Thi THPT quốc gia 2018: Bài thi khoa học xã hội không làm khó thí sinh

27/06/2018 11:07 GMT+7

Kết thúc ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018, tại điểm thi THCS Lý Thánh Tông (TP.HCM), thí sinh Nguyễn Nhật Cường đánh giá đề thi địa lý khá dễ, được sử dụng Atlat nên các câu trả lời không khó.

Cũng theo Nhật Cường, môn sử hỏi nhiều câu liên quan kiến thức lớp 12.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Hương Trân, cho biết em không ôn gì nhiều về môn GDCD trước khi thi: "Đề hỏi nhiều câu liên quan thực tế, không khó để trả lời".
* Các thí sinh ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) cho biết các môn thành phần trong bài thi khoa học xã hội không đòi hỏi học thuộc lòng mà cần có sự suy luận.
Thí sinh Bảo Long cho hay, để làm được bài thi lịch sử đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng chứ học thuộc không thể tìm ra đáp án. Môn địa lý thì chỉ cần có kỹ năng sử dụng Atlat và vẽ biểu đồ là có thể đạt điểm 7. Riêng môn GDCD đề ra nhiều tình huống, cần tư duy để tìm ra phương án đúng.
B.Thanh - T.Hằng (ghi)
* Kết thúc bài thi cuối cùng, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ten Lơ Man (TP.HCM) tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi vì đề thi "dễ thở".
Thí sinh Nguyễn Thuỵ Ngọc Hân cho biết đề sử khó hơn địa và GDCD, câu dễ ít, câu vận dụng yêu cầu phải so sánh, nhận xét chung các sự kiện lịch sử nên yêu cầu cao hơn.
Đề địa lý không khó để kiếm 5 điểm vì chỉ sử dụng Atlat đã lấy được 2-3 điểm. Ngoài ra, làm thêm phần nhận xét biểu đồ nữa là đạt điểm trung bình.
Đề GDCD khá dễ, một nửa kiến thức cơ bản, còn lại là tình huống. Ở một số câu tình huống có “gài”, nếu không đọc và hiểu kỹ có thể chọn sai.
Thí sinh Huỳnh Ngọc Lan Anh cũng cho biết đề 3 môn đều dễ. Thí sinh này dự kiến đạt 6 điểm môn sử, 8 điểm môn địa và GDCD.
Hà Ánh (ghi)
* Tại điểm thi Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.11, TP.HCM), hầu hết thí sinh tươi cười rạng rỡ vì đề thi vừa sức. Em Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ: “Em thấy đề thi vừa sức và bám sát chương trình học. Chỉ có đề sử hơi dài và khó hơn so với môn địa lý và GDCD, nhưng cũng không quá khó. Chỉ cần học lực trung bình khá là có thể làm trên 5 điểm mỗi môn. Em thì chuyên khối này nên em thấy cũng hy vọng nhiều”.

Em Đặng Thị Hoàng Vân chia sẻ: “Em vui lắm, vì làm bài được. Em đang tìm mẹ để báo cho mẹ mừng. Hôm qua thấy bạn em đi thi khối tự nhiên về than quá trời, có đứa còn khóc nên sáng nay em rất áp lực. Nhưng may mắn vì đề khối này của tụi em nhẹ nhàng hơn. Đề môn lịch sử hơi dài và các câu trả lời tựa tựa nhau nhưng nếu đọc kỹ và ôn tập kỹ thì vẫn làm ổn hết ạ”.
Nữ Vương (ghi)
* Ra khỏi điểm thi số 12 tại Trường THCS Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương), thí sinh Nguyễn Thanh Tân nói: “Em làm bài tốt”.
Thanh Tân là học sinh 12A7, Trường THPT Tây Nam nói thêm: “Hôm nay thi các môn khoa học xã hội tương đối dễ nên em làm bài được hết. Với môn sử đề có 40 câu thì em chắc chắn mình làm được 34 câu, những câu còn lại em cũng làm được hết nhưng không dám chắc 100% thôi. Em đoán môn sử mình được ít nhất cũng 8 điểm”.
Riêng môn địa và môn GDCD, Tân cho biết: “Em làm gần như được hết tất cả các câu nên em đoán ở 2 môn này, mỗi môn sẽ cầm chắc 9 điểm trong tay”.
Thí sinh Nguyễn Hải Long Lê Thanh

