Thêm một năm THCS? - Kỳ 1: Chưa thấy lợi ích, chỉ thấy xáo trộn

25/08/2014 09:10 GMT+7

Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông được bàn luận tại phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục vào giữa tuần trước đã khiến dư luận ngạc nhiên khi đột ngột đề xuất thêm 2 phương án xác định lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục cơ bản thực hiện trong 10 năm học (5 năm tiểu học - 5 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) chỉ còn 2 năm; hoặc giữ như hiện nay (5 năm tiểu học - 4 năm THCS - 3 năm THPT). Trong đó Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chọn phương án 1.

Cấu trúc lại số năm học phổ thông là một thay đổi lớn, nền tảng,  ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này liên quan đến luật Giáo dục hiện hành, đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, tâm sinh lý học sinh... Với tầm quan trọng đó, nhiều chuyên gia cho rằng những điều này phải được tính toán, bàn bạc trước khi nói đến chuyện thay đổi chương trình - sách giáo khoa chứ không thể mập mờ để vào một đề án không liên quan.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Thanh Niên mở diễn đàn lấy ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn.

***

Chưa thấy lợi ích, chỉ thấy xáo trộn

Cả 3 lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều không thuyết phục khi đề nghị Chính phủ chọn phương án giáo dục tiểu học được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5; THCS từ lớp 6 đến lớp 10; THPT từ  lớp 11 đến lớp 12. Cấp tiểu học và THCS gọi là giáo dục cơ bản, còn cấp THPT là định hướng nghề nghiệp.

Thêm một năm THCS?
 Giáo viên lớp 9 Trường THCS Lý Phong, Q.5 (TP.HCM) hướng dẫn phụ huynh chọn hướng đi cho con sau bậc THCS - Ảnh: Minh Luân

Không thể giải quyết được vấn đề phân luồng

Nói về lý do thay đổi các năm học, dự thảo chỉ giải thích là nếu có thêm 1 năm cho giáo dục cơ bản thì “sẽ khắc phục được những khó khăn về trang bị kiến thức phổ thông nền tảng và phân luồng trong giáo dục cơ bản, phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển”. Nhưng theo tôi, cả 3 lý do này đều không thuyết phục.

Trước hết, theo đánh giá của dự thảo đề án thì một trong những hạn chế cơ bản của chương trình hiện hành là “mới chỉ chú trọng việc truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh”. Dư luận cũng thường kêu chương trình hiện hành còn “kinh viện”, “quá tải”, nhất là ở THPT. Không hiểu đề nghị kéo thêm 1 năm THCS để trang bị cho đủ kiến thức và kỹ năng có phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là “chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học” không? Và việc rút ngắn 1 năm sẽ ảnh hưởng đến chương trình THPT như thế nào? Cả trong chương trình hiện hành lẫn trong chương trình mới, THPT đều là bước chuẩn bị quan trọng cho học sinh vào ĐH, CĐ.

 

Tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa Bộ GD-ĐT mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, sẽ không tránh khỏi việc chuẩn bị cả 2 việc đều không thấu đáo

Hiện tại, THPT có 3 năm mà phần lớn các trường ngay từ đầu cấp đã dạy bớt chương trình, bớt những môn, những nội dung không thi tốt nghiệp. Trong tương lai, nếu THPT chỉ còn có 2 năm, không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển như thế nào.

Việc thêm 1 năm THCS chắc chắn không giải quyết được vấn đề gì trong việc phân luồng sau THCS. Để giải quyết vấn đề phân luồng, cần có nhiều loại trường khác nhau sau THCS phù hợp với định hướng phát triển của những nhóm học sinh (HS) khác nhau. Nhưng điều có ý nghĩa quyết định nhất để thực hiện được phân luồng là những HS phát triển theo định hướng học nghề phải tìm được việc làm và có thu nhập tốt trong thị trường lao động. 

Xu hướng của nước nào?

Dự thảo đề án giải thích việc thêm 1 năm THCS “phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển” nhưng không cho biết đó là xu hướng của những nước nào?

Hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay về cơ bản giống hệ thống của Pháp: tiểu học (élémentaire) 5 năm; THCS (collège) 4 năm, THPT (lycée) 3 năm. Ở Mỹ có sự khác biệt giữa các bang, nhưng về đại thể thời gian học tiểu học (elementary school) là 5 năm; THCS (junior-high school) 3 năm; THPT (senior high school) 4 năm. Còn ở Vương quốc Anh, hệ thống giáo dục của các vùng lãnh thổ cũng không giống nhau nhưng nhìn chung giáo dục cơ bản được thực hiện đến khi trẻ 16 tuổi. Nhưng đó mới là nói đến số năm học.

Cái nên tìm hiểu và tiếp thu từ hệ thống giáo dục phổ thông các nước phát triển là họ tổ chức nhiều loại hình trường trung học khác nhau phù hợp với những định hướng phát triển khác nhau của HS. Tiêu biểu cho xu hướng này là hệ thống của Đức. Mặc dù có những điểm khác biệt giữa các bang nhưng hệ thống giáo dục phổ thông Đức thể hiện xu hướng phân luồng mạnh: tiểu học 6 năm; sau tiểu học, HS được phân luồng vào 3 loại trường trung học chính là trường 6 năm (gymnasium) dành cho HS có thành tích học tập tốt; trường 5 năm (realschule) dành cho HS khá và trường 4 năm (hauptschule) dành cho HS trung bình, học xong phổ thông để ra tham gia lao động hoặc vào trường nghề. 

