Một kỳ thi quốc gia: ĐH muốn tích hợp, THPT chọn theo môn

16/08/2014 09:00 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng cách thức triển khai một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng trước mắt kỳ thi nên được thiết kế làm căn cứ để các trường tuyển sinh đầu vào.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng cách thức triển khai một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng trước mắt kỳ thi nên được thiết kế làm căn cứ để các trường tuyển sinh đầu vào.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngày hôm qua ở đầu cầu TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phát biểu mở đầu hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ về triển khai kế hoạch hành động của ngành giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện trong lĩnh vực giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại 6 địa điểm vào ngày 15.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn nội dung thảo luận của hội nghị sẽ tập trung vào 3 trong số rất nhiều vấn đề người dân đang quan tâm. Cụ thể: việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, tự chủ trong các trường ĐH, phương án cụ thể của một kỳ thi quốc gia.

Chọn phương án tích hợp các môn

Theo thống kê, trong khi có đến 98% các trường THPT tại Hà Nội chọn phương án 1 (thi theo môn học) thì hiệu trưởng các trường ĐH, học viện lại thiên về phương án tổ chức một kỳ thi theo hướng tích hợp các môn.

 

Thi cái gì chưa quan trọng bằng việc phải đảm bảo rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê nhất; tạo động lực học tập cho học sinh

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng cả 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến vẫn còn khá nặng nề cho thí sinh về nội dung thi. “Chúng tôi nghĩ đến một phương án giản tiện nhất là nội dung thi gồm 2 khối kiến thức thuộc toán và ngữ văn; riêng môn thứ ba - ngoại ngữ - có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đến yếu tố vùng miền”, ông Sơn đề xuất.

Nhiều hiệu trưởng cũng chọn phương án tích hợp các môn. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận định: “Phương án 2 là phù hợp, tối ưu, giúp cho các trường vừa xét tuyển phổ thông vừa tuyển sinh ĐH. Đây cũng là phương án gần với hình thức thi mà các nước láng giềng đang thực hiện”. Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, khẳng định:“Phương án 2 phù hợp để có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù”.

Lo ngại nếu tổ chức ở địa phương

Một trong những vấn đề mà hiệu trưởng các trường ĐH băn khoăn là có nên đưa một kỳ thi quốc gia để các địa phương thực hiện. Phần lớn hiệu trưởng lo lắng nếu để các địa phương làm thì không đảm bảo chất lượng.

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, dứt khoát: “Hiện nay và có lẽ trong vài năm tới, các trường ĐH, CĐ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào kỳ thi THPT tổ chức ở địa phương. Vì vậy, nếu tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này ở địa phương thì nhiều trường ĐH sẽ phải tổ chức thi tuyển bổ sung, từ đó làm khó cho thí sinh và tốn kém”. Ông Phú đề xuất các trường ĐH sẽ đảm nhận chính vai trò coi và chấm thi.

 

Có lộ trình thực hiện tự chủ tài chính

Liên quan đến tự chủ tài chính, ông Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết mức học phí 4,8 triệu đồng/sinh viên/năm là rất thấp, gây khó khăn cho các trường trong việc trang trải kinh phí hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải quyết liệt thực hiện tự chủ cho các trường, trong đó có vấn đề tự chủ học phí để dần dần tiến tới tự chủ cả hệ thống. Có thể coi đây là điểm cốt tử của giáo dục ĐH hiện nay, không thể cứ bao cấp và mãi không rõ ràng như hiện nay. Đương nhiên, việc này cần được thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, ngay trong năm nay cần có văn bản cho áp dụng ngay với 4 trường đã có đề án về tự chủ tài chính”. Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Các trường công lập đã nhận được sự đầu tư nhiều tiền của, đất đai từ nhà nước để có được như hôm nay. Giờ làm đúng tinh thần tự chủ, các trường không cần nhận thêm 'bầu sữa' đó nữa”.

Cùng ý kiến, ông Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề liệu các trường ĐH, CĐ có yên tâm sử dụng kết quả không khi tổ chức thi tại địa phương? “Chắc chắn, trường tôi và nhiều trường sẽ phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào. Đây cũng là một điều đáng phải suy ngẫm thêm”, ông Sơn khẳng định.