Tương tự, thí sinh Nguyễn Hải Long (học sinh 12A8, Trường THPT Tây Nam) cho biết: “Đề 3 môn sử, địa, GDCD (mỗi môn có 40 câu) thì em đều làm tương đối hết. Môn đoán sử em làm được 7 điểm, còn môn địa 7,5 điểm và môn GDCD ít nhất cũng được 7,5 điểm”, Hải Long cho biết.
Lê Thanh (ghi)
* Ghi nhận tại điểm Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), sau khi kết thúc 3 môn thi tổ hợp xã hội nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức và không khó để lấy trên 7 điểm.
Em Hồ Thị Thanh Uyên, điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay riêng về đề GDCD thì được phân hóa rõ ràng, khúc đầu là kiến thức cơ bản, còn phía sau là tình huống. Hầu hết 3 môn thi tổ hợp xã hội đều đòi hỏi trong quá trình làm bài phải tư duy nhiều.
"Ba môn này em chỉ thi xét tốt nghiệp nên không đặt nặng điểm thi. Tuy nhiên em nghĩ 3 môn mình đều làm được trên 70%", Uyên nói.
Em Thái Nhật Hà vui vẻ chia sẻ môn địa lý năm nay có nhiều câu dùng bản đồ Atlatt, vì vậy thí sinh rất dễ kiếm điểm ở những câu hỏi này. Riêng về môn GDCD thì 2 trang sau tình huống nhiều, vì vậy để làm bài đạt điểm cao thí sinh phải tư duy. Còn về phần môn lịch sử thì tập trung vào sự kiện, giai đoạn từ 1930 - 1931 và giai đoạn 1936 - 1939. "So với năm trước thì đề lịch sử năm nay dài hơn, độ khó theo đó cũng tăng lên. Em dự đoán 3 môn mình làm được khoảng 70 - 80%", Hà cười nói.
Mạnh Cường (ghi)
* Các thí sinh tại Đà Nẵng nhận xét chung trong 3 môn thi thì môn sử là khó nhất, môn địa dễ hơn và GDCD là dễ nhất.
Thí sinh Thu Thủy, Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết với đề sử, không chỉ em mà các bạn trong phòng đều đánh lụi. Môn địa có phần Atlat dễ lấy điểm hơn.
Thí sinh Lê Hoàng Nam tại điểm thi THPT Trần Phú cho biết so với đề thi thử thì đề thi lần này của Bộ khó hơn. "Em chỉ tự tin với môn địa và GDCD còn sử thì đánh đại đáp án. Với đề sử, lượng kiến thức yêu cầu khá cao so với mặt bằng chung của thí sinh. Hy vọng đủ điểm tốt nghiệp chứ chưa nói đến xét đại học, cao đẳng"
An Dy (ghi)
* Nhiều thí sinh ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) đều phấn khởi vì đề thi không quá khó, nhiều em hy vọng sẽ có điểm cao để xét tuyển vào đại học.
Theo các thí sinh thi tại điểm Trường THPT Trưng Vương (TP.Quy Nhơn), đề thi môn sử dài, hơi khó nên nhiều em không hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép. “Em hoàn thành bài thi các môn địa lý và GDCD nhưng bài làm môn sử có nhiều câu em phải đánh dấu lụi vì học bài không hết", thí sinh Dương Cẩm Loan (học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.Quy Nhơn) nói.
Thí sinh ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) dự thi trong điều kiện thời tiết oi bức HOÀNG TRỌNG
Thí sinh Ngô Ngọc Bảo Long (học sinh Trường THPT Trưng Vương) cũng cho rằng trong 3 môn, chỉ có đề thi môn sử hơi khó. “Em làm bài chính xác hơn 50% yêu cầu của đề thi môn sử, còn 15 câu cuối làm không kịp nên em phải khoanh lụi”, thí sinh Bảo Long cho biết.
Hoàng Trọng (ghi)

