Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập: Chạy đua đào tạo giáo viên

26/04/2014 03:00 GMT+7

Mỗi năm, TP.HCM cần thêm khoảng 3.000 giáo viên cho 500 trường mầm non công lập hiện tại. Trong năm học tới, với chủ trương thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì lực lượng này càng thiếu trầm trọng, đó là chưa kể mối lo về chất lượng.

>> Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập: Chủ trương hay nhưng khó mở rộng
>> Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập

Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập: Chạy đua đào tạo giáo viên
Sinh viên Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn thực tập ở các trường mầm non - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bồi dưỡng ngắn hạn, cho phép trường tư đào tạo giáo viên

Trong dự thảo đề án Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi trên địa bàn TP giai đoạn 2014 - 2020, Sở GD-ĐT TP.HCM có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên.

Dự kiến trong tháng 6, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 500 người về những nội dung như đặc điểm sinh lý trẻ, kỹ năng phòng tránh tai nạn - sơ cấp cứu, vệ sinh phòng bệnh, dinh dưỡng - tổ chức bữa ăn, luyện giác quan - phát triển cảm xúc… Giảng viên của khóa bồi dưỡng này là giảng viên thuộc Khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM phụ trách.

Bên cạnh đó, để tăng nhanh lực lượng giáo viên, ngoài 3 trường đang đào tạo giáo viên cho bậc học mầm non là ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm T.Ư,  trong 2 năm gần đây thành phố cho phép một số trường CĐ, TC ngoài công lập được mở mã ngành mầm non. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở, cho biết: “Đối với các trường TC ngoài công lập thì chương trình phải có sự hỗ trợ, thẩm định từ các trường công lập có kinh nghiệm và uy tín trong đào tạo”. 

Chưa có nội dung đào tạo giáo viên dạy nhóm tuổi nhỏ

Các trường ĐH, CĐ công lập đào tạo ngành mầm non trên địa bàn TP.HCM đều có quy mô tuyển sinh hạn chế nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra. Tiến sĩ Trần Thị Phương, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn, cho hay năm 2014 trường này chỉ tuyển 100 chỉ tiêu bậc ĐH, 35 bậc CĐ.

Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm 2014 có 200 chỉ tiêu giáo dục mầm non hệ chính quy. Hệ vừa làm vừa học, mỗi năm tuyển sinh khoảng 500 chỉ tiêu nhưng chủ yếu là giáo viên học liên thông lên bậc cao hơn. Cũng theo thạc sĩ Tứ: “So với nhu cầu giáo viên mầm non đang rất thiếu hiện nay, trường chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Dù vậy trường không thể tăng nhiều chỉ tiêu vì đội ngũ giảng viên hạn chế, chỉ tăng dần từng bước để đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho biết mỗi năm trường dành khoảng 350 - 400 chỉ tiêu bậc CĐ và 120 - 140 chỉ tiêu bậc TCCN hệ chính quy. Năm 2014, trường vẫn giữ ổn định chỉ tiêu các năm trước vì xác định chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn, theo lãnh đạo của các trường mầm non, chương trình đào tạo ở các trường sư phạm không có nội dung dành cho nhóm tuổi nhỏ dưới 24 tháng. Đây thật sự là khó khăn lớn khi triển khai đại trà việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi.

Về vấn đề này, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ cho biết từ trước tới nay chỉ có một chương trình chung để đào tạo giáo viên bậc mầm non. Chương trình này cung cấp kiến thức và kỹ năng để sinh viên ra trường có thể làm tốt vai trò chăm sóc và nuôi giữ trẻ từ nhóm nhà trẻ lên đến mầm non ở mọi lứa tuổi.

Bộ giao quyền cho địa phương

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ chỉ quản lý việc cấp mã ngành đào tạo bậc ĐH và CĐ với các ngành sư phạm. Tuy nhiên, sư phạm là lĩnh vực đào tạo đặc thù do người học được hưởng ưu đãi về chính sách học phí từ ngân sách nhà nước, nên theo quy định trường ĐH, CĐ ngoài công lập không được phép đào tạo các ngành này. Nhưng với bậc TCCN, Bộ đã giao các sở GD-ĐT quản lý việc cấp mã ngành cũng như giám sát quá trình tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở này.

Về việc cho phép một số trường ngoài công lập đào tạo bậc TCCN ngành sư phạm mầm non, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nói: “Trong những năm gần đây số lượng các trường mầm non phát triển mạnh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Khi Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập trẻ 5 tuổi, nhu cầu về giáo viên mầm non ngày càng cao. Trong khi đó, không phải trường công lập nào cũng có đủ điều kiện để đào tạo ngành học này. Do vậy, khi các trường CĐ, TCCN ngoài công lập có đủ khả năng đào tạo sư phạm mầm non thì không có lý do gì không cấp phép”. Cũng theo ông Nghệ, dù đã giao quyền cho địa phương nhưng Bộ vẫn lập các đoàn kiểm tra độc lập để giám sát các khâu này. 

Hà Ánh

Hà Ánh - Bích Thanh 

>> Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập: Chủ trương hay nhưng khó mở rộng
>> Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập
>> Kiến nghị tăng mức đầu tư cho trẻ mầm non
>> Giáo viên phải có chứng chỉ B2 mới được dạy trẻ mầm non
>> Miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi trước năm 2020 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.