Nhiều vấn đề phải giải quyết

Dự thảo đề án của Bộ GD-ĐT có đề cập đến những việc cần giải quyết khi thực hiện phương án 1. Đó là “điều chỉnh lại quy định của luật Giáo dục và cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT”. Việc sửa luật không khó, nhưng việc cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT sẽ rất phức tạp, bởi nó không chỉ liên quan đến chương trình đào tạo ở các trường ĐH, CĐ sư phạm mà còn liên quan đến biên chế, chức danh và bậc lương của giáo viên toàn quốc.

Trước mắt, làm sao điều được giáo viên từ THPT về dạy lớp 10 ở THCS? Nếu không điều được giáo viên đang dạy lớp 10 về THCS thì sẽ lấy ai để dạy? Lấy thầy cô tốt nghiệp CĐ sư phạm theo chương trình hiện hành dạy một lớp vốn ở cấp THPT thì có phù hợp không? Rõ ràng, việc thêm 1 năm cho THCS sẽ tạo ra rất nhiều xáo trộn, rất nhiều khó khăn.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là để đổi mới giáo dục phổ thông thì việc trước tiên phải bàn là đổi mới hệ thống. Nhưng tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa Bộ GD-ĐT mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, sẽ không tránh khỏi việc chuẩn bị cả 2 việc đều không thấu đáo.

Thêm hay bớt 1 năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết được chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại việc này.

Ý kiến

Lẽ ra phải có đề án riêng

Đề án này hơn nửa là hô khẩu hiệu, đáp ứng nghị quyết này, nghị quyết kia, cơ sở khoa học không thuyết phục. Số năm học là cấu trúc, hệ thống giáo dục là vấn đề lớn nên lẽ ra nó phải có đề án riêng còn nếu nằm trong Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông thì tên đề án không thể như vậy. Cần phải tuyên truyền rộng rãi trong vài năm để người dân yên tâm. Còn làm cập rập thì chắc chắn sẽ làm xáo động tâm lý xã hội”.

Ông Cao Huy Thảo
(Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc TP.HCM - SIC)

Thay đổi hàng loạt thứ

“Nâng số năm đào tạo cấp THCS lên là không hợp lý. Người ta trước nay đã tính cấu trúc chương trình, cấu trúc phát triển tâm sinh lý của học sinh từng cấp học. Nếu chúng ta thay đổi, nghĩa là sẽ phải thay đổi hàng loạt thứ như: trường sư phạm sẽ phải cấu trúc lại chương trình đào tạo giáo viên để phù hợp với cấu trúc cấp học thực tế, giáo viên THPT (số lượng dôi dư) sẽ luân chuyển xuống dạy THCS...”.

TS Nguyễn Ngọc Tài
(Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Mọi thứ sẽ rối lên

“Tôi thấy nếu thay đổi số năm học ở THCS sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cụ thể là phải xáo trộn đội ngũ giáo viên, phân bổ trường lớp... Giáo viên bậc THPT dôi dư ra thì làm sao? Trường THCS nào kham nổi phòng ốc? Việc xây dựng hàng loạt trường học mới có được không, khi mà điều kiện hiện tại năm nào cũng thiếu phòng học? Rồi mọi việc sẽ rối lên cho mà coi”.

  Bà Phạm Thị Huệ
(nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM)

Vấn đề này lớn lắm, không thể nói chung chung

 “Vấn đề này lớn lắm, không thể nói chung chung. Bất cứ thay đổi nào cũng có ảnh hưởng nhất định và đặc biệt giáo dục liên quan đến quá trình phát triển của một con người. Nếu cần thiết thì mạnh dạn thay đổi nhưng phải trên cơ sở đầy đủ lý luận và thực tiễn. Vấn đề cơ bản là phải xem lại cấu trúc chương trình, đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên. Thời gian qua, thấy dư luận kêu chương trình nặng nề quá tải thì chúng ta lại đi cắt giảm chương trình. Cách làm đó không căn cơ.

Ông Nguyễn Văn Ngai
(nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Nói chung chung ai mà đồng tình

“Bộ đưa ra dự thảo nhưng tôi thấy chưa có luận cứ xác đáng và khả thi, nên cá nhân tôi chưa ủng hộ việc này. Đưa ra cái gì cũng cần phải có cơ sở, có tính khả thi thì mới làm được chứ nói chung chung thì ai mà đồng tình. Mấy năm nay, mình loay hoay với việc đổi mới sách giáo khoa nhưng chưa đến đâu hết, giờ thêm chuyện này nữa liệu có làm được không?”.

Thạc sĩ Trần Trung Kiên
(Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP.HCM)

Bích Thanh - Minh Luân

GS Nguyễn Minh Thuyết

>> Cần hơn 34 nghìn tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông
>> Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2017
>> Đề xuất chỉ học THPT trong 2 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.