Tư vấn trực tuyến ôn thi môn Tiếng Anh

01/05/2008 22:28 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 5.5, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sẽ tổ chức tư vấn trực tuyến hướng dẫn những kỹ năng ôn tập và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2007 - 2008 vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần trên Thanhnien Online.

Buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên về cách ôn thi tốt môn Tiếng Anh đã diễn ra vào lúc 15h ngày 5.5. Khách mời tham dự chương trình gồm: ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn Tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM và bà Trần Thụy Thùy Trinh - giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Trong số các môn học, em thấy Anh văn là môn tương đối không khó lắm so với Toán và Văn nhưng thực tế thì môn này lại là môn "chông chênh" nhất khi đi thi. Vậy liệu có giới hạn kiến thức nào hay các kĩ năng nào cần được rèn luyện để đảm bảo tính an toàn và tự tin để làm bài Anh văn được 8 điểm trở lên? (Nguyễn Bảo Trường Anh)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn Tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM: Em mong muốn được điểm 8 có nghĩa là tiếng Anh của em cũng khá tốt và em cũng rất tự tin. Thường thì các học sinh khá giỏi không mất điểm ở phần ngữ pháp mà mất điểm ở phần từ vựng và đọc hiểu. Vậy nên, em cố gắng ôn luyện về từ vựng và làm thêm các bài tập về đọc hiểu theo các chủ điểm có trong SGK. Chúc em thành công!

* Em muon hoi lam sao hoc tu vung 1 cach nhanh nhat trong vong 1 thang du kien thuc de thi tot nghiep cho tot? (hoang van son, to 12 ap suoi nhat, xuan dong, cam my, dong nai)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh - giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM): Trước tiên em cần ôn các từ vựng trong SGK thông qua các bài đọc, các bảng dạng từ (word chart). Bên cạnh đó, em cần làm các bài tập từ vựng (các sách bài tập, sách tham khảo, các đề thi của các năm trước...), liên hệ giữa các từ với nhau (từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, các từ cùng chủ đề....).

Đại diện báo Thanh Niên (trái), tặng hoa cho khách mời tham dự buổi tư vấn trực tuyến. Ảnh Khả Hòa

* Cho em hoi tai sao thi trac nghiem nhung mon nhu la: li, hoa... de thi chi co 40 cau, tai sao thi trac nghiem mon anh van de thi lai co 50 cau? (tran thi thuy van, tp da lat)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Ở các môn Lý, Hóa, thí sinh phải giải các bài toán để có được đáp án. Còn trong Tiếng Anh, thí sinh chỉ cần trả lời cho từng câu hỏi ngắn, nên tổng số câu phải nhiều hơn. Tuy vậy, cũng không phải thời gian rộng rãi lắm nên em cần phải tập trung giải quyết nhanh các vấn đề về ngữ pháp, dành thời gian làm bài đọc hiểu cho tốt.

* Cho em hoi co cach nao de lam bai thi mon tieng anh phan phat am va nhan trong am khong a. Thi tieng anh em rat ngai lam phan do. Xin chi cho em cach hoc ve phan do? Em cam on nhieu lam. (nguyen huu loc, TP.HCM)

* Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Học sinh thường được học rất nhiều và rất kỹ các cấu trúc câu, tuy nhiên vốn từ vựng lại không đủ để đáp ứng yêu cầu của bài thi (thường ở phần điền từ và đọc hiểu). Do vậy để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi, các em cần đầu tư ôn tập về phần từ vựng. Ôn tập cũng như mở rộng phần từ vựng (theo các chủ điểm của chương trình đã học) sẽ giúp các em không hoang mang trước những từ mới, lạ trong bài thi.

Đề thi không bao giờ mang tính chất đánh đố và luôn tập trung vào những chủ điểm, từ vựng và cấu trúc mà các em đã học trong chương trình phổ thông. Do vậy em cần ôn tập sát theo chương trình SGK theo hướng dẫn của các thầy cô ở lớp. Khi vào phòng thi cần bình tĩnh để vận dụng các kỹ năng làm bài một cách tốt nhất.

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Đối với phần trọng âm và phát âm: lưu ý một số quy tắc cơ bản (Ví dụ: nếu một từ tận cùng bằng -ity thì dấu nhấn đặt ngay trước đó...), trong khi học từ vựng kết hợp học luôn trọng âm và phát âm. Lưu ý một số phần cơ bản như cách phát âm cuối của danh từ số nhiều (âm -s cuối), dạng động từ quá khứ có quy tắc (âm -ed cuối).

