Thi cụm địa phương, vẫn có cơ hội xét tuyển ĐH

13/09/2014 09:45 GMT+7

Hôm qua (12.9), ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, đưa ra những thông tin nhằm giải đáp một số thắc mắc của thí sinh về một kỳ thi THPT quốc gia mà Báo Thanh Niên nêu ra trước đây.

Hôm qua (12.9), ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, đưa ra những thông tin nhằm giải đáp một số thắc mắc của thí sinh về một kỳ thi THPT quốc gia mà Báo Thanh Niên nêu ra trước đây.

Cơ hội ở các trường tuyển sinh riêng

Bộ GD-ĐT quy định năm nay có 2 loại cụm thi. Những thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn nếu thí sinh thay đổi mục đích thì có còn cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ hay không. Ông Mai Văn Trinh cho biết: “Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Điều kiện đủ được quy định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Do những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp, nên có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ”.

Theo ông Trinh, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường. Vì vậy thí sinh dự thi ở các cụm thi địa phương vẫn có cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh. Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường (thông qua đề án tuyển sinh riêng công bố rộng rãi) để tham gia tuyển sinh vào các trường này.

Vẫn giữ các chế độ ưu tiên

Điều khiến dư luận quan tâm là trong kỳ thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên (khu vực, đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) có được hưởng chế độ ưu tiên như trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 không? Ông Mai Văn Trinh cho rằng để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, các chế độ ưu tiên đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành vẫn sẽ được áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015.

Cụ thể, các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2015 và thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm 2014 (được bảo lưu) vẫn được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trừ những thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2015, các thí sinh khác vẫn phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Bộ sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Giám đốc sở GD-ĐT quyết định môn thi thay thế ngoại ngữ

Dù môn ngoại ngữ trở lại là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia, nhưng Bộ cũng thêm vào quy định những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, được tự chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.

Tuy nhiên, như thế nào là “điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học”; môn ngoại ngữ có bao gồm các thứ tiếng khác hay chỉ tiếng Anh; cấp nào có thẩm quyền quyết định cho phép thi môn thay thế?... vẫn là điều dư luận đang mong muốn Bộ làm rõ.

Ông Mai Văn Trinh nhận định, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Ông cũng giải thích điều kiện dạy - học không đảm bảo thể hiện ở các khía cạnh chính: giáo viên dạy môn ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ; trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học...

Những thí sinh học ngoại ngữ trong điều kiện như trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế ngoại ngữ. Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Về thẩm quyền quyết định lựa chọn môn thi thay thế ngoại ngữ, ông Trinh cho biết: “Giám đốc sở GD-ĐT báo cáo Bộ để quyết định việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ đối với thí sinh của các trường thuộc phạm vi quản lý”.

Tuệ Nguyễn

>> Một kỳ thi quốc gia: Đề thi sẽ đánh giá thí sinh ở 4 mức độ
>> Một kỳ thi quốc gia: Chọn phương án thi theo môn
>> Thủ tướng đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia
>> Tuần tới sẽ công bố phương án một kỳ thi quốc gia
>> Một kỳ thi quốc gia: Sẽ chọn phương án không gây sốc
>> Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào
>> Một kỳ thi quốc gia: ĐH muốn tích hợp, THPT chọn theo môn
>> Đổi mới kỳ thi quốc gia: Người khổ vẫn là học sinh
>> Một kỳ thi quốc gia: Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình đề án

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.