Trường gắn ảnh sai, thí sinh không được dự thi

Quý Hiên
Quý Hiên
04/04/2018 07:37 GMT+7

Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết nhiều sơ suất của thí sinh khi khai thông tin đăng ký dự thi THPT quốc gia là do giáo viên phụ trách công tác ở các trường chưa hướng dẫn thí sinh đến nơi đến chốn.

Thầy cô không biết trường mình thuộc khu vực nào
Trong hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, các trường sư phạm năm 2018 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức tuần qua, ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, đưa ra một số điểm lưu ý mà thí sinh (TS) và các trường thường mắc phải trong quá trình hướng dẫn đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, các trường sư phạm đợt 1.
Theo ông Thái, những sơ suất này không chỉ do lỗi của TS mà chủ yếu là do các thầy cô không nắm vững quy định, lại chủ quan, dẫn tới việc để TS khai sai thông tin, không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của TS mà gây khó khăn trong việc điều hành chung. Theo ông Thái, thậm chí trong báo cáo gần đây về công tác chuẩn bị thi gửi tới Sở GD-ĐT, nhiều giáo viên còn điền thông tin sai về khu vực của trường mình.
“Có những quy định Bộ GD-ĐT đã thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, nhưng các thầy cô ở các điểm tiếp nhận hồ sơ không nắm rõ các quy định mới nên vẫn tiếp tục “hành” TS”, ông Thái cho hay.
Chẳng hạn, với TS tự do không đủ điều kiện dự thi năm trước do xếp loại hạnh kiểm yếu, trước đây yêu cầu phải được UBND xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật, nay yêu cầu là cần có xác nhận về nhân thân của công an xã/phường nơi cư trú. Các trường cần lưu ý để tránh đưa ra yêu cầu sai đối với TS. Năm nay cũng không bắt TS tự do phải nộp giấy khai sinh trong hồ sơ đăng ký dự thi.
Nhiều thầy cô ở điểm tiếp nhận cũng sơ suất khi nhận hồ sơ đăng ký của TS tự do. Chẳng hạn khi TS tự do đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH thì không kiểm tra bằng tốt nghiệp, để với trường hợp chưa tốt nghiệp thì phải kịp thời hướng dẫn TS đăng ký dự thi thêm môn để đủ điều kiện xét tốt nghiệp chứ không chỉ dự thi mấy môn trong tổ hợp xét ĐH. TS tự do đã tốt nghiệp trung cấp, chưa có bằng tốt nghiệp và không có học bạ THPT hoặc GDTX cấp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT.
“Không phải trường trung cấp nào cũng dạy các môn văn hóa để giúp TS hoàn thành chương trình THPT”, ông Thái nói.
Bịa số CMND, gắn nhầm ảnh
Ông Thái liệt kê một loạt lỗi mà năm ngoái nhiều trường mắc phải. Các lỗi phổ biến là nhập dữ liệu không đúng yêu cầu; nhập sai thông tin cá nhân (sai kiểu gõ tiếng Việt, sai font chữ, kiểu chữ, thiếu dấu, sai thông tin về chứng minh dân dân hoặc thẻ căn cước, điện thoại, email...); sai thông tin đăng ký xét tuyển như đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, nguyện vọng xét tuyển…
Theo ông Thái, năm ngoái có tình huống là “bịa” số CMND khi nhập thông tin của TS, vô tình số CMND này trùng với một số CMND thực của một TS khác. Khi Bộ GD-ĐT tổ chức chạy thử dữ liệu của TS trên toàn quốc thì phát hiện có 2 TS trùng CMND.
Bên cạnh đó còn có hiện tượng nhập sai dữ liệu ảnh của TS như dùng ảnh không đúng quy định, thiếu hoặc nhầm ảnh. Có trường thay vì dùng ảnh chân dung lại dùng ảnh chụp TS ngồi bên bờ hồ. Thậm chí dùng ảnh TS này gán cho TS khác. Hệ quả là giám thị không cho TS vào phòng dự thi, khiến Sở và trường phải khẩn trương tìm cách giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho TS.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia không phải đóng lệ phí
Bộ GD-ĐT mới ban hành công văn hướng dẫn kinh phí kỳ thi THPT quốc gia và thu giá dịch vụ tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trình độ ĐH hệ chính quy năm 2018.
Theo đó, về kinh phí tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, công văn nêu rõ: Các sở GD-ĐT không thu giá dịch vụ dự thi đối với tất cả thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2018 (kể cả học sinh đăng ký thi thêm các môn xét tuyển vào ĐH, CĐ). Ngân sách địa phương bố trí kinh phí để tổ chức kỳ thi và kinh phí chi trả cho cán bộ, giảng viên được Bộ GD-ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi.
Căn cứ vào khả năng cân đối với ngân sách địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định cụ thể mức hỗ trợ, đảm bảo phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ chi phí đi lại cho học sinh thi tại các địa điểm thi liên trường ở xa nhà học sinh. Mức giá dịch vụ dự tuyển trung cấp, CĐ và ĐH sư phạm hệ chính quy năm 2018 có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia tiếp tục giữ ổn định như năm 2017 là 30.000 đồng/nguyện vọng.
Về mức giá dịch vụ sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc cơ sở xét tuyển bằng kết quả học tập THPT, công văn này lưu ý: Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức giá dịch vụ tuyển sinh phù hợp, không thu quá cao làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh và tránh tình trạng xáo trộn trong các kỳ tuyển sinh. Thực hiện niêm yết giá, công khai thông tin giá dịch vụ tuyển sinh và không được thu cao hơn giá niêm yết.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.