Ông Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh, lấy một ví dụ để thấy sẽ có vấn đề nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia ở địa phương. Ông Khoát nói: “Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chúng ta giao cho các địa phương coi thi, còn khâu chấm thi thì đưa về Cục Khảo thí. Coi thi làm không tốt thì chấm khách quan đến mấy cũng không có kết quả tốt. Một thí sinh dự thi vào học viện chúng tôi vừa qua đoạt giải trong kỳ thi quốc gia môn hóa nhưng tổng điểm 3 môn thi ĐH khối A chỉ đạt 9 điểm. Như vậy, có thể có những vấn đề chúng ta phải tính nếu tổ chức kỳ thi này ở cụm các địa phương”.

Các trường tuyển sinh trên tinh thần tự chủ

Vấn đề làm các trường ĐH, CĐ, đặc biệt trường hàng đầu, lo lắng là tổ chức thi như thế nào để có được kết quả đáng tin cậy, sử dụng được. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng khi mà việc tổ chức thi còn phải “rút kinh nghiệm” thì khối các trường y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào. Kỳ thi đó có thể sẽ như kỳ thi tuyển sinh ĐH gần đây. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quý Khoát đề nghị: “Trường ĐH nào không yêu cầu đầu vào cao thì có thể lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT là được, còn những trường y hay Học viện An ninh thì chắc chắn phải có kỳ thi riêng”. Theo ông Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, từ kết quả kỳ thi chung, các trường ĐH, CĐ có thể tự chủ trong cách thức xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào của trường mình. Những trường tuyển sinh khối ngành y dược có thể tổ chức thêm kỳ tuyển sinh riêng, các trường năng khiếu kiểm tra đầu vào năng khiếu…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến của các giảng viên ĐH, giáo viên THPT và cả học sinh về các phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia. Hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập các tổ, nhóm để tập hợp ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thi cái gì chưa quan trọng bằng việc phải đảm bảo rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê nhất; tạo động lực học tập cho học sinh. Còn về mục tiêu, kỳ thi vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT vừa để các trường tuyển sinh trên tinh thần tự chủ. Nếu kỳ thi này được tổ chức tốt thì các trường ĐH, CĐ không cần phải tổ chức thêm kỳ thi tuyển sinh riêng”. Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc để công bố công khai, trước dịp khai giảng năm học mới.

Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt

Buổi thảo luận tại đầu cầu TP.HCM rất “nóng” với các vấn đề trường ĐH tư. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, cho rằng ngay từ đầu các trường phải xác định rõ mô hình hoạt động vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Nếu là phi lợi nhuận, các trường phải hy sinh không chia cổ tức mà tái đầu tư phát triển trường, những trường này cần được hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước vì hoạt động không khác các trường công.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mộng Giao, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, đặt ra vấn đề bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ngoài công lập. Ông Giao cho rằng dù là trường ngoài công lập nhưng hiệu trưởng trường ĐH là vị trí danh dự, người được bổ nhiệm phải là nhà khoa học, có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp khí khoa học quốc tế. Vì vậy Bộ cần chỉnh sửa ngay quy định này.

Trao đổi tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt vì liên quan đến con người nên không thể triển khai như với doanh nghiệp là giảm dần số lượng đơn vị công để tư nhân tham gia đầu tư phát triển, mà phải tính toán cơ chế quản lý làm sao để các trường công lập hoạt động hiệu quả như một doanh nghiệp. Theo đó, cần khuyến khích sự tự chủ của các trường đại học công lập. Còn phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận thực ra cũng tùy cách nói. Bất kỳ tổ chức đầu tư nào, dù công hay tư cũng cần tính lãi. Vấn đề là xử lý số lãi đó bằng cách chia ra hay tái đầu tư.

T.Nguyễn - H.Ánh - Đ.Nguyên

>> Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 'vào vai' người dân, đi dự hội nghị giáo dục
>> Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu khó cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn làm
>> Bộ GD-ĐT lại quy định cách tính mới về điểm xét tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.