Tỏa sáng vì cộng đồng: Giúp người là lẽ thường tình

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/05/2019 07:46 GMT+7

Bất cứ khi nào gặp người bị nạn trong rừng sâu hay dọc đường đèo, đường núi, Vũ Hải đều gạt hết công việc riêng sang một bên để cứu giúp.

Không thể thờ ơ

Việc làm của mình hết sức bình thường, khi thấy người gặp nạn thì nên cứu giúp, có vậy mình mới sống vui vẻ và thanh thản được
Vũ Hải
Vũ Hải (27 tuổi) hiện đang sống tại xã Tà Năng, H.Đức Trọng, Lâm Đồng. Hải bắt đầu làm quen với rừng từ năm 15 tuổi. Năm 2015, vì yêu thích hoa lan nên Hải vào rừng để “săn” lan về trồng, sau đó bán lại cho những người yêu lan khác. Ngoài ra, những lúc không đi rừng, Hải ở nhà chăm đàn vịt, phụ mẹ làm rẫy cà phê.
Tôi biết đến Hải kể từ vụ phượt thủ T.A.K mất tích ở rừng Tà Năng - Phan Dũng vào hồi tháng 5.2018. Khi đó, Hải và nhóm bạn của anh đã tạm ngưng mọi công việc để vào rừng góp sức tìm kiếm nạn nhân với suy nghĩ “cùng là con người với nhau, mình lại là người bản địa, thì mình cũng phải có trách nhiệm giúp người bị nạn chứ không thể nào thờ ơ”.
Trong “cuộc đời” săn lan của mình, Hải đã gặp rất nhiều trường hợp người bị nạn trong rừng sâu hoặc trên đường đèo núi. Và anh chưa bao giờ bỏ nạn nhân một mình.
“Có lần tôi gặp một anh chở đá bị té vực. May mà tới kịp, nếu không thì cái xe sẽ đè lên người anh ấy không thể dậy được. Tôi tới nhấc xe lên, thấy anh vẫn còn tỉnh, nhưng lúc nói được lúc không. Tôi đỡ anh ngồi dựa gốc thông rồi kiểm tra thì thấy ngoài chấn thương phần mềm còn bị gãy tay. Tôi bèn xé áo của tôi, bẻ cành cây bó tay tạm thời rồi thấy mấy anh em chở đá đi qua liền nhờ họ phụ chở về trạm xá”, Hải kể.

Một lần khác, Hải đi từ Đắk Lắk về tới Đam Rông bắt đầu leo đèo về Đức Trọng khoảng 21 giờ thì gặp một người té xe nằm dưới mương. Hải chỉ kịp liếc thấy biển số xe của H.Lâm Hà, rồi vội vàng cho người bị nạn nằm úp lên xe chở đi cấp cứu. May sao trạm y tế nằm ngay dưới đèo. Hải chia sẻ, rất nhiều trường hợp bị nạn trong rừng thường hiếm ai tự xoay xở được. Đa số đều trong hoàn cảnh hoảng loạn, thiếu tỉnh táo do bị thương. “Đi đâu mà gặp người bị nạn là không cần biết họ chết hay sống, cứ phải dừng xe kiểm tra trước đã. Việc làm của mình hết sức bình thường, khi thấy người gặp nạn thì nên cứu giúp, có vậy mình mới sống vui vẻ và thanh thản được”, Hải nói.

Không cứu được người, lòng buồn kinh khủng

Mới đây, hồi cuối tháng 4, một phượt thủ quê Bà Rịa-Vũng Tàu đã thiệt mạng trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng, Hải chính là người đầu tiên phát hiện nạn nhân nằm dưới gốc cây. “Khi chở một anh bác sĩ vô khám, thì anh ấy bảo tim đã ngừng đập, nạn nhân “đi” rồi. Tôi ngồi đó đờ người ra một lúc, lòng buồn kinh khủng. Chưa bao giờ tôi gặp người bị nạn mà không cứu được. Phải chi hôm đó tôi sửa xe xong, đừng có ở lại nói chuyện với mọi người, thì có lẽ đã kịp thời phát hiện ảnh lúc ảnh còn sống, có khi cứu được ảnh không chừng”, Hải tự trách mình.
Hôm đó, Hải đã ngồi cả ngày trong rừng canh xác nạn nhân đợi công an vào. Sau khi gia đình nhận người về lo xong thủ tục ma chay, mẹ của nạn nhân đã tìm được Facebook của Hải nhắn lời cảm ơn. Hải chụp lại cho tôi xem những dòng tin nhắn ấy. Tôi biết cậu đang rất xúc động vì được người nhà nạn nhân nhớ đến dù cậu làm mọi việc đều xuất phát tự tấm lòng.
Mẹ của Hải đang bị bệnh nên ngoài lúc đi làm kiếm tiền, thời gian còn lại Hải ở nhà chăm sóc mẹ. Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng Hải luôn lạc quan và luôn thể hiện mình vui tươi, mình “ổn”. Chỉ cần nhìn những mắt lan nhú ra khỏi lớp xơ dừa, những giỏ lan trổ ra từng bông hoa nhỏ bé khoe vẻ đẹp tinh khiết, Hải sẽ quên hết mọi cực nhọc. Cũng như khi cứu giúp được một người bị nạn, chàng trai ấy lại thấy hân hoan, thanh thản.
Với Hải, mọi vất vả trong cuộc sống chỉ là “chuyện nhỏ” so với việc được sống và sống tốt ở trên đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.