Vừa học vừa chán môn văn - Kỳ 2: Cắt xén tác phẩm văn học

22/05/2012 03:29 GMT+7

Nhiều tác phẩm văn học đưa vào chương trình giảng dạy bị cắt xén cho phù hợp với thực tế. Điều này khiến văn học không được nhìn nhận đúng với bản chất. >> Vừa học vừa chán môn văn

Nhiều tác phẩm văn học đưa vào chương trình giảng dạy bị cắt xén cho phù hợp với thực tế. Điều này khiến văn học không được nhìn nhận đúng với bản chất.

>> Vừa học vừa chán môn văn

Ôm đồm và thiếu khoa học

Nhiều ý kiến cho rằng vì quá ôm đồm, đưa vào giảng dạy quá nhiều tác phẩm văn học của mỗi thời kỳ nên đã dẫn tới tình trạng quá tải. Vì thế phải xử lý bằng cách giản lược một số tác phẩm. Theo lý giải của các tác giả sách, nếu không lược bớt, lượng đọc quá dài, giáo viên không đủ thời gian dạy toàn bộ. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, đồng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn nâng cao, cho rằng: ”Nhìn nhận tổng thể, một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh là một chỉnh thể nghệ thuật thì lược đi chỗ nào, câu nào... ít nhiều cũng ảnh hưởng”.

Không phải chỉ trích lược, nhiều tác phẩm khi đưa vào giảng dạy còn bị bỏ đi những đoạn bị cho là “không phù hợp với cuộc sống hiện nay”. Thời gian gần đây dư luận đang rất quan tâm tới việc tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao trong chương trình SGK Ngữ văn lớp 11 bị cắt bỏ đoạn miêu tả nhân vật Chí Phèo và Thị Nở gặp nhau trong vườn chuối với lý do không không phù hợp với học sinh phổ thông vì nó quá trần trụi.

Vừa học vừa chán môn văn
Học sinh lớp 11 Trường dân lập Nguyễn Khuyến (TP.HCM) trong giờ học văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo viên thiếu điểm tựa khoa học phê bình

Thạc sĩ Hoàng Phong Tuấn - giảng viên tổ lý luận văn học, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Luồng ý kiến thứ nhất từ các nhà biên soạn SGK cho rằng lược bỏ là do giới hạn thời gian và do nếu đưa vào thì không có lợi cho giáo dục. Luồng ý kiến thứ hai chủ yếu từ các nhà phê bình (Lại Nguyên n và Phạm Xuân Nguyên) cho rằng không nên lược bỏ vì ảnh hưởng đến ý nghĩa và giá trị của tác phẩm”. Ông Tuấn phân tích: “Dường như chúng ta vẫn còn quá gắn bó với quan niệm cũ về chức năng giáo dục, nhận thức của văn học. Mặt khác, do chúng ta chưa thực sự có một hệ thống đa dạng các quan điểm lý thuyết phê bình khác nhau để lý giải các hiện tượng độc đáo của thực tiễn văn học. Để giải thích và đánh giá một hiện tượng văn học, một tình tiết hay chi tiết trong tác phẩm (ở đây là đoạn trích Chí Phèo gặp Thị Nở ở vườn chuối) là có giá trị (và vì thế là có ý nghĩa) hay không, ta cần có những điểm tựa từ khoa học phê bình, tức các lý thuyết phê bình. Vì vậy, giải pháp của những nhà biên soạn SGK cũng không phải là hoàn toàn không hợp lý, vì họ căn cứ vào tình hình hiện nay giáo viên chưa được trang bị những điểm tựa của khoa học phê bình. Nhưng đồng thời giải pháp này cũng cho thấy những bất cập trong thực trạng phê bình và dạy học văn”.

Từ thực tiễn này, ông Tuấn đề nghị: “Theo tôi, ta cần gấp rút trang bị các điểm tựa lý thuyết phê bình cho giáo viên, để họ có cách lý giải hợp lý, song song với việc đưa vào chương trình toàn văn tác phẩm. Cuối cùng, hãy để giáo viên tự chọn lựa cách dạy, điểm nhấn của riêng họ”.

