Trên 90% trường có thể thực hiện chương trình mới

22/08/2015 09:39 GMT+7

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, 90 - 95% các trường sẽ thực hiện được ngay với cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, 90 - 95% các trường sẽ thực hiện được ngay với cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có.
 
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong những ngày đầu làm quen với môi trường học tập mới - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong những ngày đầu làm quen với môi trường học tập mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hôm qua 21.8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Tính khả thi của chương trình hiện hành
Trả lời câu hỏi về tính khả thi của chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định chương trình được xây dựng căn cứ vào điều kiện đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có nên ước tính sẽ có khoảng 90 - 95% các trường có thể thực hiện được ngay chương trình mới. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng mức độ và lộ trình thực hiện sẽ có sự khác nhau ở những nơi có điều kiện giáo dục khác nhau, chứ không phải đồng loạt các trường đều ngay lập tức có một lộ trình thực hiện.
“Chúng tôi không hình dung là trường nào cũng làm tốt ngay. Nhưng những mục tiêu mà chương trình mới đề ra sẽ khiến các trường phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Điều kiện tới đâu thực hiện tới đó nhưng phải hướng tới mục tiêu ngày càng lan rộng và tốt hơn”, ông Hiển nói.
Xung quanh việc thử nghiệm chương trình mới ra sao, ông Hiển khẳng định sẽ chỉ thử nghiệm những nội dung mới, nội dung khó, chứ không thử nghiệm đồng loạt như trước đây. Trên thực tế những ý tưởng, mục tiêu của chương trình GDPT tổng thể như: dạy học phân hóa, tích hợp, trải nghiệm sáng tạo thông qua các chuyên đề... đã được dạy thử nghiệm ngay khi thực hiện chương trình giáo dục hiện hành với nhiều cách thức khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường trung học Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng sẽ phải có rất nhiều thay đổi để có thể thực hiện được những điểm hay, thú vị và vì quyền lợi của học sinh trong chương trình mới.
Theo bà Thu Anh, đã có những thay đổi trong các trường phổ thông nhằm bắt kịp các yêu cầu mới. Các tổ chuyên môn đã cùng nhau thiết kế chương trình phù hợp với học sinh của mình, được quyền cắt bỏ những kiến thức quá khó hoặc không phù hợp trong nội dung chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá...
Lo lắng khi đưa lịch sử vào nhóm môn tự chọn
Một người dân gửi câu hỏi đến buổi tọa đàm: “Việc đưa lịch sử vào nhóm môn tự chọn ở bậc THPT khiến có ý kiến lo ngại rằng học sinh không lựa chọn môn này, bằng chứng đây là môn học ít học sinh chọn thi nhất khi các em được chọn môn thi”. Ông Nguyễn Vinh Hiển lý giải: "Chương trình GDPT mới chủ trương dạy học tích hợp nên không chỉ có môn lịch sử mới giáo dục cho học sinh kiến thức và tình yêu lịch sử. Chẳng hạn môn học sinh với Tổ quốc bắt buộc từ cấp học dưới trở lên có nhiều nội dung liên quan tới giáo dục lịch sử cho học sinh...".
Bà Nguyễn Thị Thu Anh nêu quan điểm: "Cá nhân tôi cho rằng học sinh có thờ ơ hay không phụ thuộc vào giáo viên dạy môn lịch sử".
Sẽ không dư thừa giáo viên khi dạy tích hợp, tự chọn
Một người dân hỏi: "Khi thực hiện chương trình GDPT mới thì có cần tuyển giáo viên mới hay có thể sử dụng đội ngũ hiện có?". Ông Hiển cho hay, do chương trình được xây dựng trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có nên chắc chắn đội ngũ này sẽ trực tiếp thực hiện chương trình mới sau khi được tập huấn, bồi dưỡng thêm. Ông Hiển cũng dẫn chứng, thời gian qua giáo viên đã rất tích cực tham gia xây dựng và giảng dạy các chuyên đề dạy học tích hợp rất có hiệu quả.
Nhiều người lo ngại việc đẩy mạnh dạy học tự chọn ở cấp học THPT sẽ dẫn tới tình trạng giáo viên ở các môn ít học sinh lựa chọn (như các môn khoa học xã hội) sẽ bị dư thừa. Ông Hiển khẳng định: "Chắc chắn không có giáo viên dôi dư. Dù học tự chọn nhưng vẫn có những môn tự chọn bắt buộc. Ví dụ, HS chọn học phân hóa các môn khoa học tự nhiên sẽ phải học các môn khoa học xã hội theo hình thức tự chọn bắt các em buộc phải chọn bắt buộc".
Thay đổi tên gọi các khoa trong trường sư phạm
Với tư cách là nơi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, ông Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, chia sẻ những thay đổi trong nội dung và phương pháp đào tạo tại các trường sư phạm hiện nay. Để đáp ứng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp trong tương lai gần, ông Quang cho rằng vấn đề mấu chốt là sẽ phải phá vỡ sự “cát cứ” từng khoa đào tạo như hiện nay. Có thể vẫn tuyển sinh viên vào từng khoa toán, lý, hóa... nhưng trong quá trình đào tạo thì phải có sự phối hợp chặt chẽ để khi ra trường, giáo sinh có thể dạy được môn học hoặc các chuyên đề tích hợp. “Tương lai gần thì chắc chắn tên gọi của các khoa theo môn học như hiện nay trong các trường sư phạm cũng sẽ phải thay đổi”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.