Trượt đại học không phải là tai họa

23/08/2016 14:34 GMT+7

Khi đợt xét tuyển đầu tiên vừa kết thúc, không ít thí sinh không trúng tuyển đã rơi vào trạng thái suy sụp và có nhiều hành động tiêu cực khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Nhốt mình trong phòng
Chị T., một phụ huynh ở H.Đức Phổ, Quảng Ngãi gọi điện đến Báo Thanh Niên với tâm trạng hết sức lo âu. Chị cho biết con gái chị nộp vào 2 trường ĐH ở đợt 1 với 4 nguyện vọng thì trượt cả 2 trường. Ngay sau khi biết kết quả, thí sinh này đã vùi mình trong phòng, không ăn uống, không trò chuyện với bất cứ ai. “Tinh thần cháu rất tệ. Năm nay cháu mà không được đi học trường nào thì cả nhà tôi chắc cũng sẽ suy sụp theo”, giọng chị T. nghẹn lại.
Một phụ huynh từ Bình Dương cũng chia sẻ với giọng gần như hoảng loạn, khi con của chị không đậu trường nào trong đợt 1. Ngay trong buổi tối 14.8, thí sinh này quá tuyệt vọng nên bỏ nhà đi lang thang. Cả nhà huy động đi tìm, nhờ cả bạn bè cùng lớp giúp đỡ, cuối cùng tìm thấy con bơ phờ ở một góc đường gần trường THPT nơi em theo học. Phụ huynh này cho biết bằng bất cứ giá nào năm nay con mình cũng phải đi học ĐH, trường nào cũng được, học phí cao thấp không quan trọng, miễn là con chị không phải ở nhà nhìn chúng bạn đổ về TP.HCM nhập học.

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, cho biết: “Các em chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình và xã hội, và ngay cả áp lực từ bản thân, rằng học xong THPT là phải đậu ĐH. Nếu không đậu thì coi như đó là sự thất bại, là một điều đáng xấu hổ. Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm đã ăn sâu vào trong mỗi phụ huynh và thí sinh. ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời và để thành công. Thời nay, xã hội không quá đề cao bằng cấp như trước nữa, mà cần thực lực. Cho nên, các em không cần phải vào ĐH bằng bất cứ giá nào, vì còn rất nhiều con đường dẫn đến thành công khác để ta có thể lựa chọn”.
Thiếu lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề
Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu tuyển dụng theo trình độ của doanh nghiệp qua các năm, thì nhu cầu nhân lực trung cấp và CĐ luôn chiếm tỷ trọng cao.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm này, nhìn nhận: “Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công. Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện đang rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có”.

tin liên quan

Thí sinh có sự lựa chọn khác
Có nhiều lý giải cho hiện tượng nhiều trường ĐH, kể cả những trường 'tốp trên' vẫn không tuyển đủ thí sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên. Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để tìm hiểu nguyên nhân.

Ông Tuấn cho rằng học ĐH là một nhu cầu chính đáng, nhưng phải có chất lượng chứ không đơn thuần đi học chỉ vì bằng cấp hay vì danh dự. “Nếu không đủ năng lực để học ĐH, thí sinh có nhiều con đường khác, như học CĐ, học nghề. Học bậc nào thì cũng chỉ để tương lai có một nghề nghiệp. Thị trường lao động cần những người có chuyên môn, kỹ năng, đạo đức và thái độ làm việc chuyên nghiệp, chứ không phải một người có bằng cấp cao mà thiếu những yếu tố đó. Nếu vào ĐH bằng mọi giá nhưng học ngành mình không thích, học ĐH vì sĩ diện, thì cuối cùng cũng bỏ ngang. Sự thất bại này còn lớn hơn là việc rớt ĐH”, ông Tuấn chia sẻ.
Giảng viên Lã Hoài Tuấn, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin: “Số liệu của Bộ LĐ-TB-XH công bố tháng 2.2016 gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Khi các em chọn đúng nghề yêu thích và phù hợp thì bậc học chỉ là vấn đề phụ”.

tin liên quan

Trường lớn thiếu thí sinh, vì sao?
Mặc dù Bộ GD-ĐT cho rằng việc các trường ĐH tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 đã được dự đoán trước, nhưng thực tế hiện nay chính các trường ĐH cũng tỏ ra rất bất ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.