* Em đang ôn môn Tiếng Anh để thi tốt nghiệp nhưng em rất yếu về phần nhấn các vần trong Tiếng Anh. Vậy Ban tư vấn có thể giúp em một số mẹo để làm được phần nhấn vần. Ví dụ: chọn từ có trọng âm chính nhấn vào âm tiết có vị trí khác với vị trí còn lại: A: miraculous B:conspicous C:contiventional D:continental. Em xin cám ơn! (trần nhân tâm)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Thật ra, phần chọn từ có dấu nhấn khác với các từ còn lại không khó bằng phần phát âm vì đa phần các từ đều có luật dấu nhấn. Nói chung, các từ thường có dấu nhấn vần đầu trừ đa phần các động từ có dấu nhấn ở vần 2 và các từ có tiếp tố đầu thì dấu nhấn sẽ ở vần kế đó. Các ví dụ em cho là hơi khó so với trình độ thi tốt nghiệp vì lúc đó, thí sinh phải nắm được các tiếp tố đuôi ảnh hưởng đến dấu nhấn. Ở mức độ thi tốt nghiệp, em chỉ cần nhớ một vài tiếp tố đuôi thông dụng có ảnh hưởng đến dấu nhấn như: -tion, -sion, -ity, -ical, -ify; với các tiếp tố này, dấu nhấn sẽ rơi vào vần ngay trước chúng.

* Em muốn xin một số đề thi để tự ôn tập ở nhà, mong chương trình gởi cho em một vài đề thi mẫu. Trân trọng cám ơn. Nhân đây em xin hỏi ban tư vấn về việc học Tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả hơn. Em học mà không nhớ từ vựng nên không làm bài điền từ và đọc hiểu được. (Nguyen Linh Ngoc, THPT Đơn Dương, Lâm Đồng)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Em có thể tham khảo các đề thi của các năm trước trong một số sách hướng dẫn ôn tập của Bộ GD-ĐT. Các đề thi này đều có đăng trên các trang web của các báo.

Để nhớ được từ vựng em cần học từ trong văn cảnh của nó và liên hệ giữa các từ với nhau về mặt nghĩa, thực tập dùng những từ đó để có thể nhớ sâu hơn. Đối với các bài tập điền từ và đọc hiểu, em cần làm quen với các chủ đề, đọc lướt để nắm chủ đề của đoạn văn, đối với bài điền từ, cần tìm các cụm từ hay đi với nhau (collocations) hoặc cấu trúc ngữ pháp để điền cho thích hợp. Đối với bài đọc hiểu cần ứng dụng kỹ năng skimming (đọc lướt lấy ý chính) và scanning (lấy ý cụ thể) để trả lời các câu hỏi cho chính xác. 

* Điền vào chỗ trống là phần mà em thấy khó nhất, cái đó phải biết nhiều từ vựng mà chủ đề của những phần đó nói về nhiều đề tài thì thiệt là khó. Có cách nào cho em dễ nhận biết, dễ làm và phần đánh trọng âm nữa? (Nguyễn Ngọc Anh Linh, Biên Hòa, Đồng Nai)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Quả đúng là phần chọn từ điền vào đoạn văn là tương đối khó. Tuy nhiên, khi ôn tập em chỉ cần chọn các bài đọc hiểu có chủ điểm phù hợp với các bài khóa có trong SGK mà thôi. Bên cạnh đó, các từ để chúng ta chọn không nhất thiết là về từ vựng mà còn liên quan đến ngữ pháp, cấu trúc, ví dụ như dạng thức của động từ, mạo từ, đại từ quan hệ... Vậy nắm vững ngữ pháp cũng giúp em làm tốt dạng đề này. Về phần trọng âm, thầy đã trả lời một bạn ở trên, em có thể tham khảo thêm.

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ (phải), đang giải đáp những thắc mắc của các thí sinh. Ảnh Khả Hòa

* Cháu muốn hỏi về môn Anh văn, ví dụ muốn viết một bài luận thì phải cần làm như thế nào để có một bài luận hoàn chỉnh? Cháu có ý để viết nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu cả, mong quí thầy cô cho cháu đôi lời về cách viết bài luận 1 cách hoàn chỉnh và đầy đủ ý. Cháu xin chân thành cảm ơn quí thầy cô. (Trần Thị Kim Thảo, 40 Trần Phú, Phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Trong bài thi tốt nghiệp THPT không có phần viết luận.

