy cô vẫn khỏe mạnh, bạn bè thân ái, mình rất hạnh phúc”, Thủy cho biết.

Điểm 10 văn hiếm hoi

Trong khi đó, Nguyễn Hạnh Xuân, cựu học sinh Trường THCS Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM có lần lên Facebook thử tìm thầy dạy văn của mình bằng cách gõ tên thầy. Nhưng Facebook hiện ra hàng trăm tài khoản trùng tên. Kiên trì bấm vào từng người, cuối cùng Xuân cũng tìm ra được thầy với Facebook chỉ vỏn vẹn vài status kiểu như “Nay cháu ngoại đã biết lật rồi”, hay “Mời các bạn xem hình ảnh lễ hội quê tôi”. Sau khi kết bạn, nhắn tin cho thầy, phải đến... một tuần sau Xuân mới nhận được hồi âm. Thầy thể hiện sự vui mừng vì tìm ra được cô học trò “thất lạc” gần ba chục năm trời.
Xuân kể: “Thầy năm nay 60 tuổi, đã có 2 cháu ngoại. Con gái thầy sống ở xa nên lập giùm thầy Facebook để gọi điện bằng video cho tiện. Tôi không ngờ thầy vẫn nhớ buổi kiểm tra miệng hôm nào, dù thầy dạy hàng ngàn học sinh. Đó là năm lớp 8, buổi trước học tác phẩm Mặt trời bé con của tôi của nhà văn Thùy Linh, thì buổi sau thầy kiểm tra miệng đầu giờ. Tôi được thầy gọi lên bảng. Thầy hỏi đúng 2 câu cực kỳ ngắn gọn về tác phẩm này, tôi nhớ có câu 'hình ảnh ẩn dụ trong bài là gì', và tôi cũng trả lời còn ngắn gọn hơn thầy. Thầy nói '10 điểm về chỗ', cả lớp ngơ ngác vì chưa đầy 2 phút mà tôi đã kiểm tra xong lại còn được 10 điểm”.
Theo Xuân, thầy không chỉ cưng cô học trò giỏi văn về khả năng cảm thụ văn học, mà còn rất giỏi đánh cầu lông. Giờ ra chơi, thầy cùng một nhóm học trò vẫn "thi thố” cầu lông cùng nhau, và những màn thầy “tranh tài” với Xuân luôn được mọi người hò reo vì cả 2 thầy trò chơi mãi mà cầu không rớt!
“Cảm xúc tìm thấy thầy, rồi trò chuyện với thầy vui lắm. Ngày xưa thầy dạy mình, bây giờ có nhiều cái thầy lại bắt mình 'dạy' lại như cách đăng ảnh lên mạng xã hội để có nhiều like, cách tìm kiếm bạn bè cũ, cách chia sẻ thông tin cho một nhóm người, cách lập group trò chuyện. Nhiều lúc thầy làm mình cười ha ha vì độ xì tin khi chơi Facebook của thầy”, Hạnh Xuân thích thú chia sẻ.
Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy mạng xã hội đã giúp cho các bạn tìm lại được bạn bè, thầy cô vốn đã mất liên lạc từ lâu. Để rồi, thông qua mạng xã hội, các bạn được sống lại với những kỷ niệm khó quên của thời áo trắng; được tiếp tục chia sẻ, tri ân thầy cô của mình.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.