Vì sao an ninh học đường lỏng lẻo?

28/02/2021 10:28 GMT+7

Nhiều phụ huynh đã bàng hoàng, lo lắng về an ninh học đường trước sự việc một nhóm côn đồ mang hung khí ngang nhiên xông vào Trường THPT Đốc Binh Kiều (H.Tháp Mười, Đồng Tháp) bắt 3 học sinh lớp 12 đem đi hành hung.

Thực tế lâu nay cho thấy vấn đề an ninh học đường vẫn chưa được coi trọng đúng mức, nhất là ở lực lượng bảo vệ.

Cận cảnh nhóm côn đồ xông vào trường học bắt 3 học sinh mang đi đánh đập

Bảo vệ thu nhập thấp, không có nghiệp vụ

 Đa số các bảo vệ trường học, đặc biệt là trường học ở vùng sâu, vùng xa hầu hết là hợp đồng, chưa được tập huấn nghiệp vụ, do đó khó có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ. Với mức lương hợp đồng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, các trường học không thể tìm được người có nghiệp vụ an ninh thực sự mà chỉ có thể thuê những người cao tuổi, về hưu để làm bảo vệ. Trong khi đó các loại tội phạm ngoài xã hội ngày càng phức tạp, khó lường.
Bảo vệ là lực lượng cần có ở tất cả các trường học, nhưng trong danh sách cán bộ biên chế, viên chức ở trường học theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, không có biên chế, viên chức cho bảo vệ. Danh mục khung vị trí việc làm trong các trường phổ thông công lập do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017 cũng không có vị trí bảo vệ. Do đó, lương chi trả cho bảo vệ do nhà trường tự cân đối chứ không thu được từ phụ huynh học sinh. Vấn đề thực sự khó khăn khi các trường học ở vùng sâu, vùng xa không thể thu thêm tiền để trả lương cho bảo vệ vì sợ lạm thu, nhất là thu nhập người dân ở địa phương cũng thấp. Việc vận động phụ huynh đóng thêm tiền cho công tác bảo vệ không hề dễ dàng.
Lương thấp nhưng trách nhiệm của bảo vệ trường học lại cao. Vì đặc thù liên quan tới hoạt động quản lý học sinh nên hiếm khi được ngơi nghỉ. Không chỉ là quản lý cơ sở vật chất ở một góc độ nào đó, họ còn phải bảo đảm an toàn cho thầy trò nhà trường.
Ở một số trường bảo vệ còn có nhiều việc không tên như sửa điện, nước, cùng một số việc nặng nhọc khác trong trường.Thế nhưng, đồng lương của họ khó có thể đảm bảo cho cuộc sống và định biên bảo vệ trường học còn nhiều vướng mắc nên tìm bảo vệ đạt yêu cầu không hề là chuyện đơn giản. Trong khi các loại tội phạm ngày càng manh động, môi trường học đường cũng là mục tiêu nhắm đến của tội phạm trộm, cướp, xâm hại tình dục… thì đội ngũ bảo vệ trường học lại thiếu và yếu. Mỗi khi có sự việc đáng tiếc xảy ra ai cũng giật mình khi nhìn lại an ninh trường học còn lỏng lẻo, đội ngũ bảo vệ thiếu chuyên nghiệp. Để rồi dường như trách nhiệm của bảo vệ hiện nay chỉ gói gọn với việc trông chừng học sinh vi phạm nội quy và giữ tài sản vào ban đêm.

Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nơi 2/3 học sinh bị các nhóm côn đồ hành hung nhập viện, điều trị

TRẦN NGỌC

Môi trường xung quanh trường học thiếu an toàn

Có trường bị bao vây bởi quán nhậu, có trường nằm ở khu vực dân cư phức tạp, thường xuyên có kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ học sinh, rồi tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, có đối tượng bảo kê giữ xe máy cho học sinh. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng bảo vệ theo biên chế thì rất khó khăn, quản lý không nổi. Trong khi đó, trường không có nguồn thu nào thêm nên không thể ký hợp đồng để bổ sung nhân sự.
Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trường học hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục, của từng trường học mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Nếu không kịp thời có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trước mắt là nâng cao chất lượng bảo vệ, có thể tiếp diễn các vụ xâm hại giáo viên, học sinh, các tệ nạn xã hội cũng có nguy cơ len lỏi vào nhà trường.
Đã đến lúc cần sự quan tâm và vào cuộc đồng bộ không chỉ của ngành chức năng mà cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội để khắc phục lỗ hổng và bất cập trong việc bảo đảm an ninh học đường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.