Trường ĐH Văn Hiến tổ chức hội thảo về Brexit

02/08/2016 11:21 GMT+7

Sáng 3.8, tại Khách sạn Rex (TP.HCM) Trường ĐH Văn Hiến sẽ tổ chức Hội thảo Brexit và Cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu và quản lý trong và ngoài nước, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Brexit là một thuật ngữ tiếng Anh, có nghĩa là ủng hộ cho Liên hiệp Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Ngày 23.6.2016 đã trở thành một thời khắc mang tính lịch sử không chỉ của riêng nước Anh mà còn của cả thế giới, khi quốc gia này tổ chức lấy ý kiến người dân về việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước Anh và liên đới đến toàn cầu như thế nào? Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra và những tranh luận vẫn chưa có hồi kết.
Trước đó, ngày 31.12.2015, Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Trên cơ sở các sự kiện “nóng” này, Hội thảo Brexit và Cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập được tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết với các nội dung liên quan đến Brexit và tác động của nó đến kinh tế nước ta và tiến trình liên kết ASEAN; Brexit và những vấn đề đặt ra đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN; Tác động tiêu cực của Brexit đến nền kinh tế Việt Nam… Bên cạnh đó, một số tham luận đã nêu bật những vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN đến nguồn nhân lực, khả năng hội nhập của nguồn nhân lực về kế toán Việt Nam trong AEC. Đặc biệt, đại diện Trường ĐH Văn Hiến cũng có những giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao từ phía nhà trường để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Trường ĐH Văn Hiến là một trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ và đa hình thức đào tạo theo định hướng ứng dụng, linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Với phương châm đào tạo sinh viên Văn Hiến Thành nhân trước khi thành danh, qua 19 năm hoạt động nhà trường đã cung cấp cho xã hội hơn 15.000 cử nhân tốt nghiệp với 30 ngành và chuyên ngành. Đặc biệt trong số các ngành đào tạo của trường có 2 ngành “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo” trong 10 nước ASEAN là kế toán và du lịch. Hội thảo sẽ giúp cho nhà trường có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến

Theo thống kê của ngành du lịch, đến nay cả nước có khoảng 156 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn. Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến sau 13 khóa đã đào tạo được 3.750 sinh viên. Sinh viên ra trường có việc làm luôn đạt tỷ lệ trên 80%. Hiện nay, khoa Du lịch đang đào tạo 1.665 sinh viên với 2 ngành và 4 chuyên ngành. Từ năm 2014, trường đã có hướng cho khoa thực hiện đào tạo chất lượng cao ngành du lịch theo hình thức lớp chọn, chương trình cải tiến, đầu tư cao về các mặt, sinh viên được chọn lọc từ các lớp đại trà để tiến hành.
Trong bài tham luận của mình, nhóm tác giả thạc sĩ Nguyễn Tấn Trung, PGS.TS Phạm Xuân Hậu (khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Hiến) nhấn mạnh, để phục vụ tốt hội nhập thì một trong những kỹ năng quan trọng cần thiết là giỏi ngoại ngữ. Để đạt được mục tiêu đó, quá trình này tại Trường ĐH Văn Hiến bắt đầu từ việc chuẩn hóa trình độ và khả năng ngoại ngữ của giảng viên. Giảng viên phải có chuẩn trình độ ngoại ngữ cử nhân hoặc có quá trình học ĐH bằng ngoại ngữ, đạt kiểm tra kỹ năng thuyết trình và viết bằng ngoại ngữ hàng năm. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên khi ra trường có trình độ tối thiểu là B1 (theo quy đổi khung năng lực ngoại ngữ châu Âu) để đủ điều kiện tham dự học chuyên môn bằng ngoại ngữ. Chỉ như vậy, sinh viên ra trường mới đáp ứng tốt yêu cầu nhân lực thời kỳ hội nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.