Nói chung để viết một bài luận tốt, cần phải có một dàn ý khúc chiết đi thẳng vào vấn đề. Khi triển khai dàn ý thành bài luận, cần diễn đạt theo văn phong Tiếng Anh, tránh dịch từng ý, từng từ. Giữa các ý cần có từ nối (linking words) và nên có những dẫn chứng, ví dụ cụ thể để minh họa cho lập luận của mình. Ngoài ra, cần kiểm tra các cấu trúc văn phạm cho hoàn chỉnh, từ vựng và cấu trúc đa dạng sẽ làm cho bài luận hay hơn.

* I would like to know, how do I learn English well without having any problem in writing or speaking even writing this language. It 's really hard to adopt a language that you've never used to u se to a country which has never spoken that language as a mother tongue. Thank you for your response. From me. (Khanh Nguyen, 29 Nguyen Kiem, TP.HCM)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Tôi rất vui khi nhận được một câu hỏi bằng tiếng Anh, tuy nhiên ở đây chúng ta đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nên câu hỏi của em có phần hơi lạc đề. Quả thật, chúng ta không sử dụng Tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày nên sẽ rất khó để nói hay viết Tiếng Anh thật sự lưu loát. Em cứ tận dụng tất cả các cơ hội nào có thể để sử dụng Tiếng Anh, điều này sẽ giúp em cải thiện được khả năng sử dụng Tiếng Anh của mình.

* Chào các thầy cô giáo, em muốn hỏi trong kì thi đại học thì có liên quan chương trình lớp 10 và lớp11 không? Xin chân thành cảm ơn thầy cô. (DAO THI KIM THAO, AN NHON, XUN HAI, NINH HAI, NINH THUAN)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Nhìn chung, để làm bài thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi ĐH tốt, thí sinh cần có kiến thức môn Tiếng Anh ở 3 khối lớp.

* Xin cho em biết 1 số cách để làm dạng bài tập về dấu trọng âm và từ vựng. (đỗ minh phúc)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Về phần trọng âm thầy đã trả lời cho một bạn ở trên, em có thể tham khảo. Về từ vựng, chủ yếu em đọc kỹ các bài khóa trong SGK và nắm vững nghĩa cũng như cách sử dụng các từ này. Ví dụ, em phải biết nghĩa của từ "interested" nhưng đồng thời phải biết giới từ "in" theo sau. Bên cạnh đó, em phải học cách phân biệt các từ cùng nhóm nghĩa (ví dụ: trip, journey, tour, voyage) và cả các động từ 2 từ (phrasal verbs), và các thành ngữ có liên quan đến từ vựng như trong bài số 6 SGK tiếng Anh 12 chương trình cải cách: "make use of", "put a stop to" chẳng hạn.

* Có phải các bài đọc hiểu theo như chương trình SGK phải không? (ngo hanh)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Các bài đọc hiểu của bài thi thường dựa trên các chủ đề của chương trình phổ thông (ví dụ: môi trường, ngôn ngữ, văn hóa...). Do đó các em có thể luyện tập bằng cách đọc những đoạn văn cùng chủ đề với các bài đọc trong chương trình phổ thông để rèn kỹ năng đọc và đồng thời cũng học và ôn tập được các từ vựng để làm bài thi điền từ và từ vựng.

Bà Trần Thụy Thùy Trinh (trái), đang tư vấn cho các bạn học sinh.
Ảnh Khả Hòa

* Cách phân biệt trạng từ, danh từ, tính từ, động từ và cách sử dụng như thế nào? Mong các thầy cô giáo giúp em. (Quang, Binh Duong)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Chúng ta phân biệt các loại từ trên bằng các tiếp tố. Ví dụ: trạng từ là tính từ thêm tiếp tố "-ly", các động từ được hình thành bằng cách thêm các tiếp tố "-ize", "-en", "-ate", "-ify", các danh từ thường tận cùng bằng "-ment", "-ness", "-tion"..., các tính từ thì tận cùng bằng "-ic", "-ical", "-ive", "-ful"... Khi làm bài tập về dạng thức từ, em cần nhận biết được ở vị trí nào thì loại từ nào được sử dụng. Để làm được điều này em phải nắm được các mẫu câu cơ bản và các dấu hiệu để nhận biết loại từ được sử dụng. Ví dụ: sau giới từ, mạo từ, tính từ thường là 1 danh từ. Ở đầu câu sẽ là trạng từ nếu có dấu phẩy sau từ đó, tính từ thường nằm sau "to be" hoặc đứng trước danh từ...

Trên đây là những điểm cơ bản, để sử dụng thật nhuần nhuyễn, chúng ta cũng mất khá nhiều thời gian đấy.

