Tìm 'ngày sinh' trường nghề trăm tuổi

Đình Toàn
Đình Toàn
20/12/2018 10:01 GMT+7

Trường Bá Công ở Huế sắp bước sang tuổi 120, là trường nghề ra đời sớm từ tư tưởng canh tân của vua Thành Thái. Nhưng 'ngày sinh' chính xác của trường thì vẫn đang tìm...

Năm 2019 sẽ đánh dấu Trường Bá Công Huế tròn 120 năm tuổi. Tại buổi tọa đàm “Hành trình 120 năm Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành - CĐ công nghiệp Huế” do Trường CĐ công nghiệp Huế phối hợp với Phân viện VHNT quốc gia tại Huế vừa tổ chức, nhiều ý kiến trăn trở về “ngày sinh” thật sự của ngôi trường này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, 5 năm cuối thế kỷ 19 là quãng thời gian rất đặc biệt với vua Thành Thái. Từ một vị vua không quyết định được gì trong thế kìm kẹp của chính quyền bảo hộ lúc mới 10 tuổi, nhưng chỉ 5 năm sau, ông đã có những ứng xử, điều hành táo bạo như đề nghị bỏ hội đồng phụ chính. Trường Bá Công - Kỹ nghệ Huế ra đời là hệ quả của tư tưởng canh tân của nhà vua. “Trải qua gần 120 năm ra đời và phát triển, tôi rất muốn xem ngôi trường này là một phần quan trọng trong sự phát triển đô thị Huế”, ông Hoa chia sẻ.
Theo tài liệu của TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện VHNT quốc gia tại Huế, ngày “khai sinh” trường là ngày 27.10 năm Kỷ Hợi (tức 29.11.1899). Trong khi đó, niên giám thống kê của Pháp từ năm 1906 và một số năm tiếp theo, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Huế) lại cho biết vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập trường ngày 19.11.1899, tức sớm hơn 10 ngày. Hiện chưa tìm được đạo dụ gốc của vua Thành Thái nên niên giám thống kê dạng “văn bản cấp nhà nước” này đang được tin cậy.

Mở trường trong thế kìm kẹp

Vua Thành Thái (1889-1907) là một trong những vị vua yêu nước, có tư tưởng canh tân. Trong bối cảnh bị kìm kẹp bởi chính quyền thực dân đô hộ, nhưng dưới thời trị vì của vua Thành Thái, nước ta có nhiều công trình quan trọng ra đời như Bệnh viện T.Ư Huế (Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Đông Dương). Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương từng mang tên vua Thành Thái khi xây dựng hoàn thành năm 1899. Cũng năm ấy, Trường Bá Công (Ecole professionnelle) được chính nhà vua ra đạo dụ thành lập.
Theo TS Trần Đình Hằng, trong cuộc tiếp xúc văn minh Pháp - Việt từ cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn từng bước nhận ra sức mạnh quân sự của đối phương, làm nảy sinh nhu cầu canh tân đất nước bằng con đường văn hóa - giáo dục. Trường Bách Công nằm ở khu đất gần đối diện với đình Tứ Phương và Bình An đường (góc Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm hiện nay), khi mới ra đời quy tụ khoảng 200 học trò. Thời điểm đó, nhà trường đã kịp thời cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội, như ngành đường sắt, công chánh. Trường có thể đào tạo trang trí cung điện, chế tạo tiền đồng, xây dựng, tu sửa tàu đáy bằng, làm đồ kim hoàn tinh xảo, vận chuyển và lắp đặt máy móc thiết bị nhà máy điện... Những năm 1914 - 1918, trường có 400 công nhân được gửi sang Pháp, chủ yếu làm việc về khí tài…
Để có thực nghiệp, thầy giáo chỉ dạy kỹ nghệ mà không nói tới văn chương chữ nghĩa. Qua các kỳ thi tay nghề, ai có kết quả tốt được cấp một sổ thợ, một tấm bằng; học nghề xong, thi đỗ ra trường có thể xin làm ở Sở Đốc công hoặc làm cho tư nhân. Đặc biệt, đây là ngôi trường nghề mở rộng trong phạm vi toàn quốc, học sinh có cả con em đồng bào dân tộc thiểu số và trường có hẳn một cơ sở nội trú miễn phí ăn ở (xây năm 1917).
Đào tạo gắn với thực nghiệp, thực hành
TS Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ công nghiệp Huế, cho hay trường cũ đã nhiều lần đổi tên, nhưng dù với tên gọi nào thì việc đào tạo gắn với thực nghiệp, thực hành. “Chúng tôi không quá chú trọng bằng cấp, mà đặt mục tiêu cao nhất là sinh viên ra trường có việc làm, có mức lương cao và làm chủ công nghệ. Trường cũng đã và đang hỗ trợ thành công nhiều mô hình khởi nghiệp cho các bạn trẻ”, TS Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.