* Thí sinh Trần Văn Đông, điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), chia sẻ: “Đề thi môn lịch sử nhìn chung hơi dài, nhưng không khó, biết vận dụng kiến thức là làm được. Điểm trung bình sẽ không quá khó với các bạn, riêng em làm bài chắc được 60 - 70%”.
Trong khi đó, thí sinh Đinh Trọng Dương, điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, vui vẻ: “Em dự thi 2 môn địa lý và GDCD, đề thi 2 môn này đều khá dễ, kiến thức phù hợp, học sinh trung bình đều làm được. Đề thi môn địa, dùng Atlat, vẽ biểu đồ và nhiều câu hỏi về địa hình, kinh tế của đất nước nên dễ làm. Còn đề GDCD đa số là những câu tình huống, liên quan đến đời sống, vận dụng kiến thức thực tế để áp dụng nên không khó. Chắc em làm được hơn 80%”.
Gia Bình (ghi)
***  Theo thầy Nguyễn Đình Tình, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), đề thi môn địa lý sát với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD- ĐT. Trong đó, kiến thức lớp 11 có 8 câu, trong đó có 2 câu thuộc phần thực hành là câu 55 (thực hành kỹ năng với bảng số liệu) và câu 67 (làm việc với biểu đồ).
Phần thực hành kỹ năng có 15 câu, trong đó có 11 câu sử dụng, 2 câu thực hành kỹ năng với bảng số liệu, 2 câu thực hành kỹ năng với biểu đồ. Tuy nhiên những câu hỏi ở phần thực hành chỉ dừng ở mức độ biết và hiểu, tính vận dụng những kỹ năng tính toán cơ bản vẫn chưa cao.
Đề thi bao quát được chương trình địa lý lớp 12 và những vấn đề cơ bản của lớp 11. Mức độ phân hóa của đề thi năm nay so với năm trước vẫn chưa cao, các câu khó của đề thi tập trung ở 10 câu cuối, tuy nhiên các em học lực khá đều có thể làm được. Một số câu của đề thi phản ánh những vấn đề mang tính thời sự như câu 69 đề cập tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, câu 68 nói về kinh tế biển đảo...
Do mức độ phân hóa của đề thi không cao, dự đoán số thí sinh đạt điểm 10 không giảm so với năm trước, học sinh trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt từ 7 - 9 điểm.
*** Giáo viên Phạm Thị Hoài Thương, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận xét: Đề thi giống với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Các câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh, không vượt quá kiến thức phổ thông.
Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, theo mức độ biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Khoảng 20 câu đầu là câu hỏi cơ bản, dành cho học sinh trung bình với việc nắm chắc kiến thức cơ bản có thể xử lý tốt. Sau đó là các câu hỏi có sự tăng lên và độ khó, yêu cầu học sinh phải có sự tổng hợp kiến thức để giải quyết.
Nhìn chung đề thi có sự phân loại tốt, học sinh trung bình có thể đạt được từ 5 đến 6 điểm. Học sinh khá giỏi phổ điểm sẽ dao động từ 7 - 8 điểm. Học sinh đảm bảo xét tốt nghiệp nhưng điểm cao sẽ không nhiều
*** Giáo viên Vũ Thùy Anh, Tổ trưởng tổ GDCD, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) so sánh: So với đề năm ngoái, đề thi GDCD năm nay hay hơn. Đề vừa sức với thí sinh, bám sát đề thi minh họa và chương trình ôn tập lớp 11, 12.
Đề năm nay có nhiều câu hỏi liên quan đến tình huống thực tiễn. Mức độ khó dễ của đề cũng phân bố đều ở chương trình lớp 11, 12. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20% tập trung ở 5 bài đầu lớp 11. Với đề thi này, phổ điểm 7-8 sẽ nhiều.
Với học sinh trung bình sẽ đạt phổ điểm từ 6-7 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm 9,10 đòi hỏi thí sinh phải suy luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.