* Xin chao cac thay co. Em muon thay co chi giup cho em cach lam sao de hoc Tieng Anh gioi a. Em da co gang rat nhieu nhung kha nang nghe va noi cua em khong tien bo len duoc. Em rat muon minh gioi tieng Anh de co the giao tiep tot. Rat cam on thay co nhieu. (Thai Thi Thu Thuy, 36 le dinh duong, Tam Ky, Quang Nam)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Trong bài thi Tiếng Anh không kiểm tra kỹ năng nghe và nói. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui khi em cũng quan tâm tới các kỹ năng giao tiếp. Hai kỹ năng nghe và nói nhìn chung cần luyện tập nhiều: "Practice makes perfect".

* HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO CHO DỂ NHỚ VÀ DỂ HIỂU? KHÔNG BIẾT EM CÓ KÉM THÔNG MINH KHÔNG MÀ HỌC TIẾNG ANH MAU QUÊN QUÁ, CỨ HỌC TỪ VỰNG NHỚ VÀI NGÀY RỒI QUÊN, THẦY CÔ CÓ CÁCH NÀO ĐỂ GIÚP EM HỌC DỂ HIỂU VÀ KHÓ QUÊN KHÔNG? CAM ƠN. (nguyen van sang)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Học rồi quên là chuyện rất bình thường, tuy nhiên cần có những biện pháp để hạn chế phần "quên" này như: phải thật tập trung khi học, ứng dụng những gì mình đã học (học từ mới thì nên đặt một câu hoặc dùng từ mới đó khi viết hoặc nói), trong khi làm các bài tập ngữ pháp nên để ý xem cấu trúc này là cấu trúc gì, phải liên hệ với những câu tương tự... Bằng cách liên hệ và ứng dụng những gì mình đã học, ôn lại những gì mình đã học thì em có thể nhớ nhiều hơn và tự tin hơn khi học tiếng Anh.

* Thầy, cô cho em hỏi là trong quá trình làm bài thi thì sẽ gặp nhiều từ vựng mới, mình không biết phải làm sao? Có câu thì có thể đoán được ngữ cảnh, còn không thì mình đánh theo cảm tính hả thầy (cô)? (Hoàng Oanh, H13 tổ 123 Quang Trung F11 Gò vấp, TP.HCM)

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Khi gặp những từ mới trong bài thi em có thể tận dụng ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ, tận dụng kiến thức về tiếp đầu ngữ - tiếp vĩ ngữ để đoán. Nếu chưa đoán được, em có thể để lại, bình tĩnh đọc bài tiếp. Nhiều khi chính những thông tin sau đó sẽ giúp em đoán được từ này. Tốt nhất các em nên chuẩn bị cho mình vốn từ vựng và kỹ năng đọc hiểu thật tốt.

* Về việc ôn tập để có những kiến thức thật vững vàng cho kì thi thì chắc chắc chúng em đều phải nắm vững các công thức để áp dụng, nhưng kiến thức thì không ít, vậy làm sao để nhớ thật tốt và đầy đủ, trường hợp run quá quên mất công thức ấy thì làm như thế nào?

- Bà Trần Thụy Thùy Trinh: Các kiến thức Tiếng Anh đều có liên quan đến nhau. Nếu em nắm cấu trúc câu mà không có từ vựng tốt, em cũng khó có thể hoàn tất tốt bài thi, vì vậy em cần có sự liên hệ giữa các kiến thức mình đã học (ví dụ: học một từ mới em cần liên hệ với giới từ đi kèm, cách phát âm, trọng âm, các dạng danh từ, động từ của từ đó...). Trên thực tế bài thi Tiếng Anh có những phần tách biệt với nhau, em nên hoàn tất các câu dễ trước, sau đó mới tập trung làm các câu khó hơn, bình tĩnh tự tin sẽ giúp em nhớ được những gì mình đã học. Trường hợp lỡ quên công thức, em cứ tiếp tục làm những câu khác rồi sau đó mới quay lại. Nên liên hệ những công thức với nhau, tìm điểm giống nhau và khác nhau bằng cách này em suy ra được công thức cần tìm.

Các khách mời đang giải đáp các thắc mắc trực tuyến cho thí sinh.
Ảnh Khả Hòa

* Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp rồi, tôi có đứa em đang học lớp 12. Tôi muốn giúp em tôi ôn thi môn Tiếng Anh để nó thể đạt kết quả cao nhất. Vậy xin hãy cho tôi lời khuyên tốt nhất để giúp em tôi ôn tập thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh được hiệu quả nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Lương Hồng Hạnh, 37, tổ 14 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Trước hết, bạn phải giúp em bạn nắm được cấu trúc của đề thi tốt nghiệp. Mỗi phần là một dạng đề có những phương pháp giải quyết vấn đề riêng biệt. Chủ yếu bạn phải giúp em bạn nắm vững các vấn đề ngữ pháp, từ vựng theo chủ điểm có trong SGK tiếng Anh 12. Đề thi tốt nghiệp sẽ có phạm vi không vượt những điểm ngữ pháp và từ vựng có trong sách.

