Trẻ thơ cõng nặng gánh học

06/10/2008 23:27 GMT+7

17 giờ trẻ lớp lá tan học. Ba mẹ đón ngay tại cổng trường cho ăn uống qua quýt rồi đưa thẳng đến các lớp học thêm: ngoại ngữ, toán, viết chữ... Chuyện có thật đang diễn ra hằng ngày, nhiều đứa trẻ mới ở bậc mầm non đã... cõng nặng gánh học.

Học trước chương trình

Một giáo viên của trường Tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) nói: "Nếu gia đình không cho trẻ đi học trước để làm quen với đọc, viết thì khi vào lớp 1 chúng tôi sẽ rất khổ. Chúng tôi không thể có thời gian và sức lực để uốn nắn cho từng cháu được".

Cha mẹ chạy theo trào lưu...

Ở Hà Nội, các trường mầm non đã tỏ ra rất nhạy bén trước trào lưu này, nhất là khối trường tư thục. Hè nào cũng vậy, nhiều trường mầm non đã chủ động thông báo: phụ huynh nào có nhu cầu cho con học đọc, học viết thì đăng ký để nhà trường mời giáo viên của trường tiểu học sang dạy.

Một phụ huynh từng có con học tại trường Mầm non tư thục Minh Hải cho biết: hè vừa qua khi thấy nhà trường thông báo như vậy, tôi cũng như hầu hết phụ huynh khác đều đăng ký cho con tham gia những lớp học này. Ngoài học phí và các khoản khác vẫn nộp cho nhà trường, trong vòng 2 tháng, mỗi học sinh phải đóng một khoản kinh phí là 620.000 đồng để học đọc, học viết do giáo viên trường Tiểu học Lê Ngọc Hân trực tiếp về giảng dạy.

Liệu những giờ học có còn hào hứng khi trẻ đã được học trước chương trình? (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, các bậc phụ huynh còn tìm đến những cô giáo ở trường tiểu học mà con họ sẽ học để xin cô dạy trước vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Thậm chí có những phụ huynh còn lo lắng đến mức cho con nghỉ hẳn một năm học ở trường mẫu giáo để học cô giáo trường tiểu học trọn vẹn chương trình lớp 1 khi cháu mới 5 tuổi.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: "Tôi đã có chỉ đạo riêng về vấn đề này đến các trường tiểu học trên địa bàn thành phố: phải dạy theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT và tuyệt đối không vì những em học trước mà làm ảnh hưởng đến những em khác". Theo ông Tiến, năm học trước một giáo viên trường Tiểu học Phương Mai (Q.Đống Đa) đã bị cắt thi đua và cảnh cáo trước toàn ngành giáo dục quận vì phát hiện cầm đèn chạy… trước chương trình. "Năm nay nếu phát hiện trường hợp nào tương tự, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và cảnh cáo trước toàn ngành để răn đe", ông Tiến quả quyết.

Trẻ thơ oằn mình vì học

Cậu con trai mới bước vào học lớp lá được hơn 1 tháng mà chị L.V.Q, nhà ở đường Bùi Hữu Nghĩa, P.7, Q.5, TP.HCM đã sốt sắng đi tìm lớp học thêm cho con mình. Chị cho biết: "Rút kinh nghiệm từ đứa con gái đầu lòng, không cho cháu đi học trước nên khi vào học lớp 1 cứ bị cô giáo phàn nàn là cháu viết chậm, xấu... Nên đến đứa thứ hai tôi phải lo thu xếp ngay từ bây giờ".

Còn anh H.H.G, nhà ở đường Lương Hữu Khánh, Q.1, nói: "Trong khu vực nhà tôi ở, có mấy gia đình đều có con sang năm vào lớp 1 nên thống nhất ý kiến là cùng tìm cô giáo có kỹ năng vững vàng trong việc dạy học sinh lớp một. Mỗi tuần 3 buổi cô sẽ đến nhà một cháu trong số đó để dạy viết, làm toán. Còn về tiếng Anh, tôi cho cháu đến trung tâm học để tiện cho việc giao tiếp"…

Vì vậy sẽ không khó hiểu nếu chúng ta bắt gặp cảnh tượng, chiều tan lớp, có bé được ba mẹ đón về cho ăn uống qua quýt bánh ngọt hay hộp xôi ngay khi đang ngồi trên xe rồi đưa đến lớp học thêm, bữa thì học ngoại ngữ, bữa thì học toán, viết chữ...

Một chuyện có thật đã xảy ra do chính phụ huynh N.T.T.T, nhà ở Q.Bình Thạnh, kể lại rằng: "Muốn cho con vào lớp 1 chương trình tăng cường ngoại ngữ, nên tôi đã đăng ký cho cháu học ngoại ngữ tại một trung tâm gần nhà. Chiều tối nào cũng chở cháu đến lớp, 2 giờ sau quay lại đón. Vậy mà một hôm, trung tâm điện đến nhà hỏi thăm sao nửa tháng nay cháu không đi học, gia đình mới tá hỏa. Hỏi thì cháu nói rằng mệt và không muốn học nên đã trốn vào nhà vệ sinh của trung tâm".

