Thi tốt nghiệp THPT: “Hãy đem theo nụ cười lạc quan vào kỳ thi nhé” !

Bích Thanh
Bích Thanh
06/07/2021 07:00 GMT+7

Ngày mai (7.7), khoảng 1 triệu thí sinh trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT . Trước ngày thi, giáo viên chia sẻ những năng lượng tích cực giúp thí sinh đạt kết quả tốt nhất.

Chỉ còn đúng một ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra, theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), thí sinh (TS) sẽ có một trải nghiệm đặc biệt khi “các em vừa là chiến binh dũng cảm chiến đấu với kỳ thi quan trọng vừa chiến đấu với Covid-19 để bảo vệ sức khỏe của mình trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Giữ tâm thế bình tĩnh, luôn “tử tế” với bản thân

Tuy nhiên, để vượt vũ môn thành công, các em cần gạt bỏ tạm thời những lo âu, trăn trở và căng thẳng sang một bên, giữ cho mình một thể trạng tốt và giàu năng lượng thì bộ não mới có thể hoạt động hiệu suất cao sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, TS hãy giữ tâm thế bình tĩnh, luôn “tử tế” với bản thân bằng những thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục, vận động giúp tăng cường endorphins (chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng), ăn uống chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường nước cam, chanh để có vitamin C tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không phải ăn kiêng cữ những món ăn như trên các mạng mách bảo “các món ăn kỵ, không may mắn khi đi thi”.

Phun khử khuẩn, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT giữa “bão” Covid-19

Chuẩn bị hồ sơ, dụng cụ đi thi chỉn chu

Theo thầy Phạm Lê Thanh, trước ngày thi, TS cần kiểm tra chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dụng cụ mang đi thi. Một túi hồ sơ bao gồm thẻ dự thi, căn cước công dân, bút chì 2B, viết mực, máy tính (Bộ GD cho phép), thước kẻ, compa, Atlat (không ghi bất cứ gì trong quyển này), nước rửa tay khô sát khuẩn mini (tháo nhãn, trong suốt)…
Nhớ xem lại trước ngày thi một lần nữa để đảm bảo không thiếu cũng không thừa, đặc biệt các thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin như điện thoại di động phải bỏ hết ở nhà cho an tâm. Trong các buổi thi giả sử có tình huống phát sinh quên mang thẻ dự thi hoặc CCCD thì không quay về nhà lấy sẽ trễ giờ thi, cứ vào dự thi và trình bày với thầy cô cán bộ coi thi, chủ tịch hội đồng thi sẽ có hướng giải quyết và hỗ trợ các em.

Không ai “ra trận” mới bắt đầu học “binh pháp”

Theo thầy Lê Thanh, khi chỉ còn một ngày nữa bước vào kỳ thi, TS chỉ nên xem lại bài ôn dưới dạng sơ đồ tổng hợp, tuyệt đối không giải đề thi thử, không giải câu khó, không tham gia đoán đề, tủ đề sẽ làm tâm lý bất an, lo lắng và hoang mang.
Chỉ nên xem lại những kiến thức cơ bản cần bổ sung một lần nữa, thỉnh thoảng hãy xem một vài bản tin có ích, đọc báo, xem ti vi hay nghe một vài bản nhạc mà mình thích để giúp cơ thể giảm stress, giải tỏa năng lượng tiêu cực.
“Hãy đem theo nụ cười lạc quan, bộ não trí tuệ và một sức khỏe dẻo dai, tràn đầy năng lượng vào kỳ thi nhé. Đó chính là chìa khóa để thành công. Các em nên nhớ cuộc đời mỗi người có rất nhiều kỳ thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là dấu chấm phẩy cho một cơ hội nào đó chứ không phải dấu chấm hết. Nếu suy nghĩ đơn giản như vậy, các em sẽ luôn lạc quan, yêu đời và vượt mọi chướng ngại vật một cách xuất sắc”, thầy Lê Thanh chia sẻ.
Còn giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), thì động viên: “Ngày mai, khi bước vào kỳ thi, mong rằng từ điển của thế hệ “dê vàng” luôn có 2 từ “cố gắng” mà không có 2 từ “bỏ cuộc”. Bởi vì cuộc sống từ trước đến nay không có sự bắt đầu nào là muộn nhất mà chỉ là sự bỏ cuộc sớm nhất mà thôi”.
Dù phải trải qua kỳ thi đặc biệt, quả ngọt cuối cùng cũng sẽ dành cho người xứng đáng - những TS đã ôn luyện miệt mài và dũng cảm cất bước.
Và thầy Đức Anh nhắn rằng: “Khi ngả đầu lên chiếc gối đêm nay, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng mình đã làm rất tốt và sẽ có một kết quả như mơ”.

TP.HCM tổ chức thi tốt nghiệp THPT giữa Covid-19 là “một quyết định khó khăn”

Những bí quyết khi vào phòng thi

Theo những giáo viên có kinh nghiệm, để đạt kết quả cao nhất, TS không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt mà còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lý các câu hỏi một cách hợp lý nhất.
Giáo viên Hồ Ái Linh, Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho hay TS nên chia và phân bố thời gian làm bài hợp lý. Chẳng hạn với môn ngữ văn, có thể dành 20 phút cho phần đọc - hiểu, 20 phút cho phần nghị luận xã hội, còn lại 80 phút để làm bài nghị luận văn học. TS phải đọc kỹ đề, hạn chế nháp hoặc ghi quá nhiều mất thời gian mà chỉ nên ghi các luận điểm chính để triển khai bài làm.
Với thầy Trần Ngọc Anh, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), để làm tốt bài thi ngoài chuẩn bị thật tốt về mặt kiến thức, sức khỏe, tâm lý thì bí quyết phòng thi cũng rất quan trọng. Theo thầy Ngọc Anh, thời gian làm bài môn địa lý là 50 phút cho 40 câu, như vậy TS không được sa đà vào một câu nào đó sẽ mất thời gian khi làm bài. Khi nhận đề, các em đọc qua hết tất cả các câu, câu nào dễ và chắc chắn đúng trả lời luôn. Câu nào hỏi về Atlat thì nhanh chóng sử dụng Atlat để trả lời ngay. Các em cũng đừng quên dành vài phút cuối cùng để dò lại đáp án lần cuối thật chắc chắn trước khi nộp bài.
Theo hướng dẫn của giáo viên Võ Hậu, tổ giáo dục công dân Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), TS nên tuân thủ quy tắc “dễ trước khó sau”. Sau khi nhận đề thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào thuộc mức độ nhận biết thì nên khoanh ngay vào đáp án trong phiếu trả lời. Sau khi làm hết những câu hỏi “trúng tủ”, TS tiếp tục chọn làm những câu hỏi ở mức thông hiểu (vì đối với bài thi trắc nghiệm, các câu hỏi đều có thang điểm như nhau, không giống như bài thi tự luận). Do vậy, câu hỏi khó hay dễ cũng đều có chung phổ điểm, nên chọn làm câu dễ trước để đảm bảo đạt tối đa số điểm.

Thi tốt nghiệp THPT giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành, thí sinh ở Đà Nẵng nói gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.