Cụ thể hơn, phần phát âm, em bạn phải tập trung vào các nguyên âm và nguyên âm đôi, các từ có trong bài thi cũng sẽ chỉ là những chữ trong SGK. Phần trọng âm có thể tham khảo phần trả lời trên.

Phần ngữ pháp và cấu trúc sẽ không quá khó nên cố gắng tập trung lấy điểm cao nhất có thể ở phần này. Các điểm ngữ pháp thường gặp trong đề thi là: câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề so sánh, thời gian, lý do, mục đích và kết quả.

Phần từ vựng, em bạn phải nắm được các từ trong chủ điểm của các bài trong sách, kết hợp phần giới từ. Bên cạnh đó, động từ 2 từ mà cụ thể là động từ "go", em bạn cũng phải thuộc.

Phần đọc hiểu là phần tương đối khó. Thí sinh phải có một vốn từ vựng nhất định về các chủ điểm có trong SGK. Nắm được cách tìm ý chính và một số dạng câu hỏi thường gặp như: tìm ý được nêu trong bài, tìm ý không được nêu hoặc là sai với ý của bài, suy luận từ bài khóa để tìm ra câu trả lời đúng.

Phần điền từ vào đoạn văn cho trước, tôi đã trả lời ở trên, xin tham khảo.

Phần tìm câu sát nghĩa với câu cho trước không quá khó, tuy nhiên các em cũng phải chú ý dạng điền khuyết để hoàn tất câu là một dạng thức mới có trong cấu trúc đề thi. Ở dạng đề này, những kiến thức về cấu trúc đồng dạng, dùng từ thừa, dùng từ sai vị trí cũng phải được tính tới chứ không phải đơn thuần là các vấn đề ngữ pháp.

Phần tìm lỗi, những lỗi mà đề thi thường khai thác là: danh từ đếm được, không đếm được; dạng thức và thì của động từ; mạo từ; đại từ nhân xưng, đại từ không xác định và đại từ quan hệ; các từ chỉ số lượng.

Nhìn chung, để có được điểm số cao các em phải tập trung giải quyết tốt phần đọc hiểu và điền từ vào đoạn văn cho trước. Để có được điểm số trung bình khá, thì tập trung vào phần ngữ pháp.

* Em la hoc sinh lop 12a5 truong THPT Nguyen Trai. Em muon hoi nam nay hinh thuc thi tot nghiep se co dang giong nhu nhung nam truoc phai khong? Nhung nhung cau trac nghiem do se xoay quanh chuong trinh SGK lop 12 cua em hoc hay se trai rong sang nhung cau hoi ngoai le khac...? Em xin cam on chuong trinh rat nhieu. (nguyen phuong nhi, 97b, tô, duong do thanh nhan, khu pho nguyen khai, thi tran lai thieu, huyen thuan an, tinh binh duong)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Về cơ bản, dạng đề không thay đổi, em có thể tham khảo các câu trả lời trên sẽ rõ. Đừng lo lắng là đề sẽ ra ngoài chương trình, em chỉ cần ôn tập thật kỹ các bài trong SGK là được. Đây là kỳ thi tốt nghiệp nên đề sẽ không quá khó và không có độ phân hóa cao như đề thi tuyển sinh ĐH, chủ yếu, một lần nữa tôi xin nhắc, là trong chương trình lớp 12.

* Thời gian gân đây, tôi có luyện tập với cuốn Tốt nghiệp THPT môn Anh văn. Thật bất ngờ, không biết có phải trình độ mình quá kém không nhưng thật sự đề quá khó, gần bằng đề ĐH-CĐ, ngay cả giáo viên dạy Anh văn cũng nói vậy? (T.M.T)

- Ông Trần Đình Nguyễn Lữ: Thường khi các tác giả soạn sách, họ đưa vào sách những ý tưởng giúp học sinh nắm bắt được các vấn đề và có chiến thuật, chiến lược để đạt điểm tốt. Phần thực hành thường là khó hơn so với đề thi thực tế, đó cũng là điều bình thường vì bao giờ cũng vậy, luyện tập phải nặng hơn khi ta thi đấu thật sự. 

Ban Thanhnien Online, Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.