Chỉ là sự ngụy biện…
 

"Dạy trước chương trình là trái với quy định của Bộ GD-ĐT. Lấy lý do chương trình nặng buộc phụ huynh phải cho con mình đi học trước chỉ là một sự ngụy biện cho năng lực hạn chế của giáo viên.

Cũng không loại trừ khả năng đây là một cách giáo viên tạo sức ép để gia đình buộc phải cho con đi học thêm ở những lớp học do chính giáo viên ấy tổ chức để thu lợi nhuận". (ông Phạm Ngọc Định - Phó vụ trưởng Vụ GD Tiểu học - Bộ GD-ĐT)

Viết sớm trẻ dễ bị cong tay

 

Ảnh: B.T

"Ở lớp lá, trẻ sẽ được làm quen với chữ viết, toán học, hoạt động âm nhạc, tạo hình, khám phá thử nghiệm... để vào lớp 1 học các môn khoa học và nghệ thuật. Về kỹ năng học tập, trẻ làm quen với giấy bút, với 24 chữ cái qua cách thức nhận biết, tập tô, tập vẽ các đường nét cơ bản nhưng không tập viết trên tập ô ly.

Những quy định về chương trình như trên xuất phát từ chính quá trình phát triển thể chất của trẻ. Khi dưới 6 tuổi, khả năng phối hợp giữa mắt và tay của trẻ chưa nhịp nhàng, nhanh nhẹn. Ngoài ra, nếu cho các em viết trên giấy ô ly lúc này sẽ không tốt, dễ dẫn đến trẻ bị cong tay...

Và đó cũng chính là lý do tại sao trường tiểu học quy định trẻ vào học lớp 1 lúc 6 tuổi". (bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM)

Sợ bị cô giáo phê bình

Do không đi học trước chương trình nên một số học sinh đã bị cô giáo mỉa mai: "Trong khi cả lớp thi viết nhanh thì những bạn này lại thi viết chậm" (?!).

Chị Hoàng Minh, một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Đống Đa, Hà Nội đã tỏ ra rất bất bình khi ngay buổi họp phụ huynh đầu năm, khoảng 2 tuần học sau khi khai giảng, cô giáo chủ nhiệm lớp đã đứng trước đông đảo phụ huynh phê bình cháu này viết chậm, cháu kia đọc chưa nhanh…

 
Học sinh một trường mầm non trong giờ học làm quen với chữ viết - Ảnh: B.Thanh

Chị Hoàng Minh bức xúc: "2 tuần học đầu tiên với một đứa trẻ thì theo quy định là các cháu chỉ làm quen với các chữ cái, tập viết những nét chữ đầu tiên vậy mà cô giáo đã phê bình cháu viết chưa nhanh, đọc chưa thạo thì tôi không hiểu nhiệm vụ của các cô giáo dạy lớp 1 là gì?"

Ở một trường tiểu học khác, buổi họp phụ huynh đầu tiên của lớp 1A, lớp được coi là lớp "chọn" của trường, một số học sinh do không đi học trước chương trình nên đã bị cô giáo mỉa mai. Vậy là những đứa trẻ không bị bố mẹ bắt đi học trước chương trình lại trở thành những học sinh lạc lõng trong tập thể lớp mà có hơn 90% các em học trước những gì mà lẽ ra chỉ khi vào lớp 1 các cháu mới phải học.

Việc cho con em mình đi học trước chương trình vài năm trở lại đây đã trở thành trào lưu, bất chấp khuyến cáo của các nhà quản lý giáo dục, nhà tâm lý giáo dục về những tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình. Nhất là đối với các em mới vào lớp 1, khi đó các em sẽ sinh bệnh chủ quan, không hứng thú học tập. Thế nhưng, những tâm sự của phụ huynh nói trên cho thấy rằng, phụ huynh khó có thể cưỡng lại việc chạy theo trào lưu này, nếu không muốn con mình sẽ bị cô giáo nói nặng nhẹ, phê bình trước cả lớp.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Các trường tiểu học phải dạy theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT, tức là bắt đầu từ bài đường nét đầu tiên hướng dẫn các em viết chữ, chứ đó không thuộc trách nhiệm của giáo viên mầm non mà đòi hỏi các em biết viết thành thạo. Nếu có hiện tượng cô giáo phân loại học sinh và hay phàn nàn học sinh chưa biết viết thì cha mẹ phản ánh ngay với hiệu trưởng hoặc với Sở GD-ĐT để kịp thời chấn chỉnh và xử lý".

Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia khảo sát khả năng học ngoại ngữ cho học sinh lớp 1, một giáo viên của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cho biết: "Việc cha mẹ chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho con em mình là tốt nhưng không nên vượt ngưỡng khả năng tiếp thu dẫn đến quá tải cho trẻ". Hiện nay, một số trường mầm non tại Q.1 đã thực hiện chương trình tiếng Anh như một hoạt động ngoại khóa. Những trường này kết hợp với một số trung tâm giảng dạy ngoại ngữ có uy tín để có thể sử dụng và kiểm định chương trình phù hợp với lứa tuổi.

T.N - B.T

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.