TS.Đào Lê Hòa An: Mỗi ‘mầm non nhân tài’ cần được ươm dưỡng theo cách riêng

15/05/2021 09:00 GMT+7

Mỗi đứa trẻ đều sớm bộc lộ khả năng riêng, cần được phát hiện kịp thời, tạo mọi điều kiện để phát triển tốt nhất.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược một trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp.
Thưa TS.Hòa An, cách nào để nhìn ra khả năng của một đứa trẻ từ góc độ nhà trường và phụ huynh?
TS, Đào Lê Hòa An: Theo lý thuyết đa trí tuệ của tiến sĩ tâm lý học Howard Gardner, có 9 loại hình trí thông minh: logic - toán học, âm nhạc, ngôn ngữ, vận động, thiên nhiên, nội cá nhân, liên cá nhân, không gian, triết học. Mỗi người đều sở hữu tất cả các loại hình này, tuy nhiên mức độ của từng loại trí thông minh là khác nhau.
Vì thế, nhà trường cần nhìn nhận học sinh ở nhiều góc độ, không chỉ là điểm số trên lớp. Thầy cô giáo có thể quan sát hoặc trò chuyện để thấu hiểu ước mơ, đam mê của các em, hoặc tăng cường trao đổi cùng các giáo viên khác để có cái nhìn toàn diện hơn về những tố chất và năng lực của trẻ.
Cha mẹ hãy tạo nhiều cơ hội để con tiếp cận và tăng cường trải nghiệm trong môi trường thực tế, tự con sẽ cảm nhận và hiểu rõ chính bản thân mình, cả kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất. Cha mẹ hãy tập trung lắng nghe, quan sát thật kỹ và dành thời gian đồng hành cùng con trong các hoạt động và giao tiếp, sẽ nhận ra con yêu thích cái gì, con có khả năng ở đâu, môi trường nào thì con sẽ bộc lộ rõ nhất tài năng của mình.
Mỗi đứa trẻ sẽ có những thời gian vàng để phát triển khả năng, vậy cha mẹ làm sao để xác định được thời gian vàng đó cho con mình?
Mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển riêng của mình, cũng như thời gian vàng để phát triển khác nhau. Có thể kể đến một số giai đoạn dễ thấy như sau. Phát triển ngôn ngữ: từ 1 đến 3 tuổi; Phát triển nhận thức, trí tuệ: cấp tiểu học; Phát triển cảm xúc, khả năng giao tiếp: cấp THCS; Hình thành ý thức lựa chọn nghề nghiệp: cấp THPT.
Nếu bỏ lỡ giai đoạn thì sẽ khó khăn để hình thành nên phẩm chất, khả năng của trẻ. Chẳng hạn, nếu trẻ 1-3 tuổi không được trò chuyện thường xuyên, chỉ cho tiếp xúc với tivi, điện thoại sẽ khiến cho trẻ bị chậm nói, hạn chế giao tiếp, bày tỏ cảm xúc và để khắc phục điều này là rất khó khăn (vì đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong sự phát triển về ngôn ngữ).
Vì thế, phụ huynh nên lưu tâm các mốc thời gian trên, tạo nhiều không gian, cơ hội cho con trải nghiệm, khám phá chính bản thân mình, phù hợp với từng giai đoạn. Hãy lựa chọn môi trường giáo dục mà ở đó tôn trọng sự phát triển của từng cá nhân và tạo điệu kiện tối đa cho sự phát triển đó.
Nhìn ở góc độ giáo dục, mỗi “mầm non tài năng” cần được “chăm” thế nào, thưa tiến sĩ?

Nhìn ở góc độ giáo dục, mỗi “mầm non tài năng” cần được “chăm” thế nào, thưa tiến sĩ?

Nhà trường và phụ huynh kết hợp tạo nhiều sân chơi cho trẻ, không đặt nặng điểm số hay dùng kết quả học tập để đánh đồng về năng lực của trẻ. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các CLB, đội nhóm năng khiếu mà trẻ yêu thích, để trẻ có cơ hội hoạt động, giao tiếp nhiều.
Đặc biệt, nhà trường cần chú trọng việc nâng đỡ, đồng hành sát sao để giúp trẻ phát triển khả năng riêng. Qua diễn đàn “Mỗi đứa trẻ là một nhân tài”, chúng ta có thể thấy Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) hoạt động theo tiêu chí “tận tâm ươm dưỡng nhân tài mỗi ngày”, tức là xem mỗi đứa trẻ đều là một “chồi non nhân tài”, và nhiệm vụ của những người làm giáo dục là chăm bẵm, nuôi dưỡng và phát triển chồi non ấy. Điều đó sẽ giúp trẻ được phát triển hết khả năng của mình. Đây theo tôi là một quan điểm giáo dục hiện đại mà ít trường phổ thông tại Việt Nam dám theo đuổi.
Khi đã phát hiện được khả năng đặc biệt của con mình, cha mẹ cần làm gì để con duy trì và phát triển được khả năng ấy? Trong việc định hướng để trẻ phát huy được khả năng cao nhất, cần lưu ý điều gì?
Thực ra, theo tôi thì chúng ta nên có quan điểm trong nuôi dạy con cái theo cách “con sẽ là" thay vì “con phải là". Qua tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh, học sinh cũng như tham gia tư vấn, gỡ rối cho các em, tôi thấy có 3 kiểu phụ huynh thường gặp.
Kiểu thứ nhất, phụ huynh đặt ra rất nhiều mục tiêu cho con cái theo ý muốn của mình, khiến cho con cái cảm thấy chênh vênh. Kiểu thứ hai, phụ huynh muốn con thực hiện mục tiêu của chính con. Đứa trẻ này sẽ tìm được hướng đi, cơ hội của bản thân và dành sự nỗ lực để đạt kết quả cho chính mình. Kiểu thứ ba, đó là phụ huynh không quan tâm, không định hướng, gần như bỏ mặc con mình muốn làm gì thì làm. Đứa trẻ sẽ thấy bản thân không có động lực, bố mẹ không đồng hành, dễ nản lòng và bỏ cuộc.
Vì vậy, nếu ví trẻ như mầm non, thì mỗi mầm non có cách tiếp nhận nước, ánh sáng khác nhau, sự vun trồng khác nhau để lớn lên, đâm hoa kết trái. Chúng ta gieo trồng bằng tình yêu, bằng sự hiểu biết, bằng sự khuyến khích, đồng hành, bằng môi trường phù hợp, thì sẽ gặt hái được hoa thơm trái ngọt. Thương con là bản năng, giáo dục con là cả một nghệ thuật là như vậy.
Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi bổ ích này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.