Trường học lạm thu do lạm dụng xã hội hóa?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/01/2019 08:08 GMT+7

Tự chủ tài chính với trường phổ thông đồng nghĩa với bản thân mỗi trường phải tìm kiếm các nguồn thu và khả năng lạm dụng chính sách xã hội hóa để tạo nguồn thu, gia tăng học phí hoặc các khoản nộp ngoài học phí...

Những vấn đề về tự chủ trong nhà trường đã được các chuyên gia trình bày thẳng thắn trong hội thảo khoa học cấp quốc gia góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM sáng 16.1.

Nhiệm vụ của hiệu trưởng không phải để tăng nguồn thu

Đề nghị bảng lương đặc thù cho giáo viên
PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt vấn đề: “Dạy ĐH thậm chí còn dễ hơn bậc mầm non nhưng lương bổng giáo viên bậc học này lại quá thấp vì hiện bảng lương giáo viên đang cào bằng với các ngành nghề khác. Có nên quy định trong luật Giáo dục sửa đổi về quy chế tuyển dụng đặc thù và thang bảng lương đặc thù với nhà giáo?”.
Liên quan tự chủ tài chính, PGS-TS Nguyễn Văn Vân, nguyên Trưởng khoa Luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng chúng ta đang nhầm lẫn giữa tự chủ giáo dục với tự tìm nguồn thu.
Ông Vân nói, tự chủ ĐH thì ủng hộ tuyệt đối nhưng với giáo dục phổ thông phải xem lại. Ở bậc ĐH thì tự chủ tài chính bao gồm tạo lập, phân phối và kiểm soát nguồn thu. Nhưng ở bậc phổ thông, tự chủ chỉ dừng lại ở việc phân phối và kiểm soát nguồn thu. Còn tạo lập nguồn thu không phải nhiệm vụ của hiệu trưởng. Hiệu trưởng không phải làm nhiệm vụ xoay xở để tăng nguồn thu.
Với bậc phổ thông, đặc biệt tiểu học và THCS, theo ông Vân, không nên và không thể đặt ra vấn đề tự chủ tài chính vì bản chất, mục tiêu và nhiệm vụ chỉ phổ cập kiến thức cho một công dân. Nhà nước chuyển kinh phí cho trường thực hiện nhưng song song với quyền là trách nhiệm. Một quốc gia nghèo nàn đến mấy cũng phải đảm bảo được kinh phí cho giáo dục bắt buộc. Nhà nước không thể chuyển gánh nặng tài chính giáo dục phổ thông cho người học dù dưới bất kỳ danh nghĩa tự chủ hay xã hội hóa giáo dục.
Theo ông Vân, nếu đặt ra tự chủ tài chính với trường phổ thông đồng nghĩa với bản thân mỗi trường phải tìm kiếm các nguồn thu và khả năng lạm dụng chính sách xã hội hóa để tạo nguồn thu, gia tăng học phí hoặc các khoản nộp ngoài học phí và đi ngược với chính sách giáo dục bắt buộc mà dự thảo luật đề ra.
“Chúng ta không nên đánh tráo khái niệm, lạm dụng khái niệm xã hội hóa để lạm thu. Nếu không tuyên bố rõ trong luật chúng ta sẽ hiểu lệch lạc các khái niệm này”, ông Vân nhấn mạnh.
Ông Vân nói thêm: “Khái niệm tự chủ trong ĐH ở nước ngoài là tự trị ĐH và gắn liền với tự do học thuật. Còn ở VN, khi gõ tìm từ khóa thì tự chủ tài chính dẫn đến tự chủ ĐH, tức lấy tài chính làm trọng tâm nên rất thực dụng”.
Từ đó, ông Vân đề xuất, không nên bổ sung trong dự thảo này một điều luật về tự chủ giáo dục, thay vào đó là cụ thể hóa bằng các quyền và nghĩa vụ. Khi đó tinh thần tự chủ xuyên suốt trong toàn văn bản luật.

Có nên phát triển trường công chất lượng cao ?

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), đặt ra vấn đề trường công lập chất lượng cao và tư nhân thuê cơ sở giáo dục công lập.
Thạc sĩ Anh cho biết, những năm gần đây mô hình trường công lập được triển khai ở nhiều địa phương với các tên gọi khác nhau. Nhưng luật Giáo dục không quy định nên rất khó để phát triển lâu dài và nguy cơ mất công bằng trong giáo dục nên luật sửa đổi cần có quy định này.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo dục phổ thông mà đặc biệt là tiểu học và THCS, không nên triển khai chương trình chất lượng cao thu học phí cao ngay trong trường công lập. Vì đây là bậc học bắt buộc, cần có sự đồng đều và nếu muốn có môi trường học tốt hơn thì học sinh có thể lựa chọn trường tư hoặc trường quốc tế.

Chương trình nặng vì thiếu tự chủ

Tiến sĩ Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho biết mức độ tự chủ của các trường hiện nay còn đang giới hạn nên dự thảo luật đề cập rất đúng.
Theo tiến sĩ Ly, tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho các trường không chỉ sách giáo khoa mà còn phương pháp tiếp cận. Vì thế quyền tự chủ này cần được khẳng định để thực hiện quyền mà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng đến. Nhưng trong dự thảo luật này, quyền tự chủ của trường về chuyên môn hay cách tiếp cận giáo dục không được nêu ra, hàm ý trường phải tuân theo sự chỉ đạo của các cấp nhà nước.
“Chương trình hiện nặng nhưng các trường không có quyền thay đổi. Các trường tư và quốc tế đồng thời phải duy trì chương trình nhà nước và chương trình bổ sung mà họ thấy rằng xã hội có nhu cầu, dẫn đến chương trình học rất nặng nề. Vì vậy, mới có xu hướng không đáng khuyến khích là học sinh chuyển từ trường phổ thông sang chương trình giáo dục thường xuyên - một lựa chọn tiêu cực để có một bằng đáp ứng để vào ĐH”, tiến sĩ Ly nêu ví dụ.
Tiến sĩ Ly đề xuất, cần trao quyền cho các trường lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy miễn đáp ứng được nội dung quy định trong giáo dục phổ thông tổng thể. Khi đó, mức độ can thiệp của các cơ quan nhà nước (như sở, phòng) cần cân nhắc lại để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.