Trường học chưa coi trọng tính cá nhân học sinh

12/12/2016 14:01 GMT+7

Nhà trường chưa quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của từng học sinh, vì thế vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trong học đường.

Đó là nội dung được đưa ra tại hội thảo khoa học về hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục do Quỹ hòa bình và phát triển VN, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
Chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường
Tiến sĩ khoa học (TSKH) Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng dù đã hô hào đổi mới giáo dục từ 16 năm nay nhưng chúng ta chưa bao giờ tôn trọng tính cá nhân của học sinh (HS). Ngay bây giờ, giáo dục phẩm chất và năng lực cũng chỉ từ bên ngoài chứ chưa quan tâm đến giáo dục chính trị từ bên trong. Cũng theo tiến sĩ Tiến, văn hóa học đường chưa được quan tâm xây dựng, thực tế văn hóa tiêu cực đang lấn át.
Liên quan vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhìn nhận thước đo của nhà trường không chỉ bởi điểm số cao, số lượng người học đông mà còn bởi chính thái độ, tình cảm và trách nhiệm của người học. “Tôi rất buồn khi nghe thấy một bộ phận HS sẵn sàng bỏ học môn sử. Vấn đề cho thấy ở đây không chỉ phương pháp dạy học mà còn bộc lộ tình cảm, nhân sinh quan của người học”, bà Ninh nói.

tin liên quan

Học sinh được chọn trường, môn học và giáo viên?
Bộ GD-ĐT đang gấp rút thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới để thay thế chương trình phổ thông hiện hành với định hướng chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng nền giáo dục mở, thực học...
 

Đồng quan điểm, bà Phạm Lan Hương, Quỹ hòa bình và phát triển VN, cho rằng nhà trường và người thầy hiện chưa bám sát vào thực tế đời sống mà chỉ dạy cái mình có, chưa dạy cái xã hội cần. Điều này dẫn đến nhà trường dạy giá trị truyền thống nhưng HS tiếp thu các giá trị bên ngoài từ đường phố, truyền thông, phim ảnh… dẫn đến tồn tại khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn và những hệ quả như bạo lực xã hội.
Theo GS-TSKH Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), để đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, nhà trường còn phải có sự tương đồng với ngoài xã hội. “Một trong những sai lầm của chúng ta là mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm nên dạy giá trị không hiệu quả. Nhà trường dạy điều này mà thực tế xã hội diễn ra khác nên để lại nhiều hệ quả xấu. Vì vậy nhà trường phải chuyển từ môi trường văn hóa biệt lập thành một bộ phận của môi trường chung”.

Bất cập từ chương trình
Theo GS-TSKH Lê Ngọc Trà, chương trình học một số môn trong trường phổ thông hiện nay bất hợp lý và chưa chú trọng đến giáo dục hệ chính trị. Tiến sĩ Trà nói: “Tôi cho rằng nhiều môn học chưa hướng đến việc dạy giá trị. Chẳng hạn, lịch sử hiện được xếp vào nhóm môn khoa học xã hội nhưng theo tôi, đây còn là môn thuộc lĩnh vực nhân văn và nghệ thuật. Nếu chỉ coi đây là môn khoa học thì kiến thức truyền tải tới HS chỉ toàn số liệu và HS không thích thú. Trong khi lịch sử dân tộc bao gồm nhiều thứ khác”.
Cũng theo tiến sĩ Trà, nhạc họa hiện được xếp vào nhóm môn học về kỹ năng. Ở nước ngoài, môn này HS được vẽ bất cứ thứ gì mình muốn, trong khi chúng ta đang dạy HS cách vẽ sao cho giống. Tương tự, môn văn hiện cũng đang xếp vào nhóm môn khoa học, tức là môn khoa học về văn học. Đúng ra, văn là môn liên quan đến giá trị nên phải xuất phát từ quan niệm văn hóa rộng lớn để xây dựng chương trình.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thừa nhận thời gian qua trường đào tạo sư phạm chưa làm tốt vai trò trong việc giáo dục chính trị. Vì lẽ đến nay trường này vẫn chưa có một môn học riêng biệt về lĩnh vực này.

Phần dạy làm người còn quá ít !
Với quan niệm giáo viên là người tác động trực tiếp đến HS, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng phân tích: “Đôi khi chúng ta giật mình vì HS đánh nhau quá nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn ngược lại về phía người thầy, dù rất hiếm nhưng vẫn thấy đâu đó có những trường hợp thầy cô giáo mắng HS quá nặng. Tôi cho rằng người thầy không thể nào dễ dàng quát mắng hoặc đuổi HS, ngay cả HS cá biệt”, ông Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho rằng phải xóa bỏ 3 căn bệnh: gian dối, bạo lực và áp đặt trong nhà trường. Thay vào đó là xác lập giá trị nhân văn, trong đó trung thực là số 1 trong giảng dạy, với người học và người dạy. Theo ông Kính: “Để khắc phục bạo lực học đường thì người thầy trước hết không thể ứng xử bằng vũ lực hoặc mạt sát học trò, người học phải tôn trọng lẫn nhau… Chúng ta đào tạo kiến thức nhiều nhưng phần “dạy làm người” còn ít lắm”.

tin liên quan

Giáo viên sẽ không chỉ là ‘thợ dạy’
Chương trình giáo dục phổ thông chỉ có thể chuyển hướng sang giáo dục tích hợp, phân hóa, dạy học sinh trải nghiệm sáng tạo khi có đội ngũ giáo viên đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu chứ không chỉ là “thợ dạy” như thường thấy hiện nay.
 

Cần nắm vững mục tiêu dạy và học làm người
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển VN, cho rằng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo cần nắm vững mục tiêu dạy và học làm người, tức hình thành nhân cách người học. Ngành giáo dục đang xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa mới thì cần có sự quán triệt quan điểm cốt lõi này. Cũng theo bà Bình, ngành sư phạm có nhiệm vụ đào tạo những người thầy giỏi chuyên môn đồng thời là nhà giáo dục, còn nhà trường phải là một môi trường văn hóa tiêu biểu.
Bà Bình cũng nhấn mạnh giáo dục đào tạo coi mục đích tối thượng là phát triển con người - dạy và học làm người chứ không chỉ đơn thuần cung cấp nhân lực, dù nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề bức bách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.