Đoạn bị cắt trong tác phẩm Chí Phèo (SGK Ngữ văn lớp 11) ở trang 185 chương trình nâng cao và chương trình chuẩn trang 151 với lý do không phù hợp với học sinh như sau:

"...Hắn bẹo Thị Nở một cái làm thị nảy người lên. Và hắn cười, hắn lại bảo: Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không? Thị phát khẽ hắn một cái, làm cái vẻ không ưa đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ thì cũng yêu. Hắn cười ngất, và muốn làm thị thẹn thùng hơn nữa, hắn véo thị một cái thật đau vào đùi. Lần này thì không những thị nảy người. Thị kêu lên choe chóe. Thị nắm cổ hắn mà giúi xuống. Chúng tỏ tình với nhau. Không cần đến những cái hôn. Ai lại hôn, khi có những cái môi nứt nẻ như bờ ruộng vào kỳ đại hạn và cái mặt rạch ngang dọc như mặt thớt. Vả lại, có những cách âu yếm bình dân hơn, chúng cấu véo hoặc phát nhau... thiết thực biết mấy".

Ý kiến:

Cần phải bàn thảo

“Thường một tác phẩm văn học khi đưa vào SGK nhằm mục đích giáo dục học sinh (HS) tính chính diện nên các yếu tố phản diện, không phù hợp thì có quyền chắt lọc, lược bớt để phù hợp lứa tuổi HS. Điều này, ở nhiều nước trên thế giới cũng đã làm. Nhưng ở đây, HS lớp 11 đã phát triển về tâm sinh lý nên hoàn toàn có thể tiếp cận được đoạn cắt bỏ trong tác phẩm và nên để nguyên bản vào SGK. Vấn đề này cần phải đưa ra bàn thảo để các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến là nên để nguyên hay lược bỏ. Một tác phẩm khi có nhiều luồng ý kiến tranh luận thì không nên đưa vào SGK. Chúng ta hoàn toàn có thể thay thế Chí Phèo bằng một tác phẩm khác của Nam Cao”.

Giáo sư TRẦN THANH ĐẠM
nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Ở góc độ phê bình thì phải đầy đủ

“Các nhà soạn sách đang đứng ở góc độ làm sách cho đối tượng HS nên cắt lược như vậy là hợp lý. Còn đứng ở góc độ phê bình thì cần phải hoàn chỉnh đầy đủ và khoa học. Theo tôi, cái quan trọng là tác phẩm phục vụ đối tượng với mục đích giáo dục”.

 Phó giáo sư - tiến sĩ ĐOÀN LÊ GIANG
Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Không ảnh hưởng tới chủ đề tác phẩm

 “Truyện ngắn Chí Phèo đưa vào SGK như hiện nay là phù hợp với chương trình giảm tải. Tôi nghĩ, những nhà biên soạn đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và bản hiện nay là hoàn chỉnh. Trong giảng dạy, mục đích cuối cùng là cung cấp cho HS kiến thức cơ bản về tác phẩm. Chí Phèo nằm trong khuynh hướng văn học phê phán, dù lược bỏ đoạn như đã nêu thì cũng không ảnh hưởng tới chủ đề xuyên suốt của tác phẩm. Nếu HS muốn tìm hiểu đầy đủ thì có thể đọc thêm ở các nhà sách, thư viện”.

TRIỆU THỊ HUỆ
Trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Tình tiết không phù hợp với học sinh

“Giáo viên sẽ rất khó giảng ở đoạn “nhạy cảm” đó. Tác phẩm hay nhưng tình tiết đó tôi cho rằng không phù hợp với HS. Đồng thời, với thời lượng chương trình như hiện nay thì giáo viên cũng khó lòng chuyển tải đầy đủ”.

NGUYỄN THỊ PHI HỒNG
nguyên Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM

Minh Luân (ghi)

Minh Luân - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.