Ước mơ làm thầy để dạy em bị tự kỷ của chàng trai khuyết tật

10/07/2013 14:09 GMT+7

(TNO) Căn bệnh teo cơ delta bẩm sinh khiến việc đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng Lã Mai Hoàng vẫn nỗ lực học tập với mong muốn trở thành thầy dạy cho em trai bị mắc chứng tự kỷ.

(TNO) Căn bệnh teo cơ delta bẩm sinh khiến việc đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng Lã Mai Hoàng vẫn nỗ lực học tập với mong muốn trở thành thầy dạy cho em trai bị mắc chứng tự kỷ

Đó là hoàn cảnh của thí sinh Lã Mai Hoàng (Ninh Khánh, Ninh Bình) dự thi khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội. Bước những bước đi tập tễnh sau khi thi xong môn thi lịch sử chiều 9.7, Hoàng ra khỏi phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ niềm vui vì hoàn thành tốt bài thi. Hoàng nhẩm tính có thể đạt 7 điểm ở môn thi này. Nếu hoàn thành tốt môn thi văn, Hoàng coi như như bước đến gần hơn với ước mơ được trở thành thầy giáo cho em trai Lã Minh Hiếu (8 tuổi) đang phải điều trị chứng tự kỷ.

Bị chứng teo cơ delta và đã qua 3 lần phẫu thuật, căn bệnh của Hoàng vẫn không khỏi. Hằng ngày, bố là người đưa đón Hoàng đi về trên quãng đường 14 km từ nhà đến trường. Những lúc Hoàng gắng gượng tự đi lại, chẳng may vấp phải hòn đá, hòn sỏi cũng khiến người nhụy ngã. Bởi khi ấy, lực dồn cả vào đầu bàn chân, những ngón chân cọ với dép, chạm xuống nền gạch khiến chân em tứa máu. "Dẫm vào viên sỏi hoặc đang đi chân bị co giật, bị tê em cũng ngã”, Hoàng kể.

Không chỉ đi lại khó khăn, bàn tay trái của Hoàng gần như không thể cử động, còn lại bàn tay phải cũng không thực sự nhuần nhuyễn. Hoàng chia sẻ, ở môn thi địa lý, bạn chật vật hơn một giờ tiếng đồng hồ mới vẽ xong biểu đồ hình tròn.

Thí sinh teo cơ delta đi thi vì em trai tự kỷ
Lã Mai Hoàng sau ngày thi đầu tiên - Ảnh: Nguyên Thảo

Hoàng cho biết, cơn đau đến từ căn bệnh teo cơ delta và sinh hoạt hằng ngày phụ thuộc quá nhiều sự trợ giúp từ bố mẹ và những người xung quanh khiến Hoàng đã muốn bỏ cuộc. Chỉ còn nguồn động viên lớn nhất từ cậu em trai mình khiến Hoàng cố gắng vươn lên trong học tập để thi đại học và không từ bỏ mơ ước trở thành thầy giáo. Hiếu năm nay lên 8 tuổi, chưa thể vào lớp 1 và đang theo học lớp học đặc biệt cho trẻ tự kỷ. Mỗi giờ học, gia đình phải trả 120.000 đồng. Hiếu rất ham học, cũng có khi buồn bực thì đánh, xé sách, vẽ bậy vào vở. Hoàng lại thương em nhiều hơn bởi mình vẫn còn may mắn hơn em trai khi vẫn có thể đến trường học, gặp thầy cô, bạn bè và nói chuyện, tâm sự với bố mẹ.

Cũng có lúc, Hoàng bất lực nhìn em trai đập phá đồ đạc mà không thể chạy theo em ngăn giữ, không thể nói chuyện để động viên em trai. "Nếu đỗ đại học, em tin những kỹ năng học được từ khoa Giáo dục đặc biệt sẽ giúp mình có thể dạy học cho em trai và những người bạn trong lớp học đặc biệt của Hiếu", Hoàng nói.

Gia cảnh nhà Hoàng rất khó khăn. Bố làm nghề sửa chữa đồ điện tử, mẹ thì nhặt phế liệu bán đồng nát. Cả gia đình sống chung trong căn nhà chỉ rộng chưa đến hai chục mét vuông ở TP.Ninh Bình.

Đưa con về Hà Nội thi đại học, những lúc đến trường thi, ông Lã Hoàng Minh cũng phải nhờ đến sinh viên tình nguyện hỗ trợ Hoàng. Hy vọng con trai đỗ đại học để thỏa ước mơ nhưng vẫn còn nhiều suy tư trăn trở. Bởi mai này nếu đỗ đại học, ông Minh lo không biết con sẽ ở đâu, ai chăm sóc. Dù nghèo khó, vợ chồng ông Minh vẫn cố gắng chạy chữa cho các con. Chứng bệnh tự kỷ của Hiếu chưa có dấu hiệu thuyên giảm khiến số nợ vay ngân hàng, vay từ bạn bè và hàng xóm mỗi ngày một nhiều hơn. Trong khi sinh hoạt hằng ngày của 4 miệng ăn, chỉ biết trông chờ vào tiến bán phế liệu và tiền công sửa chữa quạt điện do khách hàng gửi sửa.

Nguyên Thảo

>> Cô bé tí hon trốn bố mẹ đi thi đại học
>> Bắt hai đối tượng móc trộm tài sản thí sinh thi đại học
>> Hơn 800.000 thí sinh thi đại học đợt 2
>> Một thí sinh bị bệnh hiểm nghèo trước ngày thi đại học
>> Thương hai chị em mồ côi đưa nhau đi thi đại học
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2
>> 18 điều giúp bạn thi đại học tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.