Tư vấn mùa thi: Làm sao để không chọn nhầm nghề

Hà Ánh
Hà Ánh
25/04/2021 08:12 GMT+7

Chọn nghề theo đam mê hay kiếm tiền giỏi, làm sao để không phải sợ thất nghiệp và chọn nhầm nghề khi ra trường... là những tâm tư rất thiết thực của học sinh tỉnh Bình Dương trong chương trình Tư vấn Hành trang tương lai.

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương và Tỉnh đoàn tổ chức tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Bình Dương hôm qua (24.4).
Chương trình được trực tuyến tại các địa chỉ: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Học ngành đam mê hay kiếm tiền ?

Học sinh (HS) Đặng Như Phong (Trường THPT Nguyễn Trãi, Bình Dương) băn khoăn: “Thanh niên ngày nay khi ra trường ngoài sợ thất nghiệp còn sợ chọn sai ngành nghề, vậy làm sao để tránh nguy cơ chọn nhầm nghề và khi chưa trải qua công việc làm sao biết để chọn đúng?”. Cùng liên quan chọn ngành, một HS khác trăn trở: “Có nhiều ý kiến cho rằng mình phải theo đuổi công việc đam mê, nhưng nếu theo đuổi đam mê mà không kiếm ra tiền trang trải cuộc sống thì có bị gọi là ích kỷ không?”.

Học sinh tranh nhau giơ tay đặt câu hỏi

Phạm Hữu

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói: “Không ai đảm bảo ở thời điểm 18 tuổi này chúng ta sẽ chọn nghề đúng chính xác 100%. Tất nhiên, sẽ có những cách để hạn chế tối đa việc chọn sai ngành”. Ở thời điểm này khi chưa trải qua công việc, theo ông Nhân, chúng ta nên bắt đầu từ việc quan sát xã hội xung quanh để tìm hiểu thông tin về các ngành nghề. Từ sự hiểu rõ vị trí việc làm, xem xét năng lực bản thân đến tìm ngành, trường đào tạo ngành học đó.
Liên quan việc làm theo đam mê và để kiếm tiền, tiến sĩ Nhân tư vấn: “Thực tế đi làm gần 30 năm nay tôi thấy không vị trí việc làm nào không kiếm ra tiền. Vì vậy, bạn hoàn toàn vừa có thể làm một công việc đồng thời đáp ứng được cả 2 yếu tố trên. Ví dụ, một người đam mê du lịch thì có thể làm công việc liên quan đến lĩnh vực này, khi đó vừa được thỏa thích đi du lịch đó đây, vừa kiếm ra tiền từ công việc đó”.
Một HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (Bình Dương) hỏi: “Em rất thích các môn lý luận chính trị như triết học nhưng cảm thấy không có tương lai nghề nghiệp, vậy em phải làm gì?”. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định xã hội rất cần những người theo học lĩnh vực này. Chẳng hạn, tốt nghiệp ngành giáo dục chính trị tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thể trở thành giáo viên, giảng viên dạy môn chính trị, giáo dục công dân hoặc chuyên gia nghiên cứu các vấn đề lý luận.
Tư vấn mùa thi: Làm sao để không chọn nhầm nghề1

Học sinh liên tiếp đặt câu hỏi tại chương trình Tư vấn Hành trang tương lai

ẢNH: PHẠM HỮU

Học gì để làm giám đốc ?

HS Minh Tuấn (Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) thì hỏi: “Sau này em muốn làm giám đốc, em nên học ngành nào cho vị trí công việc này?”. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân khẳng định: “Thực tế có những người không học ĐH vẫn làm giám đốc, trong đó có những người làm rất tốt vai trò này bởi do họ có sẵn các năng lực cần thiết. Nhưng với một người bình thường, để trở thành một giám đốc bền vững, có nhiều đóng góp cho xã hội và phát triển bản thân, thì vẫn cần học ĐH”. Theo ông Nhân, việc chọn ngành học khi muốn trở thành giám đốc, trước hết cần xác định lĩnh vực muốn hoạt động, trang bị học đúng ngành, trang bị những kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bên cạnh đó cần trang bị thêm nhiều kỹ năng khác, trong đó có kỹ năng quản trị.
Một HS Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) hỏi: “Có robot, máy tính thông minh thay thế con người trong lĩnh vực ngôn ngữ, sau này người học những ngành này có triển vọng không?”. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, khẳng định không thể có chuyện robot và máy móc thay thế hoàn toàn con người. Máy móc rất hạn chế trong việc tương tác, tư duy sâu và những công việc này không thể thay thế con người. Vấn đề còn lại là chúng ta cần chuẩn bị hành trang gì về chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.
Tích lũy kiến thức đề thi năng lực ra sao ?
Theo thạc sĩ Đồng Thị Tuyết Hạnh, Trưởng phòng Khảo thí Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, HS cần có sự tích lũy kiến thức lâu dài trong quá trình học THPT. HS cần tạo thói quen học tập chủ động, luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Khi tiếp cận thông tin luôn đặt câu hỏi vì sao, tư duy phản biện vấn đề. “Tư duy logic không phải hoàn toàn do thói quen, mà còn nhờ vào quá trình rèn luyện. Khi đã rèn luyện được các kỹ năng này, HS dễ dàng “đối mặt” với kỳ thi đánh giá năng lực và các kỳ thi khác”, thạc sĩ Hạnh khuyên.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ để tổ chức thành công chương trình: Sở GD-ĐT Bình Dương, Tỉnh đoàn Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (THALEXIM), Kim Oanh Group, Công ty cổ phần đầu tư - bất động sản Thành Phương (Bình Phước), World Trade Center Binh Duong New City (WTC), Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước.
Cảm ơn Công ty cổ phần đầu tư - bất động sản Thành Phương trao 21 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho HS học giỏi, vượt khó mỗi suất 2 triệu đồng; Công ty Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.