Tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập: 15.000 thí sinh nhưng có tới 100.000 chỗ học

18/07/2015 05:36 GMT+7

Những tưởng, thời điểm này, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập, phòng tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập sẽ tấp nập vì học sinh (HS) không vào được trường công sẽ chọn trường tư.

Những tưởng, thời điểm này, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập, phòng tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập sẽ tấp nập vì học sinh (HS) không vào được trường công sẽ chọn trường tư.

Trong vai phụ huynh, chúng tôi dạo quanh một số trường THPT để tìm hiểu thông tin đăng ký học. Tại một trường dân lập trên đường Thái Phiên (Q.11), gần như suốt buổi chiều, chúng tôi quan sát thấy chỉ có một phụ huynh vào tìm hiểu thông tin.
Được biết, trường này cam kết với phụ huynh mức học phí sẽ ổn định trong 3 năm và có chính sách miễn giảm học phí tùy theo kết quả HS đạt được trong từng học kỳ. Đặc biệt, ngoài nhân viên tư vấn giải đáp thắc mắc cho phụ huynh thì hiệu trưởng nhà trường cũng trực tiếp giới thiệu. Tuy nhiên sau đó, phụ huynh này cũng ra về, suy nghĩ thêm, chứ chưa đăng ký học ngay.
Tương tự, tại Q.Tân Phú, sau khi bảo vệ của một trường THPT trên đường Hòa Bình chỉ phòng đăng ký học lớp 10, phóng viên được người phụ trách tuyển sinh tiếp với thái độ không mấy mặn mà. Người này cho rằng do không có nhiều HS thành phố quan tâm nên trường tuyển HS ngoại tỉnh là chủ yếu.
Giải thích thực trạng này, một quản lý của Trường dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình) cho hay: “Mỗi năm trung bình có gần 15.000 thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập trong khi hệ thống trường ngoài công lập với khoảng 90 trường cùng trung tâm GDTX ở 24 quận, huyện, các trường TCCN, trung cấp nghề... có đến 100.000 chỗ học dành cho những em này. Do vậy, thị phần ngày càng nhỏ hẹp, sự cạnh tranh ngày một khốc liệt”.
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường dân lập Thanh Bình, cho biết để thu hút HS, ngoài việc phải thay đổi, nâng cao chất lượng thì hệ thống trường này phải sử dụng nhiều kênh thông tin quảng bá.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu tháng 6 vừa qua, hầu hết các hội đồng thi đều có nhân viên các trường dân lập đến phát tờ rơi, giới thiệu phụ huynh mô hình trường học, các chế độ ưu đãi, miễn giảm... Một nhân viên tư vấn của Trường THPT dân lập A.D.V (Q.Tân Phú) cho hay: “Trước mùa tuyển sinh, nhà trường tổ chức đoàn tư vấn đi hầu hết các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Vì vậy mấy năm nay, HS của trường đều từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai…”. Vì vậy, trong thời gian cao điểm cho việc đăng ký học lớp 10, phải là những trường có uy tín, có kinh nghiệm và đã hoạt động được 20 năm mới có khoảng 30 HS đăng ký nhập học mỗi ngày.
Số HS không trúng tuyển còn lại chủ yếu đăng ký học tại trung tâm GDTX hoặc các trường TCCN...
Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), tính từ ngày 13.7 đến nay, trung bình mỗi ngày có 100 HS đăng ký. Theo ông Phan Minh Khoa, Phó giám đốc trung tâm, mỗi năm trung tâm tuyển được xấp xỉ 600 HS. Tương tự, ông Phan Văn Việt, Giám đốc Trung tâm GDTX Tân Bình, cũng thông tin đến thời điểm này trường tuyển được 50% chỉ tiêu, tức là khoảng gần 400 HS.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Linh nói: “Mấy năm trước có khi đến cuới tháng 6 là trường đã nhận đủ chỉ tiêu nhưng từ 2 năm trở lại đây, hầu như trường đều tuyển đến khoảng giữa tháng 8. Thật sự, mức độ chênh lệch về học phí giữa các trường tư và trung tâm GDTX là yếu tố quyết định nhiều nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.